Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá 14 lấy phiếu tín nhiệm chức danh chủ chốt

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
TPO - Theo kế hoạch, sau 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ dành cả ngày lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

Quốc hội lắng nghe, tiếp thu

Tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 13/7, đánh giá kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau 20,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, thận trọng, trách nhiệm và quyết tâm cao, Quốc hội đã cơ bản hoàn thành chương trình kỳ họp thứ 5 với nhiều cải tiến thiết thực, hiệu quả. Kỳ họp đã tập trung xem xét, thảo luận và quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến đời sống dân sinh, sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Nhìn chung, các nội dung được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm đúng quy định, chất lượng được nâng lên. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được đổi mới. Không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, hình thức tranh luận tiếp tục được duy trì, phát huy hiệu quả…

“Kết quả kỳ họp cho thấy, hoạt động của Quốc hội ngày càng hướng tới chiều sâu, gắn bó mật thiết với nhân dân, được cử tri và nhân dân quan tâm, theo dõi, giám sát, đóng góp ý kiến thẳng thắn, kịp thời, có tính xây dựng. Quốc hội đã trân trọng lắng nghe và tiếp thu những ý kiến xác đáng để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các quyết định của Quốc hội”, ông Phúc đánh giá.

Về công tác lập pháp, đối với dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các tầng lớp Nhân dân và cử tri, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật này từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tính khả thi. Việc lùi thời hạn thông qua dự án Luật này đã thể hiện tinh thần cầu thị, sự thận trọng cần thiết của Quốc hội và Chính phủ.

Về công tác giám sát, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016”. Đây là nội dung thu hút sự chú ý của dư luận, đông đảo cử tri cả nước và sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, do đó,  nội dung được thảo luận khá tập trung, nhiều vấn đề vướng mắc được tranh luận với các quan điểm, góc nhìn khác nhau.

Về chất vấn và trả lời chất vấn, phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và có tính xây dựng cao. Việc đổi mới cách thức chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục khẳng định việc đổi mới hoạt động của Quốc hội là một quá trình liên tục, thường xuyên, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần tăng số lượng đại biểu chất vấn, tăng tính đối thoại, tranh luận, hạn chế sự trùng lặp, qua đó thể hiện sinh động vai trò, trách nhiệm của cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân. Đồng thời, đòi hỏi cả người hỏi và người trả lời phải nghiên cứu sâu, chuẩn bị kỹ lưỡng, bám sát nhóm vấn đề chất vấn để cùng tìm ra các giải pháp hữu hiệu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.

Dự kiến thông qua nhiều dự án luật

Bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức kỳ họp thứ 5 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được lưu ý rút kinh nghiệm. Trong đó, chất lượng chuẩn bị một số nội dung trình Quốc hội còn hạn chế, chưa nghiên cứu kỹ về mặt lý luận và thực tiễn. Vẫn còn tình trạng đề nghị rút hoặc bổ sung gấp các dự án, dự thảo, ảnh hưởng đến tính ổn định của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và tính kỷ cương, kỷ luật lập pháp.

Tại các phiên thảo luận vẫn còn một số ít đại biểu đọc văn bản thuần túy, nặng về tham luận, chưa thể hiện rõ chính kiến của người đại biểu nhân dân trước những vấn đề quan trọng của đất nước hoặc tranh luận chưa đúng yêu cầu. Một số nội dung chưa được tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận tại tổ hoặc chưa được giải trình, tiếp thu thật sự thuyết phục; chưa khắc phục được tình trạng gửi văn bản gấp xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Theo dự kiến, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá 14, diễn ra vào tháng 10 tới sẽ kéo dài hơn 20 ngày. Trong đó, Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét thông qua 11 dự án luật, như Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Giáo dục (sửa đổi)…

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét các báo cáo của thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước và những người bị chất vấn khác về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn tại phiên họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Đồng thời Quốc hội dành 3 ngày tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Đáng chú ý ngay sau đó, Quốc hội sẽ dành cả ngày lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.