Kỷ niệm Trường Sa

Kỷ niệm Trường Sa
TP - Trong nhiều kỷ niệm của chặng đường làm báo, kỷ niệm về Trường Sa vẫn gây ấn tượng sâu đậm trong tâm khảm nhiều nhà báo. Gần như năm nào, PV Tiền phong cũng có dịp ra thăm và phản ánh cuộc sống của các chiến sĩ ở quần đảo này.

>> Phần 2

Kỷ niệm Trường Sa ảnh 1
Chào cờ ở đảo Tiên Nữ, điểm cực Đông của Tổ quốc. Ảnh: Đại Dương

Bài thơ tôi đọc ở Trường Sa

1988, tôi ra Trường Sa lần thứ hai.  Tôi còn nhớ, đêm ấy, nhóm phóng viên tham dự chương trình văn nghệ cùng cán bộ chiến sĩ trên đảo. Bên gốc phong ba, lửa trại cháy bập bùng, sân khấu biểu diễn là một khoảng đất trống lạo xạo cát trắng và những mảnh vụn san hô. Những bài hát về người lính, về quê hương được anh em say sưa hát. Tiếng hát vang xa hoà trong tiếng sóng biển ầm ào…

Tôi chọn đọc bài thơ Con tem quân đội của nhà thơ Đinh Thị Thu Vân tặng các chiến sĩ.  Mọi người lặng phắc. Bỗng tôi thấy một chiến sĩ ngồi bên gốc phong ba  đưa tay lén lau nước mắt. Giọng tôi như nghẹn lại.

Nhà báo Trần Bình Minh (Đài Truyền hình Việt Nam), nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Phức (Báo Ảnh Việt Nam), đạo diễn Lê Mạnh Thích (Hãng phim Tài liệu Khoa học T.Ư) lập tức ghi ngay những khuôn hình chiến sĩ Trường Sa sinh hoạt văn nghệ…

Sớm hôm sau,  tôi đang chụp ảnh bình minh trên đảo, một chiến sĩ trẻ chạy tới. Anh đề nghị tôi chép lại bài thơ tôi đọc hôm qua vào cuốn sổ tay của anh. Ngồi ngay trên mỏm san hô ở góc đảo, tôi nắn nót chép bài thơ ấy. Anh bảo bài thơ sao giống chuyện tình của anh đến thế.

Năm 2006, trong lần tham gia giao lưu văn nghệ với các bạn trẻ ở Quảng Bình, tình cờ tôi nghe một thiếu nữ đọc bài thơ ấy. Cô khoe cô rất thích và thuộc bài thơ này khi đọc nó trong cuốn sổ tay của cha cô. Cha cô từng là một chiến sĩ hải quân.

Tôi thầm nghĩ biết đâu bài thơ ấy lại do chính mình chép cho người chiến sĩ trẻ đang yêu ở Trường Sa 18 năm trước…Và cô gái đang tuổi trăng tròn ấy lại là đứa con yêu của người lính đảo hôm nào. Thật tiếc là vì vội chia tay, tôi chưa kịp hỏi cho rõ ngọn ngành…  

A! Đây rồi, cầy tơ bảy món!

Kỷ niệm Trường Sa ảnh 2
Phóng viên Phạm Yên ở Trường Sa năm 1989

Thật ngạc nhiên khi đổ bộ vào đảo chúng tôi nhìn thấy dòng chữ “A! Đây rồi, cầy tơ 7 món”, anh cán bộ vùng D Hải quân  vội giải thích ngay: Ở đây làm gì có món ấy, nhớ nhà các cậu lính trẻ viết vậy thôi.

Trưa ấy chúng tôi được các chiến sĩ đãi một bữa cơm toàn đồ hộp, rủ đi tắm biển, ngắm san hô và cá đủ sắc màu, cho xem cá mập mà các bạn vừa câu được còn buộc ở một góc đảo.

Diễn viên Đoàn văn công TCCT, trang phục biểu diễn mỗi lần vào đảo chỉ có bộ áo dài duy nhất, sợ các chị bị ướt, nhiều lần lính đảo rất vui được cõng các chị Thúy Mỵ, Bích Việt, Hà Thủy, Bích Kim... từ xuồng vào đảo, có lần các em còn “mượn tạm” cả “xiêm y” của các chị để làm kỷ niệm.

Thiếu đồ biểu diễn, diễn viên dở khóc, dở cười xin mãi các cậu mới chịu trả. Rau xanh thì không thể sống nổi trên đảo, phần vì thiếu nước, phần vì nắng gió. Súc vật mang ra đều không thể sinh sản nổi, một vài chú chó trên đảo đều được đặt tên các nữ ca sỹ để gọi cho đỡ nhớ...

Đảo chỉ có cát và cát, song mọi người rất vui và hồn nhiên, thức ăn quanh năm toàn đồ hộp, đôi lúc đánh bắt, câu được ít cá. 

2007 Tháng 1, tôi lại được cử ra Quần đảo Trường Sa công tác nhưng lúc này mọi thứ đều đã đổi thay,  nước  ngọt tuy thiếu, mỗi người bình quân cũng được từ 20 - 25 lít/tháng, đảo chìm ngày cũng có 3 bữa canh rau, cầy tơ thì chẳng phải ước mơ, hầu như tháng nào cũng có. 

Súc vật mang ra đã quen với nắng, gió Trường Sa, sinh sản nhanh.  Đảo đã xanh hơn, nhiều loại cây che nắng, cây ăn quả đã có thể sống được.  Các đảo đều được quy hoạch trông rất đẹp và hiện đại.

Chất men từ đảo Sơn Ca

Kỷ niệm Trường Sa ảnh 3
Phóng viên Chí Thiện trên tàu chuẩn bị cặp bờ đảo An Bang tháng 4/2007. Ảnh: Hoàng Huy

1991, tôi đi ra công tác Trường Sa lần thứ nhất. Cùng đi có các nghệ sĩ Đoàn Kịch nói Quân đội và Đoàn Văn công Quân đội.

Đi dạo trên đảo  Song Tử Tây chợt thấy mấy bóng người nhấp nhô ngoài xa. Đó là ba anh từ đảo chìm Sơn Ca do đảo trưởng Trần Văn Dũng dẫn đầu cởi trần không áo phao, mỗi người đeo một bịch cá khô, bơi liền ba tiếng đồng hồ. 

Các anh bơi đi họp giao ban, còn cá để đổi lấy rau xanh. Hôm sau chúng tôi đi thăm Sơn Ca, đó  là đảo chìm, khi triều xuống, đảo nhô khỏi mặt sóng chừng mét nước, chỉ còn nhà giàn trơ trọi giữa bao la trùng khơi. Khi leo lên, nhà của các anh hơi đong đưa, kọt kẹt.

Cảnh các anh kiên cường chịu đựng và khắc phục khó khăn đã động viên chúng tôi nhiều. Chuyến đi dài đến 20 ngày lại biểu diễn liên tục không nghỉ khiến các nghệ sĩ khá mệt.

Nữ diễn viên kịch nói quân đội Phương Thuý bị kiệt sức phải có người cõng, nhưng vừa hồi sức Phương Thuý lại cùng các bạn xuống từng chốt nhỏ trên đảo giao lưu, ca hát.

Như có chất men, gặp các anh hải quân trên đảo là ai nấy đều khỏe hẳn, tươi như hoa. Vì thế, các chương trình, tiết mục nghệ thuật đều vượt yêu cầu về chất lượng và số lần trình diễn.  

2007 tôi được trở lại Trường Sa, tôi thấy điều kiện sinh hoạt trên quần đảo khác hẳn. Đảo Sơn Ca được xây nhà ba tầng kiên cố, có phòng tập thể dục với máy tập đa năng, bàn bóng bàn, phòng đọc sách, vườn rau xanh bốn mùa...

MỚI - NÓNG