Kinh hoàng kẹt xe dịp Tết Dương lịch

Kẹt xe kinh hoàng trên Xa lộ Hà Nội. Ảnh: Ngô Bình.
Kẹt xe kinh hoàng trên Xa lộ Hà Nội. Ảnh: Ngô Bình.
TP - Hàng ngàn phương tiện bất động nối đuôi nhau trên xa lộ Hà Nội, tài xế xe container ngồi gục đầu vào vô lăng ngủ, người đi xe máy bơ phờ vì phải phơi nắng hàng giờ là tình trạng kẹt xe xảy ra trên tuyến đường cửa ngõ TPHCM vào những ngày qua.

Bơ phờ vì kẹt xe

Những ngày qua, tuyến xa lộ Hà Nội và các con đường Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định quận 2, TPHCM lâm vào tình trạng kẹt xe kinh hoàng từ sáng đến trưa. Hàng ngàn phương tiện nối đuôi nhau đứng chết một chỗ kéo dài cả cây số. Người đi học, kẻ đi làm chen chúc nhau trong làn đường hẹp dành cho xe gắn máy. Nhiều người đi xe máy bơ phờ vì đứng dưới cái nắng gay gắt nhiều giờ vẫn không qua được điểm kẹt xe.

Sáng 31/12, tuyến đường Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ, quận 2 nối từ xa lộ Hà Nội vào khu cảng Cát Lái cũng kẹt xe kéo dài từ tờ mờ sáng đến trưa. Theo đại diện cảng Cát Lái, dịp cuối năm lượng hàng hóa đổ về cảng có tăng nhưng không tăng đột biến, lượng xe container tăng hơn so với trước là do kiểm soát về tải trọng xe. Bởi cùng một khối lượng hàng hóa trước đây chỉ cần một xe container để chở thì nay phải chia ra nhiều xe để kiểm soát tải trọng. Vì vậy, lượng xe container phải tăng hơn nhiều so với những năm trước.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vì tiết kiệm chi phí nên mỗi xe container chỉ có một tài xế, thay vì một tài và một phụ xe như trước. Tài xế khi đến cảng phải dừng xe xuống làm thủ tục vào cảng nên tốn nhiều thời gian dừng đậu khiến các xe khác ùn ứ từ phía sau.

Để khắc phục tình trạng ùn xe, lãnh đạo cảng Cát Lái đã bố trí phân luồng xe chở hàng và xe chạy không ra vào ở các cổng khác nhau để tránh gây xung đột. Những tài xế đỗ xe gây kẹt xe, không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng điều phối cũng bị xử lý với hình thức không tiếp nhận xe vào cảng. Ban lãnh đạo cảng Cát Lái đã có công văn gửi các doanh nghiệp khuyến khích làm thủ tục giao nhận hàng hóa và thanh toán trực tuyến qua mạng trước khi đến cảng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đỗ Xuân Phú (Giám đốc công ty cổ phần dịch vụ thương mại vận tải Minh Liên, Hội trưởng Hội Tương trợ đồng nghiệp vận tải container TPHCM) cho biết, kẹt xe ở xa lộ Hà Nội và các tuyến đường vào cảng là do xe vào cảng quá nhiều, trong khi đó tuyến đường Đồng Văn Cống có quá nhiều đèn đỏ khiến thời gian các xe phải dừng quá lâu.

Ngoài ra, các tuyến đường Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định có mặt đường hẹp, khu vực vòng xoay Mỹ Thủy quận 2 cũng được bố trí không hợp lý khiến các phương tiện lưu thông qua đây gặp nhiều khó khăn. Theo phản ánh của các doanh nghiệp vận tải, nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng kẹt xe là do các cảng chưa bố trí nhân lực hợp lý, trình độ vi tính của các nhân viên kiểm tra vé chưa tốt nên các xe thông qua cảng chậm.                

Sáng 1/1, ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ tết Dương lịch nên lượng xe container đổ về các cảng hàng hóa có giảm nhưng lượng người từ trung tâm TPHCM về quê, đi du lịch khá đông khiến giao thông qua các tuyến đường như Xa lộ Hà Nội, quốc lộ 13 cũng gặp phải tình trạng đông xe, lưu thông khó khăn trên làn đường dành cho xe máy. Còn làn đường dành cho ô tô khá thông thoáng, đa số phương tiện lưu thông là xe khách và xe buýt. Tình trạng kẹt xe ở tuyến đường trước phà Cát Lái quận 2 tiếp tục tái diễn với hàng ngàn xe máy xếp hàng dài để đợi mua vé qua phà.

Kinh hoàng kẹt xe dịp Tết Dương lịch ảnh 1

Dân xếp hàng mua vé xe tại bến xe Miền Tây.

Quá tải bến phà, bến xe

Mặc dù tình trạng người đến bến xe mua vé khá đông nhưng không xảy ra tình trạng chen lấn xô đẩy, người dân xếp hàng trật tự để đợi đến lượt mình. Một số hãng xe có thương hiệu khan vé nhưng nhìn chung không xảy ra tình trạng “cháy” vé xe.

Ghi nhận tại các bến xe, khoảng 9h sáng có rất đông người dân tìm đến mua vé xe các tuyến đi Bình Phước, Vũng Tàu, các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh miền Tây… có những người phải xếp hàng gần nửa giờ mới mua được vé. Tại bến xe Miền Đông, do lượng người đi xe máy đến đây gửi để đi xe khách về quê rất đông nên các bãi giữ xe máy của bến bị quá tải. Một số “cò” dẫn người dân đến các điểm giữ xe tự phát với giá từ 20-30 nghìn đồng/ngày đêm. Tại bến xe Miền Tây, do lượng người về quê đông (tăng 40% so với ngày thường) nên bến xe đã điều thêm 17 xe tăng cường để phục vụ người dân.

Thời điểm này cũng là dịp nhiều người tranh thủ đi du lịch những nơi gần TPHCM nên các tuyến đường cửa ngõ cũng trở nên đông đúc, các bến phà phải tăng cường thêm nhiều phà hoạt động hết công suất mới đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Bến phà Bình Khánh, nối trung tâm TPHCM với huyện Cần Giờ phải tăng cường thêm 8 chiếc phà, trong đó có 2 phà 200 tấn. Còn bến phà Cát Lái, nối quận 2, TPHCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cũng phải tăng cường thêm 7 phà có tải trọng 100-200 tấn.

Kinh hoàng kẹt xe dịp Tết Dương lịch ảnh 2

Tài xế mệt mỏi gục xuống vô lăng ngủ đợi hết kẹt xe. Ảnh: Ngô Bình.

Hà Nội: Bến xe chen chúc, đường ùn tắc

Do lượng người đổ ra các bến xe trên địa bàn Hà Nội dịp Tết Dương lịch tăng cao nên hai ngày qua, diễn ra tình trạng ùn tắc trên đường và chen chúc tại các bến xe ở Hà Nội.

Sáng 1/1, các tuyến đường Giải Phóng, Phạm Hùng, Xuân Thủy - Cầu Giấy phương tiện đi lại như nêm. Nhiều phương tiện đi qua khu vực các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình không thể di chuyển do lượng xe khách từ các bến xe đổ ra nhiều. Tuyến đường Phạm Hùng theo hướng Mai Dịch - siêu thị BigC, ùn tắc kéo dài từ 8h đến 10h. Trên đường Giải Phóng, thời điểm 10 giờ sáng, do lượng xe từ bến ra, sau đó di chuyển như “bò” trên đường nên làm nhiều phương tiện tham gia giao thông trên đường Giải Phóng đoạn qua bến xe Giáp Bát đi lại khó khăn, dẫn đến ùn tắc. Riêng làn đường hướng Kim Đồng - Pháp Vân ùn tắc kéo dài từ bến xe Giáp Bát đến nút giao thông Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ.

Tại nút giao thông Trung Hòa (trước siêu thị BigC), theo cam kết của đơn vị thi công nút hầm chui tại đây, ngày 31/12/2015 công trình này sẽ thông xe để đảm bảo giao thông dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán 2016. Tuy nhiên, sáng 1/1/2016, công trường thi công tại đây vẫn quây rào chiếm đường trên diện rộng càng góp phần làm cho ùn tắc gia tăng.

Trung tá Nguyễn Trung Thành, Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội cho biết, tuy là ngày nghỉ nhưng trước lượng người và phương tiện tăng cao, ngày hôm qua Đội CSGT số 6 vẫn huy động 100% CSGT ra đường.

Chiều qua, ông Nguyễn Quốc Uy, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết, lượng khách đổ ra bến xe trong hai ngày qua tăng từ 30 đến 50% so với ngày thường. Để giải tỏa lượng hành khách tăng, bến xe đã sử dụng gần 100 lượt xe tăng cường. Trong các thời điểm từ 12h đến 23h ngày 31/12/2015 và từ 7h đến 12h ngày 1/1/2016, lượng khách đến bến đông nhất. Ngoài dồn “nốt”, bến xe đã phải sử dụng đến xe tăng cường để giải tỏa hành khách.

Đầu năm, 22 người chết vì giao thông, ùn tắc nghiêm trọng

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia chiều 1/1/2016, toàn quốc xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông, làm chết 22 người, bị thương 25 người. Tất cả các vụ tai nạn đều xảy ra trên đường bộ. Cũng trong ngày này, CSGT các địa phương đã kiểm tra, xử lý hơn 9.000 trường hợp vi phạm trật tự ATGT; nộp kho bạc hơn 5,5 tỷ đồng; tạm giữ 85 xe ô tô, hơn 1.000 xe mô tô, tước 338 giấy phép lái xe.

Cũng theo Ủy ban ATGT quốc gia, chiều ngày 31/12/2015, do lượng người đổ về quá đông nên tại một số bến xe tại Hà Nội như Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình, Lương Yên đã xảy ra ùn tắc. Đường Hà Huy Tập (Gia Lâm, Hà Nội), cửa ngõ phía Đông ùn tắc kéo dài hơn 2km, trong gần 2 giờ. Tình trạng chen lấn, xô đẩy, nhồi nhét khách và đón trả khách sai quy định tại các bến xe diễn ra rất phổ biến.        

Sỹ Lực

MỚI - NÓNG