Ký sự về một người nhảy lầu

Ký sự về một người nhảy lầu
Lúc đó là 16h30 ngày 8/8/2008, tại hành lang phòng số 7 khoa nội thần kinh, lầu 9 Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM, Bùi Hữu Hào đã phóng qua lan can xuống đất...
Ký sự về một người nhảy lầu ảnh 1
Bùi Hữu Hào

Nhưng không ngờ rơi trúng vào một chiếc Ford Escape đen.

Với sức rơi ở độ cao khoảng 40m, mui chiếc xe gần như bẹp dúm nhưng điều hi hữu là Hào chỉ bị thương nhẹ và thoát chết trong nỗi hãi hùng của người thân.

Đúng hai giờ sau đó, một phụ nữ khác cũng nhảy từ lầu 9 tại bệnh viện này và tử vong ngay lập tức.

Nếu coi cuộc sống là một món quà kỳ diệu của tạo hóa thì Bùi Hữu Hào là người đã hai lần được trao tặng.

Từ cù lao Lục Sĩ Thành (Trà Ôn, Vĩnh Long), người anh rể cho tôi hay Hào đã được mẹ đưa lên Ô Môn (Cần Thơ) điều trị bằng thuốc nam chỗ cánh tay gãy sau cú nhảy tử thần hôm ấy.

Đó là một cuộc tiếp xúc khó khăn về tâm lý. Tất cả mọi người trong khu vực điều trị này không ai biết họ đang ở cạnh một nhân vật “không thể chết”.

Bà Cúc, mẹ Hào, đang loay hoay nấu bữa cơm cho hai mẹ con ngoài hành lang đông đúc và chật ních bệnh nhân. Bà quày quả vào trong giường, ghé tai con trai nói nhỏ điều gì đó rồi một lúc sau quay ra gặp tôi lắc đầu: “Nó hổng chịu gặp!”.

Phía trong giường bệnh là một chàng trai nằm lặng lẽ, mặt quay vào vách như một lời từ chối. Cũng như 50 ngày trước đây, anh đã từ chối cuộc đời mình bằng một cú nhảy lầu. Nhưng cuối cùng, trước sự cởi mở chân thành của người mẹ, người con trai đồng ý tiếp chuyện với tôi.

Khoảnh khắc kinh hoàng

“Hôm đó từ Vũng Tàu tôi đi xe buýt về Sài Gòn rồi đi xe ôm đến Bệnh viện Chợ Rẫy, lên lầu 9 và gọi điện thoại lần cuối cho anh tôi là Nhu...”. Hào bắt đầu câu chuyện.

Trước đó, vào khoảng giữa trưa, Hào đã có mấy cuộc điện thoại khác. Tùng, một người bạn thân của Hào, làm nghề sửa chữa điện ôtô cho hay khoảng 12 giờ anh nhận được một cú điện thoại của Hào bày tỏ buồn bực và chán nản.

Khi Tùng động viên rằng “người ta phải biết vượt qua, vươn lên để sống” thì Hào cúp máy.

Vài giờ sau, Hào gọi tiếp một cuộc điện thoại cho Tùng với thông báo ngắn ngủi: từ nay về sau hai người sẽ không còn gặp nhau nữa. Khoảng 17h, cú điện thoại từ Bệnh viện Chợ Rẫy báo tin vụ nhảy lầu tự sát của Hào.

Cũng trong ngày hôm đó, ở Sài Gòn, khoảng 14h20, Nhu - anh ruột Hào đang lái xe kéo container trên đường đi chở hàng thì nhận được điện thoại của Hào: “Anh tới ngay Bệnh viện Chợ Rẫy gặp em lần cuối. Em sắp chết”.

Nhu giật mình, bởi năm 2005 Hào từng bị tai nạn giao thông và “chết lâm sàng” một lần.

Nhu liền dừng công việc chạy vào bệnh viện. Khi đến lầu 9, Nhu thấy Hào đã bước ra ngoài hành lang, quần xắn lên gọn gàng. Khi giáp mặt người anh, Hào đứng bên ngoài cửa sổ, kéo cửa kính lại và bảo Nhu không được đến gần. Hào bảo rằng anh muốn kết thúc cuộc sống vì nó không còn lối ra nữa và anh muốn Nhu nói với mẹ là Hào đang đi làm xa. Và sau khi Hào chết, Nhu hãy thiêu xác và lấy tro đặt ở chùa Vĩnh Nghiêm.

Câu nói cuối cùng của Hào mà Nhu nghe được là: “Đừng làm điều gì cho mẹ buồn!”. Rồi sau đó là một cái quăng mình ra ngoài lan can sắt lầu 9. Sau giây thất thần, Nhu ngồi sụm xuống cửa khi nghe một tiếng ầm như bom nổ.

Phía dưới sân bệnh viện lúc ấy là một cảnh tượng khủng khiếp: chiếc xe Ford Escape bẹp dúm mui ngay trước mắt hai vợ chồng người chủ xe khi họ vừa mở cửa bước ra ngoài. Hào được đưa vào phòng cấp cứu trong nỗi bàng hoàng của Nhu và cả những người chứng kiến.

Một ước mơ bị gãy

Người mẹ chỉ biết chuyện sau bảy ngày, khi Hào đã hoàn toàn tỉnh táo. Bà tên Cúc, năm nay 59 tuổi.

Trong bảy đứa con của mình, có lẽ Hào là đứa mà bà thương nhất. Chồng mất năm ngoài 30 tuổi, một tay bà chèo chống nuôi sáu đứa con và một bào thai hai tháng trong bụng.

Mỗi ngày bà chèo ghe trên 40km với nghề bán muối trên sông nước miền Tây để nuôi con khôn lớn. Hào là đứa con lo lắng cho bà nhiều nhất.

Trong cuộc sống, Hào là người lặng lẽ, ít chia sẻ nhưng bà biết nó là người sống rất tình cảm. Nó hay nhắc bà ráng giữ gìn sức khỏe và hứa rằng mai mốt sẽ có nghề nghiệp và làm ra tiền để lo cho bà.

Năm lên Sài Gòn làm phụ xe cho anh trai, Hào 16 tuổi. Người mẹ gom góp được đúng 80.000 đồng bỏ vô túi con trai để nó làm lộ phí lập nghiệp.

Đó là những ngày cực khổ nếm đủ mọi cay đắng ngọt bùi của một tay phụ xế, có khi “nước mắt chan cơm” nhưng vì mê nghề lái xe, Hào vượt qua tất cả. Hào thèm khát được ôm vôlăng và ngồi vào ghế tài xế, để rồi khi ước vọng tài xế sắp thành thì đùng một cái tai nạn xảy ra.

Khi đi bộ ở ngã tư Thủ Đức, hai sinh viên vượt đèn đỏ đã tông vào Hào khiến anh bị hất tung lên, đập mặt vào một xe tải. Chỉ bị gãy sống mũi nhưng máu đã dội ngược lên não mà lúc cấp cứu các bác sĩ không phát hiện ra.

Sau hai ngày nằm ở Bệnh viện 7C, Hào coi như đã chết lâm sàng. Nhưng rồi điều kỳ diệu xảy ra, sự sống đã trở lại với Hào khi anh được Bệnh viện Chợ Rẫy mở hộp sọ bên phải. Sau tai nạn, chàng trai 20 tuổi đã hồi phục dù một bên đầu anh bị lõm vào phải để tóc dài che lại.

Hào về ở với mẹ một năm rồi xin mẹ lên lại Sài Gòn để thi lấy bằng lái xe. Bi kịch bắt đầu vào cái ngày Hào thấy hay bị nhức đầu mà dần dần trở thành bệnh động kinh. Và từ đó, ước mơ lớn nhất đời Hào là trở thành tài xế xe tải đã bị tan vỡ.

Hào vẫn đi làm phụ xe, thỉnh thoảng xin được ôm vôlăng nhưng tối về là bắt đầu những nỗi buồn day dứt. Đó là sự day dứt của một ước mơ đã chết. Rồi bắt đầu những cơn trầm cảm và ẩn ức quẫn bách. Hào hay cự nự khi làm việc. Thỉnh thoảng nổi nóng trước cơn động kinh.

Bốn tháng trước khi nhảy lầu là quãng thời gian quẩn quanh và cháy cạn chút hi vọng sau cùng của con người này.

“Món quà của tạo hóa”

“Lúc đó, tôi không còn hi vọng vào tương lai!”. Hơn 50 ngày sau tai nạn, Hào bắt đầu nhìn lại những gì đã diễn ra trong cuộc đời mình. Câu chuyện có lúc ngập ngừng, có lúc vòng vo vì tôi sợ chạm vào những điều tế nhị sâu thẳm trong con người này, nhưng cuối cùng chính Hào lại thẳng thắn soi rọi:

“Ước mơ đã chín thành hiện thực, khi chỉ vài tuần nữa thôi tôi sẽ thi lấy bằng lái, sẽ làm được điều mình muốn, sẽ có thể lo cho mẹ, cho anh chị em. Nhưng giấc mơ đẹp của tôi đã bị cắt đứt bởi một phút vượt đường ẩu tả của hai sinh viên, đẩy chàng trai tự tin và mới lớn vào chỗ không lối thoát. Và hành động nhảy lầu là kết cục bi thảm của nó nhưng kỳ diệu là cái chết đã không xảy ra”.

Tôi ngồi im bên quán nước bờ sông, nhìn nhân vật của mình: con người hai lần chết đi và sống lại. Trong toàn bộ câu chuyện của mình, Hào không có một lời trách cứ nào với người gây ra tai nạn cho mình.

Anh chỉ thắc mắc không biết hai người “học cao” ấy học trường nào. Và chắc chắn rằng họ không biết chính mình đã đẩy số phận một con người đến với cú nhảy lầu, cú nhảy sau cùng của mọi niềm tuyệt vọng!

Cuối câu chuyện, tôi đã thấy Hào mỉm cười. Nụ cười làm gương mặt anh sáng lên sau những giờ phút đen tối đã qua.

Tôi hỏi Hào rằng anh có cảm thấy gì trong lúc rơi xuống đất. Hào lắc đầu. Có lẽ đó là một bí mật quá riêng tư, một trải nghiệm quá đặc biệt mà chỉ riêng anh cảm nhận được.

Thoáng chút trầm ngâm rồi Hào lại cười, hình như anh thoáng rùng mình: “Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ cuộc sống của mình lần nữa”.

Theo Nguyễn Văn Tiến Hùng
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).