Kinh dị đồ chơi trẻ em!

Kinh dị đồ chơi trẻ em!
Đồ chơi là một trong những yếu tố hình thành nhân cách con trẻ. Lâu nay, các bậc phụ huynh thường chiều ý con. Điều đó vô hình trung hình thành nhân cách con trẻ qua các đồ chơi mang tính bạo lực, ma quái.
Kinh dị đồ chơi trẻ em! ảnh 1
Đồ chơi kinh dị trên phố Hàng Mã

Sự vô tình hay cố ý của cha mẹ, lợi nhuận của nhà cung cấp và sự buông lỏng của nhà quản lý... cũng đã vô tình hướng con trẻ tới những thứ đồ chơi bạo lực, kinh dị...

Hiểm họa từ đồ chơi

Để mua một thứ đồ chơi bạo lực hoặc quái dị không khó. Không phải ngày Tết thiếu nhi hay Rằm Trung thu mới rộ lên đồ chơi bạo lực.

Thị trường đồ chơi Việt Nam chủ yếu nhập từ nước ngoài hoặc “nhái” theo mẫu mã của nước ngoài, rất được trẻ em ưa chuộng. Đồ chơi do nước ngoài sản xuất có hình thức mẫu mã hấp dẫn, nhiều tính năng, và điều quan trọng là giá cả phù hợp với thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, từ lâu chất lượng đồ chơi và mức độ nguy hiểm của bạo lực, kinh dị thì dường như cả người bán và người mua đều phó mặc cho... trẻ nhỏ.

Dạo qua những nơi được gọi là “thế giới đồ chơi” như phố Hàng Mã, Lương Văn Can, chợ Đồng Xuân chúng tôi có thể dễ dàng nhận thấy đồ chơi bạo lực, ma quái vẫn được bán công khai.

Dao kiếm, súng ống đạn dược là loại đồ chơi mang tính bạo lực cao, nếu cần mua chủ hàng cũng có thể đáp ứng ngay với số lượng... bao nhiêu cũng có.

Tại một cửa hàng trên phố Lương Văn Can, người đi đường thường xuyên bị giật mình bởi những chiếc mặt nạ quái dị luôn treo trước cửa hàng.

Cũng tại cửa hàng này, khi tôi cần mua một chiếc mặt nạ thật kinh dị thì được người bán đon đả vào trong nhà lấy ra chiếc mặt nạ có hình thù “đầu lâu xương chéo, răng, tai mọc trên trán, răng mọc trên sống mũi”.

“Bao nhiêu tiền hả anh?” “40.000 đồng”. Người bán hàng cầm chiếc mặt nạ úp luôn lên mặt làm mẫu. Khi người này ngẩng mặt lên thì đột nhiên 2 du khách nước ngoài đi ngang qua giật mình.

Tại một cửa hàng khác trên phố Hàng Mã, trong vai người mua đồ chơi cho cậu con trai, tôi được chứng kiến mẹo đối phó hết sức “hồn nhiên” của người bán hàng. Cầm trên tay khẩu súng bắn đạn nhựa không khác gì súng thật, anh ta lên đạn, “bụp” viên đạn găm vào thân cây xà cừ bên đường.

“Bán hàng này không bị cấm hả anh?”, “Tôi bảo đó là súng của thằng nhóc nhà tôi thì ai làm gì được”... Tuy nhiên, anh có thể cung cấp đủ loại súng bắn máu, súng bắn đạn, bắn tên, bắn laze cho... các cháu.

Với số tiền từ 20.000 đến 80.000 đồng là có thể mua một trong những khẩu súng nói trên. Đây là những đồ chơi cực kỳ nguy hiểm có thể gây thương tích nặng cho con trẻ.

Cha mẹ phải bảo vệ con em mình

Đồ chơi là một trong những yếu tố hình thành nhân cách con trẻ. Lâu nay, các bậc phụ huynh thường chiều ý con. Điều đó vô hình trung hình thành nhân cách con trẻ qua các đồ chơi mang tính bạo lực, ma quái.

Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh, ở 576 đường Hoàng Hoa Thám, Tây Hồ bức xúc: “Những đồ chơi bạo lực, ma quái bày bán tại cửa hàng khiến người lớn cũng sợ chứ không cứ gì trẻ con...".

Vì lợi nhuận một số chủ hàng vẫn lén lút buôn bán đồ chơi bạo lực. Công an phường thường xuyên kiểm tra, xử lý nhưng không hiệu quả.

Trung tá Nguyễn Văn Nghị - Phó trưởng Công an phường Hàng Mã cho biết: “Năm 2006, Công an phường đã bắt giữ được 8 vụ với hàng trăm lô đồ chơi bạo lực, quái dị. Tuy nhiên, những vụ việc được xử lý theo quy định còn quá nhẹ, không có tính răn đe”.

Đây chính là nguyên nhân đồ chơi vẫn được “tuồn” từ Trung Quốc qua cửa khẩu về Việt Nam một cách ồ ạt vào những ngày gần Tết Thiếu nhi, Rằm Trung thu.

Vừa qua, lực lượng liên ngành gồm Quản lý thị trường, Công an đã kiểm tra cửa hàng trên phố Lương Văn Can phát hiện nhiều đồ chơi bạo lực bị nghiêm cấm. Cùng thời điểm đó, tại kiốt 49 phố Giáp Bát, lực lượng chức năng đã phát hiện thu giữ lô hàng gồm nhiều súng nhựa bắn đạn rất nguy hiểm.

Theo Đức Tuấn
An ninh thủ đô

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.