Kỳ nhân Ngô Xuân Bính - Kỳ cuối: Võ sư, giáo sư, bác sĩ, viện sĩ, thi sĩ và họa sĩ

Võ sư - Viện sĩ Ngô Xuân Bính vẫn miệt mài làm việc hằng đêm.
Võ sư - Viện sĩ Ngô Xuân Bính vẫn miệt mài làm việc hằng đêm.
TP - Từng chữa bệnh cho Tổng Bí thư nổi tiếng của Lào Kaysone Phomvihane và Tổng thống Nga Boris Yeltsin, võ sư - viện sĩ Ngô Xuân Bính còn viết những công trình khoa học được cả châu Âu và Liên Hợp Quốc vinh danh. Nhưng khi về Việt Nam, ông đã khóc trước mặt tôi…

20 tuổi chữa bệnh cho Tổng Bí thư Lào

Song song với những năm tháng luyện võ, Ngô Xuân Bính được dạy cả y học dân tộc, nắm vững về kinh mạch, huyệt đạo và ngày càng tìm tòi để nâng cao y thuật. Nhưng chính chàng trai này cũng không ngờ năm 20 tuổi lại được chữa bệnh cho Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Kaysone Phomvihane...

Cơ duyên ấy bắt nguồn từ một giáo sư dạy Đại học Bách khoa Hà Nội học võ Nhất Nam và được Ngô Xuân Bính chữa khỏi chân bị phù nề. Một số bạn bè của giáo sư cũng được chàng võ sư trẻ chữa khỏi bệnh. Thế rồi, những người này sang Lào làm chuyên gia và tài chữa bệnh của Ngô Xuân Bính đến tai Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane...

Một ngày nọ, chiếc xe mang biển ngoại giao chở cán bộ đến gặp Ngô Xuân Bính đặt vấn đề: “Có một viên chức ở Lào, có quan hệ với Việt Nam rất mật thiết đang bị bệnh, muốn mời võ sư tới chữa”.

Chiếc xe ngoại giao chở Ngô Xuân Bính tới khu vực Quảng Bá - Hồ Tây. Chàng Bính thấy lạ vì phải đi qua hết cổng này tới cổng khác, bảo vệ vòng trong vòng ngoài. Lần đầu tiên chàng võ sư nghèo được vào phòng khách sang trọng như vậy, bánh kẹo trà thuốc toàn loại hảo hạng. Bính sững người khi một vị bước ra nói: “Tôi là thư ký của Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Kaysone Phomvihane... Tổng Bí thư đang bị bệnh, nghe nói anh có phương pháp chữa bệnh rất độc đáo của con nhà võ nên muốn mời anh khám chữa cho. Tổng Bí thư của chúng tôi rất thích võ và tin vào những phương pháp chữa bệnh truyền thống”.

Bính khám bệnh luôn cho Tổng Bí thư Lào và cho biết ông đang bị vấn đề về thận.

Nghe nói vậy, Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane gật đầu: “Võ sư nói đúng đấy, tôi bị bệnh thận, chưa người nào chỉ đích danh bệnh như vậy. Võ sư sẽ trình bày phác đồ điều trị với bác sỹ riêng của tôi, còn bây giờ tôi mời võ sư đi ăn cơm”.

Sang lần nào ông Kaysone Phomvihane cũng mời Bính đến vì bệnh thận của ông đã đỡ nhiều.

Ngô Xuân Bính chữa bệnh liên tục  cho ông Kaysone Phomvihane, mãi đến năm 1990 khi sang Liên Xô mới đành từ biệt người lãnh đạo cao nhất nước Lào nhưng đã trở nên thân gần ruột thịt.

Sau khi được mời sang Nga để phát  triển võ, Ngô Xuân Bính lại có dịp dùng tới y thuật của mình để chữa bệnh. Vì lúc đang dạy võ, môn sinh này bị đau đầu, môn sinh kia ngất xỉu. Chỉ vài động tác của thầy Bính, các môn sinh tươi tỉnh trở lại. Thấy lạ, nhiều học trò nhờ thầy chữa bệnh cho người thân của mình.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến, ban đầu thầy Bính chữa bệnh miễn phí, sau chỉ lấy một vài rúp. Dần dần nhiều người nổi tiếng và giới thượng lưu Nga cũng cậy nhờ võ sư Ngô Xuân Bính chữa bệnh.

Kỳ nhân Ngô Xuân Bính - Kỳ cuối: Võ sư, giáo sư, bác sĩ, viện sĩ, thi sĩ và họa sĩ ảnh 1

Giáo sư Ngô Xuân Bính nhận học hàm “Viện sĩ” của Viện Hàn lâm khoa học tự nhiên châu Âu.

Đưa y học Việt nổi danh ở châu Âu

Và một ngày nọ, con gái của Tổng thống Nga Boris Yeltsin trực tiếp mời ông tới chữa bệnh cho bố mình. Lúc đó, bệnh tình của Tổng thống Nga đang rất nặng, Tây y gần như bất lực, phải mời những người thầy thuốc giỏi nhất Trung Quốc.

Những ngày đầu mới đến, Ngô Xuân Bính chỉ được ngồi nghe. Xung quanh ông toàn camera và hội đồng bác sỹ chăm sóc sức khỏe của Tổng thống. Sau đó, ông  đưa ra phác đồ điều trị khác hẳn với phác đồ của bác sỹ Trung Quốc, nhưng chưa được chấp nhận.

Bệnh tình của Tổng thống ngày một diễn biến xấu, các bác sỹ Trung Quốc bất lực, hướng điều trị trở nên bế tắc. Trong tình thế đó, cơ hội được  dành cho  thầy thuốc người Việt Nam có phác đồ điều trị  khác biệt. Ngô Xuân Bính chữa bệnh cho Tổng thống với cảm giác căng thẳng vì bị các phương tiện và đội ngũ y khoa cao cấp giám sát nhất cử, nhất động.

Sức khỏe của Tổng thống Nga tiến triển tích cực hơn. Phu nhân ông Yeltsin lúc đó, mặc dù có hàng chục người giúp việc nhưng đã trực tiếp nấu cơm mời người đang cứu chữa cho chồng mình ăn. Có lúc bà chạy từ tầng trên xuống, vội vã, cầm một gói thức ăn giúi vào tay thầy Bính. Mấy lần, phu nhân của người đứng đầu nước Nga ngồi xúc thức ăn vào đĩa của vị võ sư người Việt này. Không phải chỉ một lần, suốt mấy năm trời như thế - ông Ngô Xuân Bính nhớ lại.

Chất giọng Nghệ của ông trầm hẳn xuống: “Những chi tiết như vậy khiến tôi có cảm giác mình không phải chữa bệnh cho Tổng thống nữa mà chữa bệnh cho người bạn, cho một bệnh nhân như bao bệnh nhân khác. Cảm giác đó làm tôi thấy thoải mái, tập trung để chữa bệnh. Sức khỏe của Tổng thống đã qua cơn nguy kịch và dần đi vào ổn định. Sức khỏe của ông Yeltsin rất quan trọng với sự ổn định của nước Nga. Chỉ cần ông có mệnh hệ gì thời điểm đó thì lịch sử nước Nga có thể sẽ thay đổi. Tôi nghĩ những gì tôi làm được trên đất Nga không phải tài năng của tôi mà nhờ vào giá trị của nền y học và văn hóa dân tộc ta”.

Tết Nguyên đán vừa rồi Chủ tịch Đuma Quốc gia Nga đã viết một bức thư dài bày tỏ sự cảm ơn của  nước Nga đối với Võ sư, Viện sĩ Ngô Xuân Bính. Tôi biết chẳng dễ gì mà người đứng đầu Quốc hội Nga lại viết thư như vậy, cũng bởi người võ sư kiêm thầy thuốc này đã góp phần giữ cho tình hình đất nước xứ Bạch Dương được ổn định khi duy trì sức khỏe cho Tổng thống Yeltsin 10 năm  trong bối cảnh lịch sử lúc đó hết sức cam go. Sau khi chữa trị thành công cho Tổng thống Nga, một số nguyên thủ quốc gia khác cũng mời võ sư Ngô Xuân Bính chữa bệnh. Vì nguyên tắc bảo mật khi ký hợp đồng nên ông xin không nhắc tên họ.

Ấn tượng với y thuật của Ngô Xuân Bính, nhiều người khuyên ông viết thành công trình khoa học  để truyền bá phương thức chữa bệnh. Thế là võ sư xứ Nghệ trên đất Nga lại miệt mài ngồi vào bàn viết. Công trình khoa học của ông được một cơ quan nhà nước Nga đặt hàng, vốn rất khó với cả những nhà nghiên cứu chuyên môn sâu: Những nhóm bệnh có nguyên nhân từ thay đổi môi trường làm việc, như lặn sâu dưới đại dương hay ở không gian vũ trụ hoặc phóng xạ, hóa chất…

Công trình khoa học hoàn thành, được đánh giá có ứng dụng thực tế rất lớn. Những công trình khoa học  tiếp theo, như “Cao huyết áp - Các chứng liên đới - Chuyên khoa châm cứu”, tập 1 dày 1.500 trang trình bày những vấn đề nền tảng của y học cổ truyền phương Đông một cách dễ hiểu, dựa trên cơ sở tương tác năng lượng “âm - dương” và hệ thống kinh lạc.

Công trình này đã  được  Hội đồng khoa học của Hiệp hội Y học dân tộc Nga nhất trí phổ biến rộng rãi cho các chuyên gia châm cứu.

Với những đóng góp đó, Viện Hàn lâm khoa học tự nhiên châu Âu đã chính thức  trao học hàm “Viện sĩ” cho giáo sư Ngô Xuân Bính. Viện Hàn lâm khoa học châu Âu  mời ông  làm Viện phó phụ trách mảng y học phương Đông.

Hiệp hội Y học dân gian Nga đã phong tặng ông học hàm: “Giáo sư chuyên môn”; Liên Hợp Quốc trao tặng ông huân chương cao quý “Nicholai Peregov” vì những đóng góp “lớn lao và đặc biệt” vào nền y tế thế giới.

Nhưng khi Giáo sư - Viện sĩ mà châu Âu và thế giới ghi nhận này về Việt Nam được giới thiệu gặp một số quan chức cao cấp thì họ chỉ hỏi dăm câu ba điều mang tính xã giao mà gần như chẳng quan tâm đến các công trình khoa học và những tâm huyết mà ông muốn làm cho đất nước.

Kể đến đây, bỗng dưng ông khóc. Khóc thành tiếng và nước mắt rơi. Tiếng khóc của Võ sư - Viện sĩ lừng danh này khiến tôi gai người. Tôi cảm được nỗi đau nào khiến người đàn ông phi thường này phải bật khóc…

Câu chuyện của chúng tôi dừng lại khi người học trò của ông đánh đàn và hát ca khúc phổ thơ Ngô Xuân Bính. Ông có nhiều bài thơ được nhiều nhạc sỹ nổi tiếng như Trần Tiến, Phú Quang, Nguyễn Cường phổ nhạc… Thơ ông giàu triết lý nhân sinh và ý nghĩa nguồn cội giao hòa với âm nhạc và thăng hoa trong đêm nhạc “Ân khúc - giao hòa” được tổ chức tại Nhà hát Lớn - Hà Nội mới đây.

Tôi lặng đi trước những tập thơ, sách châm cứu, sách võ thuật mà ông viết. Chúng quá đồ sộ đến mức vượt qua sức lao động thông thường của một con người. Tôi hiểu đằng sau những kỷ lục ấy là những đêm mất ngủ. Mất ngủ đến mức có lúc ông viết lên giấy những câu: “Không ngủ là ngu, không ngủ là chết, không ngủ là có tội với con”. Nhưng rồi ông vẫn không ngủ. Và chắc  sẽ còn mất ngủ, chẳng phải để lập thêm những kỷ lục mà hình như cái tình với quê hương đất nước, với cuộc đời này khiến ông luôn lao động không ngừng như một sự tri ân…

Trong đêm nhạc cũng có màn xác lập kỷ lục “Tập thơ dài nhất Việt Nam” của viện sĩ Ngô Xuân Bính. Trước đây, cuốn sách “Huyết áp cao và các chứng liên đới” của ông cũng được Hội Kỷ lục gia Việt Nam xác nhận: “Bộ sách châm cứu nhiều trang nhất”.

Ông cũng đã vẽ nhiều bức tranh và Viện Hàn lâm Nghệ thuật Nga (RAI) đã trao bằng chứng nhận “Thành viên danh dự” của RAI cho họa sĩ Việt Nam Ngô Xuân Bính.

MỚI - NÓNG