Người khổng lồ 'ăn rừng' Tây Nguyên

Kỳ cuối: Chúng tôi ăn rừng đá thần Gôo

Núi đá thần Gôo.
Núi đá thần Gôo.
TP - “Chúng tôi ăn rừng đá thần Gôo” là cuốn sách kinh điển của ngành dân tộc học trên toàn thế giới, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Các hiện vật mà Condominas sưu tầm ở Sar Luk cũng được trưng bày ở một số bảo tàng lớn. Nhờ vậy mà cái làng Sar Luk nhỏ bé với 146 nhân khẩu được cả thế giới biết đến.

Tính mạng như chỉ mành treo chuông

Cuối năm 1950, sốt rét ác tính hoành hành làm chết hàng chục người trong vùng. Condominas bị sốt và hôn mê sâu. Dân làng đã khiêng anh vượt qua cả trăm cây số đường đất đá lởm chởm để đến bệnh viện ở Buôn Ma Thuột. Hai bác sĩ tài ba và rất giàu kinh nghiệm ở Tây Nguyên là Jouin và Soulage đã cứu sống anh. “Ðiều may mắn là khi Condo bị bệnh nặng thì mùa mưa cũng vừa chấm dứt. Nhờ vậy mà dân làng mới khiêng nó qua sông được. Vùng này, những khi mưa lớn, lũ trên sông K’Rông Nô dữ dằn lắm! Ðến voi cũng không qua sông được”, già Y Wan hồi tưởng.

Khi tỉnh lại, hai chân của Condo gần như đã bị liệt. Các bác sĩ và những người chịu trách nhiệm về chuyến nghiên cứu Condo ở Tây Nguyên yêu cầu anh trở về Pháp. Thế nhưng Condo vẫn ở lại Sar Luk, nơi lưu giữ “kho báu” gồm 42 cuốn sổ ghi chép toàn bằng tiếng M’Nông Gar và những mật mã của riêng anh. Ngay trong thời gian chữa bệnh, tay vẫn còn run, Condominas bắt đầu viết cuốn sách “Chúng tôi ăn rừng Ðá Thần Gôo”.

Kỳ cuối: Chúng tôi ăn rừng đá thần Gôo ảnh 1

GS Condominas (bên trái) và Già Y Wan tại Sar Luk.

Ở phần mở đầu, ông nhận định đây là một trong những cộng đồng người làm rẫy bán du cư ở Tây Nguyên. Mỗi năm họ “ăn” (phát và đốt) một khoảnh rừng che phủ vùng đất của mình để gieo trồng. Năm sau họ lại “ăn” một khoảnh rừng khác và để cho cánh rừng mà họ phát và đốt năm trước lên xanh trở lại. Sau khi lần lượt phát tất cả các khu rừng che phủ vùng đất của mình, họ quay về đúng khu rừng đã phát mười hay hai mươi năm trước.

Với kiểu canh tác này, cộng đồng luôn có đất tốt để gieo trồng và các khoảnh rừng có đủ thời gian để phục hồi. Ðiều đặc biệt nữa là họ không bao giờ xâm phạm những cánh rừng trên đỉnh núi cao bởi quan niệm đó là rừng thiêng của Yàng. Nhờ vậy mà nhiều khu rừng già được bảo tồn, các mạch nước ngầm được bảo vệ, thiên tai ít xảy ra…

Condo đã cùng dân làng Sar Luk “ăn rừng” ở cánh rừng Ðá Thần Gôo trong năm nông nghiệp kéo dài từ cuối tháng 11/1948 đến đầu tháng 12/1949 và ông đúc kết: Người M’Nông Gar luôn sống hòa mình với thiên nhiên. Họ “ăn” rừng, xin thức ăn cho sự sống của mình từ rừng, cũng như chúng ta nói chúng ta bú sữa mẹ mà lớn lên thành người. Tây Nguyên không còn rừng thì rồi sẽ ra sao?

Kỷ vật thiêng liêng

Theo những bậc cao niên ở Sar Luk, trước khi về Pháp, Yoo Condo đã hiến tế hai con trâu để cám ơn dân làng và hứa một ngày nào đó sẽ quay lại thăm bà con. “Condo đã giữ đúng lời hứa. Năm 2006, nó quay lại làng Sar Luk. Dân làng đã đón nó như người con đi xa trở về. Nó đã hiến tế một con trâu và một con lợn để trả lễ cả làng và kết nghĩa anh em với mình và bà H’Srang”, già Y Wan kể, giọng run run xúc động.

Kỳ cuối: Chúng tôi ăn rừng đá thần Gôo ảnh 2

Già Y Wan bên ché cổ 100 tuổi.

Khi Condo xin vào ở trong làng, H’Srang mới 18 tuổi. Cô được nhà dân tộc học gọi là “người đẹp” trong tác phẩm “Chúng tôi ăn rừng Ðá Thần Gôo”. Ðến khi làm lễ kết nghĩa với Yoo Condo, bà đã là “kho sử thi” ăm ắp những lời thơ bay bổng của dân tộc M’nông Gar.

GS Condominas rất hạnh phúc khi trở về làng Sar Luk. Trò chuyện với giới truyền thông và đồng nghiệp, ông nói: “Ðiều gây ấn tượng cho tôi khi quay lại ngôi làng ấy chính là sự hiện hữu của mình không chỉ trong ký ức của lớp người già mà còn với thế hệ trẻ hôm nay. Nhắc đến tôi, họ nghĩ, tôi đã thuộc về họ, là một cá thể trong cộng đồng của họ”.

Năm 2007, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội) có cuộc trưng bày “Chúng tôi ăn rừng, George Condominas ở Sar Luk”. Công chúng và bạn bè của GS Condominas chen chúc trong lễ khai mạc. Theo hồi ức của nhiều người, năm đó ông đã 87 tuổi, lưng hơi bị còng, đơn sơ trong chiếc mũ phớt màu nâu đậm và chiếc áo vét tông nâu nhạt. Ông có vẻ ngơ ngác, lạc lõng giữa những người hâm mộ vây quanh, dường như không quen với các nghi lễ. Sau khi bắt tay vài người bạn, GS Condominas đi thẳng đến chỗ nhóm người M’Nông Gar. Họ đã vượt gần hai nghìn cây số từ làng Sar Luk ra tận Hà Nội để gặp ông và xem những hiện vật mà Yoo Condo yêu quý của họ đã sưu tầm, sáng tác trong hai năm sống ở Sar Luk.

Già Y Wan xúc động: Yoo Condo đã sưu tầm hơn 500 đồ vật của người M’Nông Gar, từ những chiếc khèn, gùi, ché rượu, quả bầu, sừng trâu, tẩu thuốc đến khố, áo dệt bằng thổ cẩm, vòng tay, vòng cổ, những đồ trang trí trên cột lễ... Thậm chí cả những chiếc bu gà, lờ bắt cá, hình nhân bằng cọng cỏ tranh dùng trong nghi lễ trừ tà, những gốc dương xỉ gọt thành hình miệng con trăn... Nhiều thứ những năm gần đây không còn xuất hiện ở làng Sar Luk nữa.

GS Condominas mất ngày 17/7/2011, thọ 90 tuổi. Tại vị trí trang trọng trong lễ tưởng niệm ở Gâtinais (Pháp) có một chiếc sừng trâu lớn, con vật uy nghi trong các lễ hiến sinh của người M’Nông Gar trên cao nguyên Việt Nam. Còn ở Sar Luk, nhiều người ngậm ngùi thương tiếc ông. Bà H’Diên N’Ðu (vợ của già Y Wan) tâm sự nói: “Nhiều lúc Y Wan buồn lắm vì không được tự tay chôn cất người anh kết nghĩa của mình”. “Yoo Condo tốt lắm, thương dân làng lắm. Nó là người M’Nông Gar mà. Dân làng rất muốn làm lễ bỏ mả cho nó”, Y Wan nói, giọng trầm buồn.

Khi chúng tôi hỏi về kỷ vật có liên quan đến G.Condominas, già Y Wan cho chúng tôi xem chiếc ché cổ gần trăm tuổi rồi bảo: “Cha của mình đã đổi một con trâu mộng để lấy cái ché này. Ché được dùng để đựng rượu cần cúng thần linh và đãi khách quý, đặc biệt trong lễ kết nghĩa giữa mình và Yoo Condo đó”.

Georges Condominas là cử nhân văn chương rồi TS khoa học nhân văn ở Sorbonne (Paris) vào năm 1947 và 1970. Năm 2007, ông được bầu làm thành viên danh dự Viện Viễn Ðông Bác cổ. Ông đã nhiều lần làm giáo sư thỉnh giảng ở các đại học hàng đầu thế giới. Năm 2006, Condominas được Viện Khoa học xã hội Việt Nam tặng huy chương. Năm 2009, ông được nhận Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh.

MỚI - NÓNG