Kỳ thú du lịch mạo hiểm

TP - Đổ đèo, leo dốc, bơi suối, lặn biển, chinh phục độ cao, vào sâu hang tối… du lịch mạo hiểm để thấy cảnh sắc Việt Nam thực sự kỳ thú, cuộc sống đời thường không thiếu điều tươi mới.

Lên núi, xuống biển

Lần đầu tiên leo lên chiếc xe jeep già lão khai sinh từ Thế chiến thứ II đã được độ chế lại máy, lột bỏ khung mui, ngó người khác lái lao lên đồi cao dựng đứng, rồi đổ xuống dốc suối thăm thẳm trong tour mạo hiểm đổ đèo với xe jeep ở khu du lịch làng Cù Lần (thôn suối Cạn, xã Lát huyện Lạc Dương tỉnh Lâm Đồng), anh Dương Tuấn (nhà ở huyện Ea Kar, Đắk Lắk), thâm niên ôm vô lăng hơn 20 năm, vẫn suýt  đứng tim vì sợ. Khi hoàn hồn, anh kêu lên: Quá liều! Đang lao dốc, máy móc chỉ trục trặc chút xíu là tiêu ngay. Nhưng phải công nhận những người thiết kế tour đã tính kỹ từng cung đường, đoạn nào cũng đẹp, hoa lá lộng lẫy, suối sâu rào rạt, đoàn jeep bám sát nhau có lúc y như dàn xe tăng lội nước.

Cũng ở Lâm Đồng, với tour thác Dambri trên cao nguyên B’Lao, đa số du khách đến từ các thành phố phương Nam tràn nắng không chỉ cảm thấy thoải mái dễ chịu với cảnh sắc núi rừng trùng điệp, khí hậu mát mẻ trong lành, mà còn có dịp bay vút lên độ cao 57m bằng thang máy để ngắm dòng đổ thác mềm như lụa. Người mạnh bạo hơn sẽ không bỏ qua mục xuyên rừng nguyên sinh, khám phá vẻ đẹp huyền bí của thác Dasara bằng xe trượt ống Alpine Coaster với đường trượt dài tới 1.650m. Năm 2010, khi khánh thành hệ thống trò chơi cảm giác mạnh hiện đại nhất thế giới này, các kĩ sư người Đức tham gia thiết kế, xây dựng công trình đã phải công nhận: “Đây là đường trượt có cảnh quan đẹp nhất châu Á!”. 

Mấy năm trở lại đây, nhiều du khách trẻ tuổi khi đến Nha Trang - Khánh Hòa mạnh tay chi tới 1,2 triệu đồng cho 15 phút nhào lượn với fly-board, những cú bay bổng tuyệt vời bung lên từ mặt biển nhờ sức bật của một dụng cụ bay cá nhân. Thiết bị này dùng một động cơ phản lực hút nước rồi đẩy bung ra với áp suất cực mạnh, tạo lực nâng bổng người sử dụng lên không trung tới độ cao 6 - 9m. Với trò dù lượn vận hành bởi sức gió và ca nô kéo, du khách sẽ được treo lơ lửng ở độ cao 70-100m để chiêm ngưỡng cả một vùng biển rộng lớn. Bình dân hơn một chút là thú vui bơi lặn biển nhiều san hô như Nha Trang, Cù Lao Chàm, Quy Nhơn… Du khách được trang bị đồ nghề chuyên nghiệp như một thợ lặn, có kỹ thuật viên bơi kèm trong 30 phút. Ngay trong ngày, du khách sẽ được nhận tập album ảnh lưu niệm mình đang bơi giữa những đàn cá vạt san hô muôn màu dưới đáy biển.

Kỳ thú du lịch mạo hiểm ảnh 1

Ô tô cưỡi thuyền qua sông.

Chinh phục độ cao, nước xiết

Ngay tại cố đô Huế trầm mặc, du khách vẫn có thể thay đổi không khí bằng trò chơi ngoài trời có tên là highwire. Người tham gia highwire di chuyển trên một sợi dây mảnh treo chơi vơi giữa hai điểm như nghệ sĩ xiếc biểu diễn trên dây, trải nghiệm cảm giác chơi vơi trên không trung gió rít. Với trò đu dây mạo hiểm Zipline, du khách sẽ lao mình xuống từ đỉnh núi. Khi mặt đất đã trở nên rất gần, sợi cáp bảo hộ sẽ đột ngột giật căng trở lại, cho người bay cảm giác nhẹ bỗng, sảng khoái.

Tây Nguyên với dòng sông Sêrêpôk hùng vĩ, lắm thác ghềnh chục năm trước từng thu hút sự chú ý của một nhóm chuyên gia tổ chức tour đổ thác bằng thuyền kayak. Ông Lê Hoàng Cơ, Giám đốc Trung tâm Lữ hành quốc tế Đam San, khi đó đưa nhóm bạn đa quốc tịch Canada, Anh, Úc đi khảo sát, chiếu chụp, đo đếm tỉ mỉ các thông số về lưu lượng, áp suất nước, đá nổi, đá ngầm khắp khu vực thác Gia Long. Họ đã đem những chiếc thuyền kayak sặc sỡ đến thử nghiệm đổ thác từ độ cao gần 20m, rồi thỏa sức chèo trên mặt hồ long lanh trước động Tiên Nữ. Tiếc thay, công đoạn khảo sát vừa xong thì Sêrêpôk trở thành “dòng sông ánh sáng”, với 7 đập thủy điện chắn ngang dòng, tất cả các thác lớn nhỏ chỉ còn nước chảy liu riu theo lịch trình đóng mở van xả đập.

Ông Cơ còn thiết kế vài chuyến “ô tô cưỡi thuyền sang sông”. Thật hồi hộp cảm giác bềnh bồng nguy hiểm khi điều khiển những chiếc ô tô dưới 16 chỗ chạy xuống lòng thuyền gỗ trang bị rất đơn sơ, lái thuyền chỉ là những nông dân ngày ngày chuyên chở nông sản qua đoạn sông chảy xiết. Các khả năng rủi ro đã được lường liệu, song “người tính sao bằng trời tính”, nếu một cơn lũ từ thượng nguồn đột ngột đổ về...

Kỳ thú du lịch mạo hiểm ảnh 2

Các chuyên gia hang động Nhật Bản hội ý trong hang núi lửa Chư B'luk.

Mạo hiểm với hang động

Cuối năm 2014, việc công bố phát hiện hệ thống hang động núi lửa Chư B’luk lớn nhất Đông Nam Á chạy ngầm trong lòng đất khắp khu vực thác Drap Sap, từ xã Buôn Chóa đến xã Đắc Sôr, huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) trên diện tích dài 25km, rộng khoảng 5km đã khiến nhiều du khách trong và ngoài nước đặc biệt chú ý.

Theo ông Honda Tsutomu, Chủ tịch Hội Hang động núi lửa Nhật Bản, nhiều hang lộ rõ đặc trưng kiến tạo của quá trình phun trào núi lửa Chư B’luk mới cách đây khoảng 3.700 năm. Ở độ tuổi này, núi lửa Chư B’luk vẫn còn sống, tức là nó có thể phun trào trở lại bất cứ lúc nào!

Cùng các chuyên gia hang động Việt - Nhật thâm nhập vào một số vòm lớn trong hệ thống hang động này, tôi cảm nhận được những nguy cơ, bất trắc có thể xảy ra trong lòng động tối, như đá lở, trần sụt, sự trơn trượt níu bẫy chân người, các loài sên vắt, rắn rết ẩn mình trong kẽ đá… Thạch nhũ trong hang động núi lửa không muôn hình vạn trạng bằng nhũ trong các hang động đá vôi mà tôi từng đến như Thiên Cung, Đầu Gỗ ở Hạ Long; Phong Nha, Thiên Đường ở Quảng Bình. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của hệ thống hang động núi lửa đồ sộ Chư B’luk về cơ chế hình thành, kiến tạo dòng mắc ma phun trào, vẻ đẹp của nguồn dung nham nóng đỏ cuồng nộ thiêu rụi vạn vật vài nghìn năm trước nay đã hóa thạch, thì vô cùng giá trị và hiếm có.

Kỳ thú du lịch mạo hiểm ảnh 3 Dòng dung nham nóng chảy phun trào đã hóa thạch.

Đọc bài “Độn thổ vào động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á” đăng trên báo Tiền Phong, nhóm bạn ngoại lục tuần nhưng vẫn yêu thích du lịch mạo hiểm của bác sĩ Dương Đình Hùng (TPHCM) liên tục hỏi thăm liệu đến bao giờ Chư B’luk mới đón khách. Sau tết Bính Thân, tôi chuyển câu hỏi này đến ông Lê Khắc Ghi giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Đắk Nông. Ông Ghi cho biết, dự kiến, đến cuối năm 2016, tỉnh mới làm xong hồ sơ trình UNESCO công nhận hệ thống hang động núi lửa Chư B’luk là công viên địa chất toàn cầu, sau đó mới có thể định hướng đầu tư, khai thác. Bây giờ, hệ thống hang động này được giao cho địa phương quản lý, tạm đóng cửa để tránh các sự cố nguy hiểm, rủi ro có thể xảy ra với những ai liều mình vào động tối mà thiếu phương tiện bảo hộ. 

Nghe tôi hỏi đâu là điểm du lịch mạo hiểm ấn tượng nhất? Ông Nguyễn Văn Mỹ (Lửa Việt Tours) bảo rất tiếc khi tỉ lệ người Việt tham gia các tour thám hiểm hang động độc đáo mà Cty Oxalis tổ chức đặc biệt chuyên nghiệp ở Quảng Bình, hiện chỉ mới xấp xỉ 20% tổng số du khách. Với một người đã gắn bó hơn 30 năm trong nghề tổ chức hoạt động du lịch như ông Mỹ, cảm giác “không thể quên” trong 70 giờ bơi lặn, leo trèo, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên kỳ diệu ở hang động Tú Làn, “em út” của hệ thống hang động Sơn Đoòng kỳ vĩ đủ khiến ông khát khao sống vui, sống khỏe để phục vụ ngành du lịch thêm vài chục năm nữa .

Kỳ thú du lịch mạo hiểm ảnh 4

Hang Sơn Đoòng. Ảnh: Ryan Deboodt.

Nhiều người bất ngờ khi biết từ mùa thu năm 2015, chỉ sau một tuần chào bán tour Sơn Đoòng với giá 3.000 USD cho một chuyến thám hiểm 5 ngày 4 đêm, Oxalis đã kín đơn đặt hàng cho tới hết năm 2016. Lý do, anh Nguyễn Châu Á, Giám đốc Cty, cho rằng vì Oxalis chỉ tập trung vào một sản phẩm du lịch duy nhất, một khu vực tuyệt hảo duy nhất với toàn bộ trang thiết bị đạt tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ, giúp du khách có những trải nghiệm thực sự chứ không giả tạo, dàn xếp. Khi họ đã đến, đã tin thì người này loan truyền cho người khác, rằng Sơn Đoòng của Việt Nam hiện là điểm du lịch mạo hiểm hấp dẫn nhất thế giới. 

Oxalis hiện có đội ngũ lao động khoảng 400 người, một phần ba trong số đó sử dụng tốt ngoại ngữ, số còn lại là lao động địa phương trước bị coi là lâm tặc, giờ trở thành hướng dẫn viên kiêm người mang vác tư trang cho du khách, với mức thu nhập bình quân 5-10 triệu đồng/ tháng. 

MỚI - NÓNG