Ký hợp đồng sai nguyên tắc, hàng trăm giáo viên mất việc

Ký hợp đồng sai nguyên tắc, hàng trăm giáo viên mất việc
TP - Từ 1/4/2009, hơn 200 giáo viên của huyện Ngọc Lặc (Thanh Hoá) mất việc sau khi có công văn của ngành chức năng yêu cầu chấm dứt hợp đồng lao động do việc tuyển dụng, ký hợp đồng trước đó sai nguyên tắc.
Ký hợp đồng sai nguyên tắc, hàng trăm giáo viên mất việc ảnh 1
Kết luận thanh tra của Sở Nội vụ Thanh Hóa về công tác tuyển dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức tại UBND huyện Ngọc Lặc, tháng 3/2009

Năm 2008, trong việc tuyển dụng viên chức, UBND huyện Ngọc Lặc không báo cáo xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền; việc tuyển dụng đối với một bộ phận viên chức chưa xuất phát từ nhu cầu nhiệm vụ.

Cụ thể, ngày 3/9/2008, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc Phạm Văn Phượng (hiện là Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa) ký tuyển dụng 142 viên chức khối THCS. Đối chiếu với nhu cầu chủng loại viên chức hiện có ở cấp THCS có 23 trường hợp đang tuyển dụng không phù hợp với nhu cầu.

Tháng 3/2009, tại kết luận Thanh tra về công tác tuyển dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức tại UBND huyện Ngọc Lặc do ông Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa ký, nêu rõ: Trước thời điểm tháng 3/2008, toàn huyện Ngọc Lặc có 215 giáo viên được ký hợp đồng với UBND huyện không xuất phát từ nhu cầu của các trường học.

Số giáo viên này nhận mức chi trả 540 nghìn đồng/tháng từ nguồn kinh phí cải cách tiền lương và dự phòng tăng biên chế hằng năm của huyện.

Tại huyện Ngọc Lặc còn để xảy ra tình trạng bố trí đội ngũ giáo viên không đảm bảo cân đối giữa các đơn vị trường học; có 374 cán bộ, viên chức không thuộc diện quy hoạch được cử đi đào tạo, chiếm tỷ lệ 20 phần trăm so với tổng số viên chức sự nghiệp do UBND huyện quản lý.

Việc quản lý hồ sơ cán bộ công chức cơ quan UBND huyện còn có bất cập, phần lớn hồ sơ chưa được cập nhật đầy đủ các loại giấy tờ, tài liệu, chưa phản ánh được đầy đủ quá trình học tập, công tác của cán bộ, công chức.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Trung Anh, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc, cho biết: Thực trạng trên là trách nhiệm của cả tập thể. Để giải quyết, UBND huyện có văn bản chấm dứt hợp đồng lao động, không tiếp tục ký hợp đồng lao động có thời hạn (ba tháng/lần) đối với cán bộ, giáo viên kể từ ngày 1/4/2009.

Đơn vị cũng sẽ có các phương án để giải quyết số giáo viên văn hóa đang thừa hiện nay như cử đi đào tạo để chuyển sang công tác ở bộ môn, vị trí khác còn thiếu... Đây là bài học huyện cần rút kinh nghiệm trong việc tuyển dụng, tiếp nhận và quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG