Kon Tum: Hàng vạn ha rừng nguyên liệu giấy trước nguy cơ bị thiêu rụi

Kon Tum: Hàng vạn ha rừng nguyên liệu giấy trước nguy cơ bị thiêu rụi
Hầu hết rừng bị cháy đều rơi vào rừng nguyên liệu giấy (RNLG) do Công ty nguyên liệu giấy miền Nam trồng và quản lý. Số phận của gần 16.000 ha rừng nguyên liệu giấy còn lại cũng có nguy cơ rơi vào tay “ thần lửa” ...

Theo báo cáo của Cty nguyên liệu giấy miền Nam, đến hết tháng 3/2005, rừng nguyên liệu giấy của Cty này có 70 vụ cháy thiệt hại 1.280 ha rừng thông trồng năm 2001, 2002. Cháy rừng gây thiệt hại lớn từ 10 đến hơn 300 ha chủ yếu thuộc địa bàn các huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy, Đăk Glei, Đăk Tô. Mặc dù những vụ cháy kéo dài đều có quân đội, công an và nhân dân trên địa bàn vào chữa cháy, song do địa hình đồi núi phức tạp, đám cháy bùng phát dữ dội, chất gây cháy là thảm thực bì quá dày, đường ranh cản lửa lại không phát huy hiệu quả nên không  thể sớm dập tắt đám cháy. Kon Tum đã trở thành địa phương để xảy ra cháy rừng nhiều nhất của cả nước từ đầu năm  đến nay.

Từ đầu năm 2005 đến nay tỉnh Kon Tum có 80 vụ cháy rừng, tổng diện tích rừng bị thiệt hại theo báo cáo là 1329 ha, thiệt hại gần 30 tỷ đồng

Ngay sau 2 vụ cháy rừng vào các ngày 27 và 28/3/2005 tại tiểu khu 574 Rờ Kơi, huyện Sa Thầy làm thiệt hại hơn 300 ha RNLG, và tại Ngọc Hồi, UBND tỉnh Kon Tum đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để đề ra các biện pháp cấp bách  để phòng chống cháy rừng (PCCR).

Tại cuộc họp này, lãnh đạo UBND tỉnh và đại diện ngành kiểm lâm, quân đội, công an và Cty Nguyên liệu giấy miền Nam (doanh nghiệp trực tiếp thực hiện dự án 17.000 ha RNLG ở tỉnh Kon Tum) đều thống nhất đánh giá nguyên nhân gây cháy rừng trồng NLG là do chủ rừng không chú trọng phát dọn xử lý thực bì và phát quang các đường ranh cản lửa, phương pháp phòng cháy kém, lực lượng canh giữ rất mỏng. Nếu chủ rừng làm đúng quy trình kỹ thuật, chắc chắn sẽ không dẫn đến cháy rừng.

Tây Nguyên nhiều nơi trồng rừng tại sao chỉ có RNLG Kon Tum năm nào cũng cháy dữ ?! Ông Hà Ban- Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đặt vấn đề: ở Kon Tum có nhiều loại rừng trồng gồm rừng cao su, rừng 661, rừng thông do các lâm trường trồng trước đây... mà cháy chỉ tập trung ở rừng nguyên liệu giấy? Rõ ràng do công tác làm vệ sinh rừng của chủ rừng là chưa tốt, chỉ cần một mồi lửa nhỏ là đủ thiêu rụi hàng ngàn ha rừng nguyên liệu.

Trong khi đó ở những cánh rừng cao su, có mang xăng tưới lên rồi đốt cũng chẳng thể  cháy được!”. Việc cháy RNLG Kon Tum cũng hết sức bất thường, năm 2004 đêm 30 Tết Nguyên đán xảy ra cháy rừng trên đồi Sạc Ly; những vụ cháy gây thiệt hại lớn vừa qua ở Rờ Cơi ngày 27 và 28/3/2005 cháy giữa trưa, cháy từ giữa rừng cháy ra, dù bà con dân tộc xung quanh không đốt nương rẫy. Ngày 28/3/2005 cháy tại Ngọc Hồi cũng vậy, cháy  từ  giữa đồi cháy xuống. Tìm ra nguyên nhân các vụ cháy này khác nào mò kim đáy bể. Lãnh đạo công an và kiểm lâm Kon Tum dự họp đều cho rằng việc tìm ra thủ phạm các vụ gây cháy rừng từ trước đến nay đạt tỷ lệ rất thấp. Chủ rừng nghi ngờ dân đi nhặt phế liệu đánh rơi tàn thuốc hoặc cố ý đốt cho dễ tìm; do bà con đốt rẫy tàn lửa bay đến, do kẻ xấu...

Trăm dâu đổ đầu ...Chính phủ

Giám đốc Cty nguyên liệu giấy miền Nam ông Ninh Đức Yên cho rằng: “ Vào thời điểm này nếu Nhà nước có cấp cho Cty hàng chục tỷ đồng để PCCR thì chúng tôi cũng không dám chắc rừng sẽ không còn bị cháy. Đề nghị lãnh đạo tỉnh tăng cường khoảng 100 cán bộ chiến sỹ túc trực trên đồi Sạc Ly (điểm nóng cháy RNLG) để cùng chúng tôi PCCR đạt hiệu quả cao hơn (!)”. Như lời ông Giám đốc, hàng chục tỷ vẫn không đủ để bảo vệ 16.000 ha RNLG còn lại vậy cần bao nhiêu? Phải chăng việc phòng ngừa cháy rừng nguyên liệu giấy Kon Tum đã bất lực?

 Thời gian từ nay đến cuối mùa khô còn dài và rõ ràng với cách lập luận nêu trên, 16.000 ha rừng NLG không biết số phận sẽ ra sao. Lý do ông Yên thoái thác trách nhiệm vì cho rằng tháng 7/2004 Thủ tướng Chính phủ có công văn tạm ngưng dự án xây dựng Nhà máy chế biến nguyên liệu giấy Kon Tum, rừng này trồng để phục vụ nhà máy nên ngân hàng không cho vay, không có kinh phí để chăm sóc, cháy là đương nhiên! Khi được hỏi đến hiệu quả kinh tế của việc trồng RNLG giám đốc cho biết do không có nhà máy nên lời lỗ không rõ, không thể tính được!?

Trồng hơn 17.000 ha nguyên liệu giấy (số liệu Cty NLGMN báo cáo, trên thực tế chưa rõ bao nhiêu bởi vì có vụ cháy Cty nguyên liệu giấy MN báo 8 ha khi đo thực tế chỉ có 2,06 ha, có vụ báo gần 500 ha, công an, kiểm lâm vào xác minh có hơn 300 ha) đã tiêu tốn hơn 220 tỷ đồng từ khâu trồng và chăm sóc bảo vệ. Thực trạng cháy rừng trên diện rộng trong thời gian qua là nỗi lo thường trực của lãnh đạo chính quyền địa phương các cấp ở tỉnh Kon Tum.

Trong những ngày cuối mùa khô này hầu như  từ lãnh đạo tỉnh, quân đội, kiểm lâm và nhân dân trong khu vực có rừng nguyên liệu giấy đều tập trung lo cho việc chữa cháy RNLG.Tính đến cuối tháng 3/2005 các đơn vị trực thuộc Quân đoàn 3, Bộ chỉ huy quân sự và BĐBP tỉnh đã tăng cường hơn 6.000 lượt cán bộ chiến sỹ tham gia chống “giặc lửa”. Trong điều kiện thời tiết khí hậu khô hanh, hiện trường phát sinh cháy rừng thường xảy ra trên đồi cao, trong khi phương tiện trang thiết bị phục vụ chữa cháy chủ yếu vẫn dập lửa thủ công.

Hàng chục ngàn ha RNLG ở tỉnh Kon Tum đang đứng trước nguy cơ bị thiêu rụi. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do “giặc lửa” gây nên, UBND tỉnh Kon Tum đã đưa ra những giải pháp cấp bách tập trung giữ rừng. Trước mắt UBND tỉnh trích nguồn ngân sách từ 300 đến 500 triệu đồng cho Cty NLG miền Nam vay không lãi có thời hạn để hỗ trợ bồi dưỡng cho các lực lượng trực tiếp tham gia chống cháy rừng. Bên cạnh đó tỉnh còn trích 750 tấn gạo cứu đói cho các hộ gia đình đồng bào DTTS có nương rẫy quanh các khu rừng trồng, qua đó vận động bà con ngừng việc phát nương dọn rẫy- một tác nhân có thể gây cháy rừng. Đối với Cty NLG miền Nam và lực lượng kiểm lâm cần phối hợp tăng cường công tác tuần tra, phát hiện kịp thời các điểm phát sinh cháy rừng để cùng với các lực lượng khác chủ động dập tắt lửa, tránh lây lan trên diện rộng.

Đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Kon Tum sớm làm rõ trách nhiệm của những người nhận quản lý bảo vệ diện tích RNLG Kon Tum trong việc để mất hàng nghìn ha rừng gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng trong thời gian qua.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.