Kinh hoàng "công nghệ" giữ tươi thực phẩm!

Kinh hoàng "công nghệ" giữ tươi thực phẩm!
Tẩy trắng mực, lòng bò bằng thuốc tẩy; làm tươi thịt ươn, cá biển có dòi bằng hàn the, formol... Công nghệ giữ và làm tươi thực phẩm này đang được áp dụng hằng ngày ở các chợ TPHCM, Bình Dương...
Kinh hoàng "công nghệ" giữ tươi thực phẩm! ảnh 1
Những miếng thịt nhìn tươi rói nhờ hàn the bày bán ở hẻm 561, xa lộ Đại Hàn.

10 giờ sáng tại chợ An Bình (thuộc xã An Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương), nơi cung cấp thực phẩm cho hàng chục nghìn công nhân ở khu công nghiệp Sóng Thần và khu chế xuất Linh Trung, người đàn ông bán thịt cao to lần lượt cho thịt heo đã chuyển màu đỏ sẫm vào một cái xô.

Ông ta đổ nước có pha hàn the vào xô thịt lắc đều khoảng 1 - 2 phút. Sau đó, những miếng thịt đã chuyển sang màu đỏ hồng được ông ta dùng một miếng giẻ cáu bẩn lau khô rồi bày trở lại lên sạp. Chỉ vào hũ đựng hàn the đặt trên sạp, chúng tôi hỏi: "Bộ anh bỏ hàn the vô thịt hả?". Ông ta lớn tiếng: "Ở đâu chẳng vậy! Không ướp hàn the thì chiều còn thịt đâu để mấy người ăn?".

Ông bán thịt nói đúng, ở đâu cũng vậy! Từ 10 giờ sáng trở đi, khi thịt, cá bắt đầu ngả màu và ôi thiu, tiểu thương dùng hàn the để ướp. Tình trạng này đặc biệt phổ biến ở các chợ nằm gần các khu công nghiệp và khu chế xuất. Tiểu thương ướp, tẩm hàn the công khai ngay tại sạp. Nhiều người bán cá sau khi ướp hàn the còn ngụy trang vài cục nước đá nhỏ trên mâm cá cho người mua... yên tâm. Hàn the lại tiếp tục được sử dụng vào buổi chiều, tối với liều lượng càng lúc càng tăng. Lòng bò, mực ươn thì được làm trắng bằng thuốc tẩy cho bắt mắt.

Hàn the cũng đang được sử dụng lan tràn trong chế biến các loại thực phẩm khác.

Sau khi ăn thử miếng dưa chuột muối giòn ngon của một tiểu thương ở chợ Bình Tây, tôi tỏ ra nghi ngờ về sự có mặt của hàn the. Chị này thật thà: "Chỉ cho vào chút ít thôi em. Các loại dưa chua khác như dưa kiệu, dưa cải... cũng đều phải thế, nếu không thì làm sao ngon được!". Theo chị thì các loại bánh xèo, bánh bột lọc, rau câu, sương sa, sương sáo... đều có sự góp mặt của hàn the để tăng thêm độ giòn, độ dai.

Một tiểu thương bán giò chả ở chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) cũng "bật mí": "Giò chả có thêm một ít hàn the sẽ làm cho thịt có màu hồng tươi, bắt mắt hơn; không có hàn the miếng chả sẽ mềm, nhợt nhạt". 

Tại chợ An Bình, mọi người còn rỉ tai nhau về một tiểu thương nổi tiếng với việc "hô biến" cá thối, lúc nhúc dòi, thành cá... mới chết. Một tiểu thương bán cá lâu năm cho biết, những ai ăn phải loại cá này đầu lưỡi sẽ tê cứng lại vì chát.

Cách ngôi chợ này không xa, hẻm 561 xa lộ Đại Hàn (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TPHCM) nổi tiếng là "bãi đáp" của thịt heo chết, heo bệnh. Nhiều người đến đây mua thịt mang về bán lại hoặc đem cung cấp cho các quán cơm, nhà hàng trong khu vực.

Những chợ tự phát xung quanh khu chế xuất Tân Thuận (Q.7) cũng diễn ra tình trạng ướp hàn the công khai. Ngay cả những chợ Phạm Thế Hiển (Q.8), Nhị Thiên Đường (Q.8), Bà Chòi (huyện Nhà Bè), Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh)... và cả ở chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền cũng xảy ra tình trạng này.

Bác sĩ Nguyễn Đỗ Như Tuệ (khoa Nhi, Bệnh viện Hùng Vương) cho biết: "Hàn the là chất hóa học không màu, dễ tan trong nước, có tính sát khuẩn nhưng rất độc. Khi vào cơ thể người, chỉ được đào thải khoảng 80%, còn lại sẽ tích tụ trong người vĩnh viễn.

Triệu chứng dễ nhận biết là rối loạn tiêu hóa, chán ăn, mệt mỏi khó chịu... Với trẻ em sẽ gây suy dinh dưỡng, chậm phát triển trí não. Ngoài ra, hàn the còn làm tổn thương các tế bào gan, thoái hóa cơ quan sinh dục, gây vô sinh và là một trong những tác nhân gây ung thư. Đặc biệt, trẻ em ăn phải thực phẩm có lượng hàn the 1 - 2g/kg thể trọng sẽ bị tử vong sau 10 - 12 giờ".

Bất kể hàn the độc hại đến như vậy, bất kể các quy định cấm sử dụng hàn the trong chế biến thực phẩm, nhiều tiểu thương kinh doanh thực phẩm vẫn ngày ngày sử dụng "công nghệ" kinh khủng nói trên để kiếm lợi cho mình.

Theo Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.