Ký ức chứng nhân lịch sử

Ký ức chứng nhân lịch sử
Sáng 19/4, bốn người lính trên chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập đã giao lưu với sinh viên Hà Nội. Họ là những nhân chứng lịch sử trong chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại

Cuộc giao lưu “ 30 năm mùa xuân Đại thắng” do Bảo tàng Cách mạng tổ chức sáng 19/4 giữa các nhân chứng lịch sử trong chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại và các bạn sinh viên Hà Nội làm người ta nhớ  lại  không khí ngày 30/4 cách đây 30 năm: tràn ngập cờ hoa, nụ cười rạng ngời và cả những giọt nước mắt ...

Bốn người lính trên chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cửa Dinh Độc lập ngày nào, đã được in vào sách  giáo khoa lịch sử, giờ đây bước ra sân khấu trong sự ngỡ ngàng xúc động của các bạn trẻ.

“Lái cuộc sống khó hay lái xe tăng khó?”

30 năm đã trôi qua, thời gian làm cho mái đầu của những anh bộ đội Cụ Hồ tuổi đôi mươi “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã đốm bạc, nhưng ký ức về cái thời khắc lịch sử ấy vẫn còn xanh tươi.

Trung uý Vũ Đăng Toàn - Chính trị viên đại đội, trực tiếp chỉ huy xe tăng 390 nhớ lại: “Xe chúng tôi vượt qua cầu Sài Gòn tiến vào nội thành. Sài Gòn bao phủ không khí chiến tranh nhưng vẫn cực kỳ diễm lệ. Chúng tôi là những người lính quen ở rừng, bây giờ vào thành phố lạ, không biết đường vào Dinh độc lập. Một thanh niên đi ngược chiều bảo: “Các anh đi nhầm đường rồi”. Khi xe đến Dinh độc lập, lái xe Nguyễn Văn Tập hỏi: “Thế nào anh Toàn? ”. Tôi nói: “Cứ xông thẳng vào”. Chiếc 390 phá tan cánh cửa sắt - sào huyệt cuối cùng của chế độ nguỵ Sài Gòn. Tôi không bao giờ quên được giây phút ấy, giờ đây, nếu cho tôi trở lại thời khắc đó, tôi cũng sẽ dõng dạc ra lệnh: “Cứ xông thẳng vào”.

Bạn Nguyễn Thu Hiền - SV ĐH Văn hoá hỏi: “Lúc xe tăng vào Dinh độc lập, tâm trạng của chú như thế nào?”. Trung uý Vũ Đăng Toàn trầm tư: “Lúc đấy tôi nhớ nhà, thế là mình sẽ được về nhà, thế là từ nay hết cảnh chia ly, vợ xa chồng, mẹ xa con ...dằng dặc”. 

Một chút buồn, hay nói đúng hơn là một kỷ niệm trong những ngày tháng đó, được Trung uý Toàn chia sẻ với các bạn trẻ: “Tôi mải mê chinh chiến, đi biền biệt, người yêu ở quê không chờ đợi được đã đi lấy chồng”.

Bạn Nguyễn Hữu Dũng, SV Học viên Ngân hàng đặt câu hỏi với  Trung sỹ Ngô Sỹ Nguyên: “Chiếc xe tăng húc đổ cánh cửa dinh Độc lập là do các chú được giao nhiệm vụ hay một sự tình cờ?”.

Trung Sỹ Ngô Sỹ Nguyên trả lời ngay: “Việc xe tăng 390 húc đổ cánh cửa dinh Độc lập là một sự “ưu ái” của  lịch sử chứ không phải được giao nhiệm vụ từ trước. Chúng tôi đã trải qua cuộc chiến đấu rất ác liệt ở cầu Sài Gòn, tại đó máy bay địch bổ nhào ném bom, tàu thuỷ bắn lên dữ dội, nhưng xe tăng 390 đã tiêu diệt các mục tiêu của địch, tiến thẳng vào đô thành. Lúc đến Dinh độc lập, tôi định “tương” vào đó vài quả đạn pháo nhưng lệnh của trên  không cho phép nổ súng”.

Bạn Lê Việt Hà - SV Học Viện Ngân hàng, làm cả khán trường lặng đi vì xúc động khi hát tặng 4 chiến sĩ năm xưa bài hát “Mẹ” của Nhạc sỹ Phan Long. Hà tâm sự: “Những câu chuyện của các chú khiến cháu rất tự hào về thế hệ cha anh đi trước. Tiếp nối truyền thống anh hùng đó không phải là một “gánh nặng” mà là một động lực cho chúng cháu vươn lên”.

Một câu hỏi của các bạn sinh viên đã đưa những chiến sỹ trên chiếc xe 390 ngày nào trở về thực tại: “Các chú có thấy “lái” cuộc sống gia đình sau khi giải ngũ khó hơn “lái” xe tăng không?”. Mỗi người một câu trả lời, bởi hoàn cảnh chẳng ai giống ai, nhưng đều có chung sự vất vả, bươn chải trong cuộc sống đời thường.

Anh Vũ Đăng Toàn, sau khi phục viên đã làm đủ nghề để sống như thả cá, chăn lợn, đậu phụ. Cho đến một ngày TS Nguyễn Thị Hoè - Tổng giám đốc Cty Sơn Kova, sau khi xem, chương trình “Người đương thời” đã mời anh Toàn đến làm Phó quản đốc Phân xưởng sơn.

Theo bước anh Toàn, anh Nguyễn Văn Tập - trước đây lái xe tăng, giờ lái xe nâng hàng, và làm thủ kho cho Cty Sơn Kova. Một thủ kho được  bà Tổng giám đốc Nguyễn Thị Hoè đánh giá là “đặc biệt hơn bất cứ thủ kho nào về sự cẩn thận và trong sáng”.

Anh Ngô Sỹ Nguyên - sau một thời gian  làm bốc xếp ở cảng Phà Đen, Hà Nội rồi về chế độ 176, cũng phải lao vào cuộc mưu sinh nhọc nhằn bằng những nghề có vẻ không phù hợp với người hùng một thuở: bán thịt bò khô, bán trứng vịt lộn. Cho đến một ngày, anh được mời làm tài xế xe buýt cho Cty 10/10. Buổi giao lưu hôm ấy, nhiều sinh viên đã ồ lên khi nhận ra bác tài xe buýt quen thuộc hoá ra lại là người lính trên chiếc xe tăng lịch sử năm nào.

Anh Lê Văn Phượng lại chọn nghề cắt tóc làm kế sinh nhai. Quán của anh ở cổng Trường Lục quân Sơn Tây, nơi ngày ngày nhiều anh lính trẻ ra đây gặp bác thợ cạo không chỉ để  cắt tóc mà còn để  trao đổi về ...xe tăng và kinh nghiệm chiến trường.

Hãy gìn giữ, bảo tồn ký ức

 “Những câu chuyện của các chú khiến cháu rất tự hào về thế hệ cha anh đi trước. Tiếp nối truyền thống anh hùng đó không phải là một “gánh nặng” mà là một động lực cho chúng cháu vươn lên”

SV Lê Việt Hà

Câu chuyện mưu sinh giữa đời thường của 4 người lính xe tăng 390 đã làm cho các bạn trẻ  trở nên trầm tư hẳn. Có ai đó đã khóc khi nghe anh Nguyên nói về chuyện bán trứng vịt lộn, khi nhìn thấy hình ảnh anh Phượng cắt tóc, lấy ráy tai.

Cứ thế, mải miết “lái” cuộc sống gia đình trong cuộc mưu sinh, 20 năm sau ngày giải phóng miền Nam, những  người lính ngày ấy mới  có dịp gặp lại nhau (1995).

Bạn Nguyễn Diệu Hạnh -  SV Học viện Ngân hàng - bộc bạch: “Buổi giao lưu này em được biết thêm nhiều điều mới không có trong sách vở. Hình ảnh các anh trong thời chiến cũng như thời  bình đều rất đẹp”.

Buổi giao lưu kết thúc, các bạn trẻ ùa lên, vây lấy 4 chiến sỹ xe tăng, chụp ảnh, xin chữ ký - một điều chỉ thường thấy trong các cuộc gặp gỡ với ngôi sao ca nhạc hay bóng đá.

Nhà Sử học Dương Trung Quốc xúc động khi chứng kiến cảnh tượng này. Ông tâm sự: “Đó là điều rất đáng quý, nếu chúng ta làm tốt việc này một cách thường xuyên thì nó sẽ góp phần hình thành trong thế hệ trẻ bản lĩnh Việt Nam, tính cách Việt Nam. Bây giờ các em còn có cơ hội gặp gỡ với những nhân chứng lịch sử, nhưng 20 năm nữa thì sao? Chúng ta vẫn thường coi trọng vấn đề bảo tồn di tích lịch sử nhưng chưa coi trọng việc gìn giữ ký ức. Hãy gìn giữ, nâng niu ký ức”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.