Kỷ cương, kỷ luật hành chính tại nhiều cơ quan chưa đáp ứng yêu cầu

Phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh QH
Phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh QH
TPO - Bài học kinh nghiệm và nhiệm vụ được Chính phủ đề ra trong thời gian tới là tiếp tục biến thách thức thành cơ hội, đổi mới tư duy, cách làm với phương châm phục vụ người dân, doanh nghiệp, tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, không lơ là, chủ quan trước đại dịch.

Sáng 23/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ. Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, quán triệt phương châm ngay từ đầu nhiệm kỳ là ‘‘Xây dụng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ Nhân dân”, kế thừa kinh nghiệm quản lý, điều hành từ các nhiệm kỳ trước, Chính phủ đã khẩn trương ban hành chương trình, kế hoạch, triển khai đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020.

Đặc biệt, trước tình hình dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thống nhất quan điểm điều hành với tinh thần “khó khăn gấp hai thì phải nỗ lực, cố gắng gắp ba”, quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép": vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", vừa tập trung phục hồi và phát triển KTXH, bảo đảm đời sống nhân dân. Phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong điều kiện “bình thường mới”.

Một trong những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, là Chính phủ luôn kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo dõi sát tình hình, xây dựng kịch bản tăng trưởng với phương án, giải pháp kịp thời, phù hợp tình hình. Phối hợp, điều hành các chính sách vĩ mô theo hướng đồng bộ, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%. Trước tác động của dịch COVID-19, Chính phủ đã nhanh chóng xây dựng phương án, kịch bản phục hồi kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”.

Cùng với đó, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng ngành; khơi dậy tỉnh thần khởi nghiệp, thu hút các nguồn lực cho phát triển. Tập trung phát triển công nghiệp trở thành trụ cột của nền kinh tế theo hướng gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung thúc đẩy phát triên công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao gắn liền với việc hình thành các doanh nghiệp “đầu tàu” trên một số lĩnh vực, sản phẩm, bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa; ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm an ninh năng lượng để phát triển bền vững.

Báo cáo cũng nhấn mạnh, ngay từ đầu nhiệm kỳ và hằng năm, Thủ tướng Chính phủ đã gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, đề ra các giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện các chính sách phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể theo tinh thần Nghị quyết của Đảng. Trong bối cảnh đại dịch COVID - 19, Thủ tướng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến để bàn các giải pháp cùng doanh nghiệp “nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”.

Trong phòng chống tham nhũng, Chính phủ thực hiện nghiêm túc chương trình, kế hoạch công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng; phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm, thu hồi số lượng lớn tiền và tài sản; ban hành cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân. Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt và đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; số vụ việc khiếu nại, tố cáo và số đoàn đông người giảm, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân. Xử lý hiệu quả các tranh chấp đầu tư quốc tế, giảm thiểu thiệt hại cho nhà nước.

Chính phủ cho rằng, trong suốt nhiệm kỳ qua, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, thách thức, đặc biệt là năm 2020 nhưng với sự lãnh đạo, sát sao của Đảng, sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội, sự đóng góp to lớn của toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện với nhiều điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật, tô đậm thêm thành quả 35 năm đổi mới, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, củng cố niềm tin vào những giá trị truyền thống, bản lĩnh, khí phách, ý chí, tinh thần vượt khó, vươn lên của dân tộc ta.

Tuy nhiên, một trong những tồn tại, hạn chế được chỉ ra là, kỷ cương, kỷ luật hành chính, đổi mới lề lối làm việc trong một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Việc chuẩn bị một số hồ sơ dự án, dự thảo văn bản pháp luật trình Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc có trường họp còn chậm. Việc tổ chức thi hành pháp luật còn chậm. Trách nhiệm của một số bộ, cơ quan, địa phương trong phối họp công việc chưa cao dẫn đến kéo dài thời gian xử lý…

Từ thực tiễn 5 năm qua, Chính phủ đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm, trong đó có việc khơi dậy truyền thống, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa tốt đẹp, tinh thần nhân ái và niềm tự hào dân tộc, khát vọng phát triển và vươn lên mạnh mẽ. Đồng thời biến thách thức thành cơ hội, đổi mới tư duy, cách làm với phương châm phục vụ người dân, doanh nghiệp; tận dụng các cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thích ứng nhanh với bối cảnh mới.

Trên cơ sở đó, Chính phủ xác định phương châm hành động trong thời gian tới là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi    mới, sáng tạo, khát vọng phát triển; tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, không lơ là, chủ quan trước đại dịch; tranh thủ thời cơ, nỗ lực phục hồi và phát triển KTXH trong “trạng thái bình thường mới” với khát vọng phát triển, tinh thần đổi mới sáng tạo, cải cách mạnh mẽ, quyết liệt hành động hơn nữa. Phát huy trách nhiệm người đứng đầu, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2021, tạo nền tảng vững chắc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

MỚI - NÓNG