Kinh hãi làng nghề làm miến... bẩn

Càng gần Tết, người sản xuất miến Tết càng bận rộn với nghề
Càng gần Tết, người sản xuất miến Tết càng bận rộn với nghề
Trên sân thượng, trần nhà, bãi cỏ, bãi rác, sân bóng, thậm chí, ngay cạnh bờ sông Nhuệ đầy rác và bốc mùi hôi thối người ta cũng tận dụng để phơi miến phục vụ nhu cầu dịp Tết.

Đây là cảnh diễn ra hàng ngày làng Cự Đà (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội), những ngày cuối năm người làm nghề ngày đêm tấp nập cho những mẻ miến để mang đi các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội... để tiêu thụ.

Đến làng nghề, cảm nhận đầu tiên là một mùi chua chua, nồng nồng của bột ủ nước, mùi thối khăm khẳm của những rãnh nước thải không qua xử lý. Nếu thấy tận mắt, người tiêu dùng chắc còn kinh hãi hơn bởi cách "nhuộm màu" cho sợi miến, cách phơi những phên miến ngay khu vực ven sông ô nhiễm, cạnh bãi rác thải bốc mùi, thậm chí người ta cả những nấm mồ cũng được tận dụng để phơi miến..

Kinh hãi làng nghề làm miến... bẩn ảnh 1
 

Càng sát Tết thì hàng đặt càng nhiều, nhân lực được huy động tối đa, người dân làm nghề tận dụng mọi ngóc ngách để chất miến, phơi miến và phục vụ sản xuất. Sân nhà nào cũng chất ngất những bao bột dong giềng. Đôi khi những bao bột này lại được trưng dụng làm bậc để thợ bước lên các khu chất đồ hay lò tráng.

Chị Nguyễn Thị Hoàn, một người dân làm miến ở Cự Đà cho biết: “Thời điểm này, miến Cự Đà đang vào mùa vì về cuối năm người sử dụng miến tăng đáng kể. Theo đó, sản lượng miến ở Cự Đà tăng gấp 2 - 3 lần so với các thời điểm khác trong năm.”

Theo chị Hoàn miến ở đây thường có hai loại: "Miến mộc và miến vàng. Miến mộc không sử dụng thuốc tím để tẩy nên có màu xám đục còn miến vàng là loại sau khi tẩy trắng người làm sẽ nhuộm vàng cho miến bằng bột màu thực phẩm."

Kinh hãi làng nghề làm miến... bẩn ảnh 2
Kinh hãi làng nghề làm miến... bẩn ảnh 3

Người ta tận dụng cả bờ sông Nhuệ ô nhiễm để phơi miến Tết

Kinh hãi làng nghề làm miến... bẩn ảnh 4

Theo quan sát của PV, cơ sở làm miến nhà chị Hoàn liên tục các mẻ hàng được ra lò, nên kể cả những thùng phi gỉ sét cũng được huy động ngâm bột, hay những chiếc thùng tôn, sắt mới cũng cáu bẩn vì lâu ngày chưa được cọ rửa.

Thậm chí, những phên tre để phơi bánh tráng mốc xanh, bám đầy bột, bị vứt chỏng chơ trên nền đất, gác chuồng lợn hôi hám. Nhưng khi bánh tráng ra khuôn, chúng sẽ được dùng làm giá phơi.

Tại hầu hết các cơ sở làm miến, những chiếc bể ngâm bột lên đến hàng khối được đặt cố định luôn trong tình trạng cáu vàng, đen ngòm. Nước ngâm bột cũng đen đúa, người làm miến thì cứ vô tư chân đất, tay trần mặc sức dẫm chân lên miến khi mang đi thái.

Kinh hãi làng nghề làm miến... bẩn ảnh 5
 

Tại cơ sở làm miến của anh Long, khi được hỏi anh cho biết: "Mỗi ngày, mỗi nhà làm hàng tấn thì lấy đâu ra chỗ phơi sạch sẽ. Mình làm để bán chứ có ăn đâu mà quan tâm, có bẩn một chút nhưng khi nấu chín thì vi khuẩn sẽ chết hết lo gì. Còn những hóa chất ở đây ai chả dùng. Bao nhiêu khách hàng đã ai kêu ca bệnh tật gì đâu..(?!)

Theo anh Long, công đoạn làm miến là từ bột dong giềng ngâm nước từ khoảng 5 giờ đồng hồ rồi lọc lấy tinh bột. Nếu muốn miến có màu trắng phau thì sau khi ngâm bột sẽ tẩy trắng bằng một loại thuốc màu tím. Còn nếu muốn miến có màu khác thì pha trộn các loại hóa chất khác nhau. Pha hóa chất khi làm miến thì miến sẽ dai hơn, người tiêu dùng ăn có cảm giác ngon hơn không bị nhũn, bở.

Kinh hãi làng nghề làm miến... bẩn ảnh 6
 
Kinh hãi làng nghề làm miến... bẩn ảnh 7

Hai loại miến được phơi khác nhau khi dùng thuốc tẩy

Hiện nay, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất miến rất hạn chế nên nhiều hộ sản xuất ở Cự Đà đã nhập một thứ bột không rõ nguồn gốc. Khi làm miến thì pha trộn với bột dong giềng sẽ sản xuất được nhiều miến hơn.

Miến tại đây thường được bán ra với giá khoảng 30 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên cũng có thời điểm giá dong đắt, theo đó miến dong được bán với giá trên 40 nghìn đồng/kg. Người mua miến Tết thích màu gì sẽ được chủ sản xuất chiều theo ý màu đó, mỗi màu, vị là một giá cả khác nhau. Ai dám đảm bảo rằng những hóa chất đó không có hại cho sức khỏe?

Theo Nguyễn Hiếu
Theo Infonet
MỚI - NÓNG