Bài thơ hòa bình 30/4

Kỳ 3: Wayne Karlin - một linh hồn phiêu dạt

Wayne Karlin (bìa trái) và các nhà văn Việt Nam Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê tại họp báo giới thiệu hợp tuyển văn học Việt Mỹ “Phía bên kia góc trời”(1995) Ảnh: THỜI BÁO NEW YORK
Wayne Karlin (bìa trái) và các nhà văn Việt Nam Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê tại họp báo giới thiệu hợp tuyển văn học Việt Mỹ “Phía bên kia góc trời”(1995) Ảnh: THỜI BÁO NEW YORK
TP - Wayne Karlin hơn chúng tôi nhiều tuổi, nhưng mỗi khi hỏi thăm về vị giáo sư kiêm nhà văn khả kính này chúng tôi lại chớt nhả rằng “Cậu Wayne dạo này thế nào? Vẫn ẩm tìn tịt chứ”. Lâu không gặp nhưng 30/4 này, không thể không nhắc Wayne- một trong những người bắc nhịp cầu “hóa giải hận thù bằng văn chương” thành công nhất.

VỀ NGƯỜI "HÓA GIẢI HẬN THÙ BẰNG VĂN CHƯƠNG'

Chúng tôi ở đây gồm tôi và NSƯT  Thu Hà (nổi tiếng với các vở kịch Người cha thô bạo, Ngụ ngôn năm 2000, Bà tỷ phú về thăm quê…). Tôi và chị Hà quen Wayne Karlin qua một số nhà văn Việt Nam.

Gọi “cậu Wayne”, “chàng Wayne”, “mít-tơ Wayne” để cho thân mật dù ông sinh tận 1945, còn “ẩm tìn tịt” là vì trong những lần đi uống ăn ở Hà Nội, thấy  mắt mũi người này lúc nào cũng ầng ậng chực khóc đến nơi. 

Vì đâu nên nỗi? Thì thế này: Người này bị giời đày cho nên suốt ngày lùng sục tìm kiếm quan tâm tất cả những gì dính dáng đến Việt Nam. Hồi còn khỏe năm nào cũng phải kiếm cớ sang đây một chuyến. Đặc biệt ông có tình bạn thủy chung như nhất với vài người Việt mà ông từng gặp gỡ định mệnh vào thập kỷ 90 thế kỷ trước. Mấy vị này thấy chàng mê  Việt Nam quá độ, nên có lúc bảo nhau “nói xấu Việt Nam thậm tệ vào cho cậu ý đỡ mê man bất tỉnh. Có thói hư tật xấu tầm quốc gia nào điểm huyệt hết ra”. 

Tuy nhiên chiêu này vô hiệu, vì “cậu ý biết bọn này trêu, nên chỉ cười khì”. Hơn nữa, tôi biết kiểu người như Wayne- một khi đã yêu thì dù ai nói ngả nói nghiêng, bất chấp. Thật là gàn bát sách.
Về vai trò của người này đối với “cuộc hòa giải bằng văn học” Việt-Mỹ” nhiều người đã biết nhưng dịp này tưởng cũng cần nhắc lại: Ông chính là chủ biên những cuốn sách chất lượng và đầy ý nghĩa như Phía bên kia góc trời giới thiệu 40 gương mặt văn xuôi Việt- Mỹ, được Hội Các nhà Phê bình Văn học Mỹ bình chọn là hợp tuyển hay nhất 1995. Rồi Tình yêu sau chiến tranh - hợp tuyển truyện ngắn của 45 nhà văn Việt, được báo San Francisco Chronicle  chọn lọt Top 100 cuốn hay nhất 2002. (Wayne  Karlin và Hồ Anh Thái đồng chủ biên). Những tiếng nói từ Việt Nam giới thiệu văn chương Việt ở Mỹ cũng Wayne chủ biên chứ ai. Còn nhiều nữa. Song song với việc in sách là tổ chức các cuộc giao lưu giới thiệu văn học Việt, nhà văn Việt ở Mỹ.   

Trong bộ ảnh bạn bè của Hồ Anh Thái, tôi thấy có bức chụp thanh niên Wayne bị bắt năm 1969 vì xuống đường biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Chỉ một năm rưỡi tham chiến (1965-1966)  với nhiệm vụ ngồi trên trực thăng để phát hiện Việt Cộng dưới đất, cuối cùng ra khỏi cuộc chiến mà không hề bắn ai, nhưng đủ khiến người này mắc “hội chứng Việt Nam” kinh điển, giống nhiều đồng ngũ của mình.

Kỳ 3: Wayne Karlin - một linh hồn phiêu dạt ảnh 1 Wayne Karlin (24 tuổi) ) bị bắt ở Mỹ khi đang biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, 1969. Ảnh TƯ LIỆU..

Từ những năm 70 thế kỷ trước, Wayne Karlin tung những truyện ngắn sắc lẻm, chấn động, liên quan đến chiến cuộc Việt Nam. Ông trở thành nhà văn chuyên nghiệp và giáo sư đại học, đêm đêm mơ những giấc mơ chiến tranh nặng nề  ám ảnh. Thế rồi năm 1993, ông gặp một nhà văn Việt trong chuyến người này sang Mỹ giao lưu văn học, thì chương mới của cuộc đời Wayne mới mở ra, để từ đó ngày càng trọn vẹn trong cơ duyên với đất nước này.

“Wayne Karlin- một linh hồn phiêu dạt” , tôi gọi thế bởi sự liên tưởng người này ngoài đời với cuốn sách của ông- Những linh hồn phiêu dạt được dịch in ở Việt Nam 10 năm trước.

Cơn cớ để có cuốn này cũng đặc biệt lắm, vào ngày tháng Tư lịch sử xin kể lại:

Những năm đầu 2000, Wayne Karlin đã nổi tiếng là một chuyên gia văn học Việt Nam, có mối thâm tình với Việt Nam nên thường đi đi về về. Một hôm, có người tìm đến xưng là  Homer Steedly Jr., tâm sự: ông ta là cựu binh, vào năm 1969 đã bắn chết một người lính Việt Cộng trong cuộc đối đầu chớp nhoáng. Bao năm nay Homer ám ảnh về việc gây ra cái chết cho con người trẻ trung đó, và hiện vẫn giữ kỷ vật của anh ta, gồm ba lô và cuốn sổ ghi chép, nay muốn nhờ Wayne trao lại cho gia đình anh.

Kỳ 3: Wayne Karlin - một linh hồn phiêu dạt ảnh 2 Nhà văn Wayne Karlin
Toàn bộ câu chuyện ly kỳ này:  Nào tìm đến tận Thái Bình để trao kỷ vật cho gia đình liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm (lần đầu Wayne tự đi, sau đó có Homer), rồi cùng gia đình anh Đảm vào Tây Nguyên tìm mộ để đưa anh về quê, và những biến thiên khác... đã được Wayne kể chi tiết trong Những linh hồn phiêu dạt.

Vì sao gọi là linh hồn phiêu dạt? Đó là cách Wayne nói về quân y sĩ Đảm- người đã chết nhưng một mảnh hồn lại phiêu bạt nước Mỹ còn Homer cũng thế, về nhà mấy chục năm mà linh hồn trôi dạt tận đâu. Cả những người còn sống và đã chết khác nữa. 

“LAY ĐỘNG TÂM CAN”

Nhà xuất bản Thông Tấn, đơn vị ấn hành Những linh hồn phiêu dạt, đánh giá: “Một hành trình bắt đầu từ máu lửa chết chóc, kết thúc trong sám hối, cảm thông và hòa giải. Một cuốn sách lay động tâm can, khơi gợi ý nghĩ và hành động, được viết bằng văn phong trang nghiêm mà không kém phần lãng mạn”.

Nhờ tiếng tăm của mình, nhờ cơ duyên, và quan trọng là tâm và tài- tất cả khiến Wayne của chúng tôi có được cuốn sách để đời.  “Cái này gọi là có gieo có gặt đây”- tôi nói nửa đùa nửa thật. Bởi đâu phải bỗng dưng vớ được câu chuyện độc đáo thế để chơi 500 trang tù tì. Chẳng cần ăn theo như báo đài mà chính tác giả là người trong cuộc luôn!

Vẫn nghe danh Wayne nhưng lần đầu đọc sách của ông tôi bị bất ngờ bởi văn phong đĩnh đạc và tinh tế. Rất Mỹ, và là thể loại văn trộn báo, mà là báo chí thiện nghệ.  Wayne giống vài người mà tôi biết, ví dụ Lê Minh Khuê: rất ngu ngơ trong đời sống nhưng viết lách thì bén nhọn, dẫn dụ khéo léo. 

Kỳ 3: Wayne Karlin - một linh hồn phiêu dạt ảnh 3 Wayne Karlin ở chiến hào trong chiến tranh Việt Nam- luôn có sách làm bạn. Ảnh TƯ LIỆU WAYNE KARLIN

Hồi đó đọc Những linh hồn phiêu dạt, tôi thấy con người ta có thể vị tha đến đâu, tử tế đến đâu, sám hối sâu sắc đến độ nào. (Quanh nhân vật như gia đình quân y sĩ Đảm, bản thân tác giả, và Homer cũng như cựu thù khác của chúng ta).  Thấy bài học hóa giải hận thù này tiêu biểu cho quan hệ độc đáo Việt- Mỹ, giống câu chuyện “Đừng đốt” của Nhật ký Đặng Thùy Trâm vậy. 

Nhân dịp 30/4 ngồi nhớ lại văn và người Wayne Karlin, tôi còn muốn so sánh cuốn sách duy nhất in ở Việt Nam của ông với một cuốn khác- Hồi ức lính của Vũ Công Chiến. So sánh là vì Những linh hồn phiêu dạt còn may mắn được giới phê bình Mỹ chịu khó nhận định đánh giá, chứ sách chiến tranh như Hồi ức lính tôi đọc thấy quá hay nên không thể không viết khen (bài Hay như Hồi ức lính- báo Tiền Phong 2016) còn nhà văn viết về chiến tranh giỏi nhất Việt Nam là Bảo Ninh cũng không tiếc lời ca ngợi (trong khi anh vốn kiệm lời). Thế mà các nhà phê bình Việt ngó lơ, bạn đọc ít quan tâm. Nhưng biết làm sao được. Có bài ca, bài thơ hòa bình (mà tôi đang cố dẫn giải) thì cũng có bài thơ tên là  “C’est lavie” (Đời là thế).

(còn nữa)

Wayne Karlin  sau một thời kỳ dài bị ám ảnh bởi hội chứng chiến tranh thì cuối cùng cũng tìm được sự thanh thản. Nhưng với chúng tôi, nhớ đến người này là nhớ một nhà văn luôn phiêu du trong cõi mộng. Cõi này có hai miền chiến tranh- hòa bình, Việt Nam- Mỹ quốc đan quện vào nhau. Rất nhiều biểu hiện không an yên. Sống ở Mỹ mà suốt ngày tơ tưởng, “bèo giạt mây trôi” sang chốn Việt Nam này, chẳng hạn. Cho nên mới có tựa: “Wayne Karlin- một linh hồn phiêu dạt”.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.