Dày đặc chung cư cao tầng giữa thủ đô

KTS Trần Ngọc Chính: “Quy hoạch Hà Nội chạy theo dự án?”

Giờ cao điểm, dòng người nhích từng mét một trên đường Lê Văn Lương. Hai bên đường hầu hết đều xây dựng cao ốc. Ảnh: Trường Phong
Giờ cao điểm, dòng người nhích từng mét một trên đường Lê Văn Lương. Hai bên đường hầu hết đều xây dựng cao ốc. Ảnh: Trường Phong
TP - Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 28/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, việc cho xây dày đặc chung cư cao tầng trong các quận nội đô đã dẫn dến tình trạng tắc đường nghiêm trọng hiện nay tại Hà Nội, và đây là nguyên nhân không thể chối bỏ. 

Trao đổi với PV Tiền Phong, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, việc quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập đang khiến giao thông Thủ đô ngày càng ngột ngạt.

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tình trạng ùn tắc nghiêm trọng ở Hà Nội hiện nay có nguyên nhân do cho xây dày đặc chung cư cao tầng ở nội đô. Ông đánh giá thế nào về nhận định trên?

Khi quy hoạch được đưa ra không dựa trên căn cứ khoa học mà chỉ nhằm làm lợi cho doanh nghiệp, việc dư luận cho rằng quy hoạch Hà Nội chạy theo dự án không phải là không có cơ sở.

KTS Trần Ngọc Chính

Kết luận của người đứng đầu Chính phủ đã chỉ rõ nguyên nhân của mọi nguyên nhân, bởi cho xây nhiều chung cư sẽ dẫn đến tăng dân số cơ học trong khu vực nội đô lịch sử, đi ngược lại Quy hoạch Thủ đô được Thủ tướng phê duyệt năm 2011. Để đưa Hà Nội xứng tầm là Thủ đô của cả nước, sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô ra tỉnh Hà Tây, 4 xã huyện Lương Sơn (Hòa Bình), huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc), Thủ tướng đã cho phép mời các chuyên gia quốc tế và trong nước lập quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050. 

Đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt tháng 11/2011. Việc mở rộng và lập quy hoạch là để giữ gìn không gian kiến trúc đô thị lịch sử và phát triển Thủ đô theo hướng “xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”. 

Do vậy, trong quy hoạch đã tính đến việc di dời một phần các trường đại học, bệnh viện, cơ quan bộ ngành ra khỏi trung tâm để giảm mật độ giao thông nội đô, cũng như chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi trung tâm để dành đất cho công viên, cây xanh. Trong 5 năm, Hà Nội đã thực hiện được một số việc lớn của quy hoạch như đưa vào sử dụng cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại. Tuy nhiên việc giải quyết nạn kẹt xe trong khu vực nội đô lại không đảm bảo do nhiều dự án nhà cao tầng tiếp tục được nhồi vào nội đô.   

Tháng 5/2016, thành phố Hà Nội vừa phê duyệt Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, quy chế Hà Nội vừa ban hành dường như đang chạy theo dự án, khi nhiều khu vực quá tải dân cư và hạ tầng vẫn được phép xây dựng 35 - 50 tầng?

KTS Trần Ngọc Chính: “Quy hoạch Hà Nội chạy theo dự án?” ảnh 1 KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam
Theo tôi, quy chế vừa ban hành mới chỉ dừng lại ở mặt con số chỗ này 30 tầng, hay chỗ kia 50 tầng. Quy chế chỉ dừng ở mức độ thu hút doanh nghiệp, chứ chưa được xây dựng dựa trên các nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng của giới chuyên môn. 

Để giảm tải cho giao thông nội đô, các nhà lập quy hoạch cần nghiên cứu rõ hai chỉ số gồm mật độ xây dựng và số lượng dân cư. Hà Nội đang cố gắng giảm tải áp lực cho hạ tầng khu vực nội đô lịch sử thì mọi quy hoạch đều phải giảm bớt, ít nhất cũng phải duy trì số lượng dân cư hiện có chứ không được tăng thêm.   

Tôi lấy ví dụ, khu Giảng Võ và Thanh Xuân vẫn được xem như “điểm đen” về quá tải hạ tầng. Ngoài ra, khu Giảng Võ còn là khu vực không gian cần phải bảo tồn vì nó rất gần trung tâm chính trị Ba Đình. Đây là khu vực cần ưu tiên giảm tải mật độ dân cư để giảm tải cho hạ tầng. Khi quy hoạch được đưa ra không dựa trên căn cứ khoa học mà chỉ nhằm làm lợi cho doanh nghiệp, việc dư luận cho rằng quy hoạch Hà Nội chạy theo dự án không phải là không có cơ sở.

Ông đánh giá thế nào về năng lực quản lý quy hoạch của Hà Nội thời gian qua?

Tôi cho rằng năng lực giám sát và quản lý quy hoạch của Hà Nội thời gian qua là bất cập. Khi tôi còn làm ở Bộ Xây dựng, khu đô thị (KĐT) mới Phú Mỹ Hưng (TPHCM) và KĐT mới Linh Đàm (Hà Nội) cùng được đề xuất là “KĐT kiểu mẫu”. Cho đến nay, trong khi KĐT Phú Mỹ Hưng phát triển ngày càng tốt và đúng với quy hoạch thì KĐT Linh Đàm đã xuống cấp nghiêm trọng. 

Giai đoạn 2000 - 2010, KĐT mới Linh Đàm tuân thủ rất tốt quy hoạch đã được duyệt. Sau khi một doanh nghiệp chuyên kinh doanh nhà giá rẻ tham gia xây 12 toà chung cư thì việc quản lý bị thả nổi. Khu chung cư cao tầng đã xây sai quy hoạch, sai mật độ, sai chiều cao, dẫn đến gia tăng áp lực dân số. 

Những sai phạm nghiêm trọng này đều rất rõ, như vậy thì không thể nói Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội không biết được. Nếu Bộ Xây dựng và Hà Nội giám sát tốt, kiên quyết xử lý vi phạm thì quy hoạch KĐT mới Linh Đàm đã không bị phá nát như hiện nay.

Để giảm tải áp lực giao thông cho khu vực nội đô, theo ông Hà Nội cần phải làm gì?

KTS Trần Ngọc Chính: “Quy hoạch Hà Nội chạy theo dự án?” ảnh 2

Giao thông Hà Nội ngột thở vì cao ốc bủa vây. Ảnh: Như Ý

Muốn giảm bớt áp lực cho khu vực nội đô, trước hết Hà Nội phải có biện pháp mạnh mẽ hạn chế tối đa việc xây nhà cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử.  
Trong quy chế xây dựng nội đô phải tính đến mật độ xây dựng và dân số để cân đối hạ tầng và dân cư đô thị cho hợp lý. Kiên quyết di dời các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, bến bãi ra ngoại thành để xây bãi đỗ xe, công viên phục vụ người dân. Song song với đó, Hà Nội cần ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng giao thông để tăng tính kết nối giữa các khu đô thị vệ tinh với trung tâm thành phố để người dân sử dụng nhiều phương tiện công cộng.


Thu hút vốn doanh nghiệp là việc làm cần thiết để cải tạo và xây dựng Thủ đô. Tuy nhiên, thành phố cần xem xét đưa ra nhưng ô đất đối ứng nằm ở những vị trí thuận lợi cho phát triển đô thị, thay vì cho doanh nghiệp xây chung cư trên đất “vàng”, sau đó thì gia tăng mật độ và chiều cao.

Với tình trạng quá tải hạ tầng giao thông ở mức nghiêm trọng hiện nay, đã đến lúc thành phố Hà Nội cần rà soát tổng thể quy hoạch ở khu vực nội đô lịch sử. Đối với những khu vực đã liệt vào danh sách quá tải, Thành phố cần xem xét và điều chỉnh lại quy hoạch chung cư cao tầng cho phù hợp.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG