Kinh tế khó khăn, lo nợ xấu

Kinh tế khó khăn, lo nợ xấu
TP - Sáng 20/5, kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) khóa XIII chính thức khai mạc. Thẩm tra báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2012, Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng, tăng trưởng kinh tế cả năm 2012 chỉ đạt 5,03% là mức tăng chưa hợp lý, thấp hơn nhiều so với Nghị quyết của QH tăng 6- 6,5%.

> Tăng trưởng GDP 'thua xa' mục tiêu đề ra
> Hàng loạt vấn đề 'khó, nóng' chờ Quốc hội

Thách thức còn ở phía trước

Báo cáo trước QH, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong tổng số 15 chỉ tiêu kế hoạch năm 2012 có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 4 chỉ tiêu không đạt. Với kết quả này, Chính phủ cho rằng, những nhận định, đánh giá trong báo cáo của Chính phủ và Nghị quyết của QH tại kỳ họp cuối năm 2012 vẫn cơ bản phù hợp.

“Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát được kiềm chế. Nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, khẳng định vai trò quan trọng trong ổn định và phát triển đất nước. Tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm...”- Phó Thủ tướng cho biết.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định: Kinh tế- xã hội còn nhiều hạn chế, yếu kém. Áp lực lạm phát và nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô còn lớn; lãi suất, nợ xấu vẫn còn cao; sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản trầm lắng... Các nhiệm vụ trung hạn nhằm tạo lập nền tảng cho ổn định vĩ mô và tăng trưởng bền vững mới ở giai đoạn khởi động, thách thức còn ở phía trước.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu khẳng định, năm 2012 nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn có mặt còn nghiêm trọng hơn so với năm trước. Tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ đạt 5,03% là mức tăng chưa hợp lý, thấp hơn con số báo cáo tại kỳ họp thứ 4 là 5,2% và thấp hơn nhiều so với Nghị quyết của QH tăng từ 6-6,5%.

Chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng; tồn kho bất động sản và nợ xấu vẫn ở mức cao. Khu vực doanh nghiệp (DN), động lực chính tạo ra của cải, vật chất, việc làm gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động năm 2012 là 54.261 DN, cao hơn năm 2011.

Chỉ số hàng tồn kho vẫn ở mức cao. ẢNh: Hồng Vĩnh
Chỉ số hàng tồn kho vẫn ở mức cao. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Đến hết năm 2012 cả nước có tới 69% số DN báo lỗ. Riêng thành phố Hà Nội có khoảng 46.000 DN trong tổng số khoảng 90.000 DN báo lỗ với số lỗ khoảng 47.000 tỷ đồng. Tình hình này đã tác động tiêu cực đến lao động, việc làm; số lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng.

Nhận định về tình hình những tháng đầu năm 2013, theo Ủy ban Kinh tế, các nỗ lực thực hiện giải pháp về chính sách và điều hành, những kết quả tích cực đạt được bước đầu vẫn chưa thể chuyển được xu thế khó khăn và đạt tăng trưởng kinh tế năm 2013 như mục tiêu đề ra.

Trong khi đó, tái cơ cấu nền kinh tế chưa có những chuyển biến cụ thể, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng chưa có một chương trình toàn diện theo ngành, vùng, lĩnh vực và đơn vị.

Điều hành thị trường vàng với một số kết quả ban đầu, nhưng còn nhiều luồng ý kiến khác nhau khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới còn chênh lệch ở mức cao, chưa đảm bảo giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế như Nghị quyết của QH. Số liệu nợ xấu thông tin ra công chúng có lúc thiếu nhất quán cũng tạo hoài nghi, tác động tâm lý xã hội, thị trường...

Tập trung xử lý nợ xấu, phát triển thị trường

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng còn lại của năm 2013. Trong đó, điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa.

Giảm mặt bằng lãi suất hợp lý, phấn đấu đạt mức tăng trưởng tín dụng 12% cả năm 2013; tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên...

Đề cập đến các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cần tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương tái cơ cấu đầu tư đã đề ra. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, trình QH sửa Luật Ngân sách nhà nước, ban hành Luật Đầu tư công. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ pháp luật và công tác cán bộ đối với DNNN.

Khẩn trương ban hành một số đề án, văn bản quy phạm pháp luật về công tác kiểm tra, giám sát tại DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty... Tiếp tục thực hiện lộ trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo đề án và các phương án đã được phê duyệt; trong đó tập trung vào xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng.

Góp ý vào nội dung này, Ủy ban Kinh tế của QH đề nghị, rà soát lại tổng thể các dự án đầu tư công, đánh giá việc cắt giảm, dừng thi công để có điều chỉnh hợp lý, hạn chế gây ra tổn thất lớn và sự mất cân đối trong việc thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của một số địa phương.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị sớm hoàn thiện thể chế, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý DNNN, yêu cầu tất cả tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải công bố công khai, minh bạch thông tin như quy định đối với DN niêm yết trên thị trường chứng khoán. Hoàn thiện mô hình quản lý vốn nhà nước tại DN.

Nợ công tăng nhanh

Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011 do Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển trình bày chiều qua cho biết: Tổng số nợ công đến 31/12/2011 (theo luật Quản lý nợ công) bằng 54,9% GDP, tăng 24,8% so với 2010.

Nợ công tăng nhanh song “vẫn nằm trong giới hạn cho phép”. Theo báo cáo, số bội chi NSNN năm 2011 là 112.034 tỷ đồng, bằng 4,4% GDP.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.