Kỷ niệm 219 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

Kỷ niệm 219 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa
TP - Đối với mỗi người Việt, có lẽ ai cũng từng nghe, từng học và biết đến gò Đống Đa- địa danh ghi đậm chiến công hiển hách, thể hiện ý chí và niềm tự hào lớn lao trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.

Sáng qua,  11/2/2008 (mùng 5 Tết Mậu Tý), tại Công viên văn hóa Đống Đa, thành phố Hà Nội và quận Đống Đa đã tổ chức trọng thể Lễ hội kỷ niệm 219 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2008). 

Nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh… và đại diện các ban, ngành T.Ư, thành phố đã tới dâng hương tưởng niệm tại tượng đài Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ.

Mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân Tây Sơn dũng mãnh, dưới sự chỉ huy của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ, người Anh hùng áo vải đất Tây Sơn (Bình Định), đã hành quân thần tốc từ thành Phú Xuân ra kinh thành Thăng Long với nghệ thuật quân sự “hành binh như bay, tiến quân rất gấp, tướng như từ trên trời rơi xuống, quân như từ dưới đất chui lên”, khiến cho hệ thống phòng ngự kiên cố của quân Thanh bị sụp đổ nhanh chóng.

Đúng ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu, quân Tây Sơn đã đại phá thắng lợi  29 vạn quân xâm lược nhà Thanh giành lại độc lập cho dân tộc.

Trong chiến công vang lừng  xuân Kỷ Dậu, nhân dân thành Thăng Long đã có nhiều  đóng góp dũng cảm, tích cực tạo nên kỳ tích đại phá quân Thanh.

Kỷ niệm 219 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa ảnh 1
Màn biểu diễn tuồng vị Vua Quang Trung  

Người dân vùng Ngọc Hồi  đã đem những tấm phản, cánh cửa để quân Tây Sơn ghép lại thành tấm mộc chắn tên đạn  khi công phá đồn Ngọc Hồi.

Nhân dân sáu làng xã vùng Khương Thượng - Đống Đa dùng rơm rạ bện thành hình rồng, tẩm chất cháy đốt tạo thành “trận rồng lửa” uy hiếp làm quân Thanh trong đồn Đống Đa vô cùng khiếp sợ.

Và những ngày này cách đây 219 năm, người dân thành Thăng Long đã tưng bừng chào đón đoàn quân Tây Sơn tiến vào giải phóng. Người Việt vẫn thường gọi chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 là Chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa.

Đó cũng là một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta và mãi mãi là niềm tự hào của mọi người Việt Nam.

Với tầm vóc và ý nghĩa to lớn, chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được nhân dân trân trọng biến thành nghi lễ truyền thống hàng năm mỗi khi xuân về- Lễ hội Đống Đa vào ngày mùng 5 Tết Nguyên đán.

Kỷ niệm 219 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa ảnh 2
Bà con thập phương về dâng lễ tưởng nhớ vị anh hùng áo vải của dân tộc

Lễ hội Đống Đa năm Mậu Tý này dường như đông hơn dù trời vẫn rét đậm.

Từ 7 giờ sáng, hàng trăm người thuộc các đoàn tế lễ của quận Đống Đa, và  từ Hà Tây, từ Trúc Lâm-Yên Tử cùng các đoàn tế lễ thập phương đã tề tựu ngay ngắn, chỉnh tề trong lễ phục, lần lượt thành kính làm lễ dâng hương lên Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ. 

Sau đó là màn rước kiệu và múa rồng. Đặc biệt là màn biểu diễn múa rồng- “rồng lửa Thăng Long”. Con rồng cách điệu được những thanh niên trai tráng điều khiển, dẫn đầu đám rước, đi suốt ngả đường chính rồi trở về sân gò biểu diễn những đường múa điêu luyện, uyển chuyển, hùng dũng… như tái hiện lại trận rồng lửa của nghĩa quân Tây Sơn năm xưa.

Đối với người xem, màn lễ hội ít nhiều đã đọng lại những ấn tượng sâu đậm về hào khí Thăng Long xưa. Hàng nghìn người dân Hà Nội tham dự Lễ hội Đống Đa cũng đã được thưởng thức màn sử thi đặc sắc do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn, với nội dung  tái hiện  hình tượng Vua Quang Trung và Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, cùng các hoạt động phong phú khác như: múa chiêng, thi đấu cờ người, biểu diễn võ thuật...

Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trần Đức Học nêu rõ: Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mùa xuân Kỷ Dậu năm 1789 mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc ta như một bản anh hùng ca bất hủ trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. 

MỚI - NÓNG