Kỷ vật kể chuyện kháng chiến

Kỷ vật kể chuyện kháng chiến
TP - Sáng 22/11, Bảo tàng Đà Nẵng tiếp nhận hơn 60 cổ vật, hiện vật kháng chiến. Bao nhiêu mũ áo, súng, bi đông, chang tóc... là chừng đó câu chuyện gan dạ, mưu trí của những cán bộ, chiến sĩ trong suốt hai cuộc chiến của dân tộc.

> Những kỷ vật bình dị thời chiến của cựu binh
> Triển lãm “huyền thoại đường Trường Sơn"

CHANG TÓC NỮ ANH HÙNG

Không gian lễ tiếp nhận trang trọng, ấm cúng ngay giữa tiền sảnh bảo tàng. Hơn 60 tuổi, Anh hùng LLVT Huỳnh Thị Thơ (hiện trú tổ 26, Mỹ An, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cẩn trọng mang chang tóc bọc trong túi nilong đăng ký hiện tặng. 13 tuổi, bà Thơ là nữ giao liên ngang dọc cùng căn cứ K20. Chưa đầy 2 năm 1966-1988, nữ chiến sĩ trẻ đào 11 hầm bí mật tại khu căn cứ và được giao quản lý thêm 5 hầm. Bà Thơ đảm trách tổ biệt động K20 “xuất quỷ nhập thần”, gây hoang mang lòng địch.

Chang tóc - kỷ vật của bà Thơ
Chang tóc - kỷ vật của bà Thơ.

Hàng chục năm nay, chang tóc của chính mình được bà giữ như kỷ vật. Bà Thơ kể: tháng 10/1972, bà Thơ cùng lãnh đạo quận III (Đà Nẵng) bất ngờ bị địch phục kích. Trong tích tắc, bà Thơ ném lựu đạn về phía địch và cắt phần tóc dài của mình để cải trang cùng các cán bộ chiến sĩ mau chóng lẩn thoát.

“Mái tóc nhắc tôi nhớ về ngày tháng kháng chiến hào hùng. Việc hiến tặng kỷ vật là nhằm đóng góp nhằm phần nào tái hiện thêm hình ảnh chân thực nhất về cuộc chiến cho các thế hệ sau”, bà Thơ nói.

4 lần gặp bác Hồ để lại nhiều kỉ niệm đáng nhớ với nữ dũng sĩ diệt Mỹ Trần Thị Bưởi (67 tuổi, trú 111 Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Tấm ảnh bà Bưởi chụp với Bác được gìn giữ cẩn thận. Bà vốn tên thật là Trần Thị Buổi nhưng trong lần gặp Bác, bà vinh dự được Bác đổi tên thành Bưởi- như hương thơm loài hoa. 16 tuổi, bà Bưởi tham gia dân quân. Những năm 1966-1968 vùng quê Vĩnh Linh, Quảng Trị thành địa bàn bị bắn phá ác liệt.

Không nao núng, bà Bưởi tổ chức các đợt thọc sâu vào lòng địch. Sau Tết Mậu Thân 1968, tại cao điểm 31-Cồn Tiên (Gio Linh, Quảng Trị) chỉ trong 3 ngày, với 23 viên đạn, nữ chiến sĩ Bưởi diệt được 19 tên địch.

Chiếc bi đông trong ngày hiến tặng kỉ vật cho Bảo tàng Đà Nẵng này chính là chiến lợi phẩm bà Bưởi thu được của địch tại cao điểm 31. Nhờ thành tích cao điểm 31, bà Bưởi được phong tặng Dũng sĩ diệt Mỹ và tham dự Đại hội Thanh niên-Sinh viên thế giới lần thứ 9 ở Bulgaria...

Như bao chiếc mũ cối thời chiến khác, nhưng với cụ Phạm Thanh Ba (81 tuổi, 115 Phan Chu Trinh, Đà Nẵng), đây là chiếc duy nhất còn lại của Văn phòng đặc khu ủy Quảng Đà. Năm 1972, đơn vị được cấp 10 chiếc mũ cối, chỉ các đồng chí lãnh đạo được nhận.

Ông Ba lúc này là Chánh văn phòng Đặc khu ủy Quảng Đà vinh dự được nhận một chiếc. Qua binh biến, thời gian, nay chỉ còn chiếc mũ của ông Ba được lưu giữ. Cùng mũ, 6 kỷ vật: hộp kim tiêm, bài thơ, gùi, quai rút dép, thắt lưng, cà mèm cùng ông theo suốt cuộc kháng chiến.

Đại diện gia đình ông Chế Viết Tấn (SN 1926, Hòa Vang, Đà Nẵng), vị chủ tịch đầu tiên của TP Đà Nẵng năm 1945 rưng rưng trao chiếc súng hiệu Mauser-Werke cho Bảo tàng Đà Nẵng hoàn thành tâm nguyện của ông trước khi qua đời (năm 2012).

Từ năm 1953, ông Tấn được cấp chiếc súng này và luôn mang theo bên mình. Ông từng đảm trách Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước, chuyên trách giúp Thủ tướng theo dõi chỉ đạo tuyển quân và vận chuyển chi viện chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Sau đó ông giữ cương vị Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư đến khi nghỉ hưu.

NHÂN LÊN GIÁ TRỊ

Chiếc bi đông của bà Bưởi
Chiếc bi đông của bà Bưởi.
 

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, tại lễ tiếp nhận hơn 70 hiện vật quý, trong đó có 22 kỷ vật kháng chiến của các đồng chí từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, 5 hiện vật chứng tích chiến tranh, 6 hiện vật văn hóa dân tộc được hiến tặng. Những kỷ vật này rất gần gũi, gắn bó sinh hoạt, chiến trường... của các cán bộ, chiến sĩ, gợi nhắc thời kỳ kháng chiến oanh liệt, gian khổ mà vinh quang.

Lãnh đạo Bảo tàng Đà Nẵng cho hay: đơn vị chính thức kêu gọi hiến tặng hiện vật nhằm lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị hiện vật, cổ vật. “Trên 14.000 tư liệu hiện vật, trong đó có nhiều bộ sưu tập quý hiếm mang tầm quốc gia được đơn vị nhiều năm qua tập trung sưu tập, lưu giữ. Trong hàng chục bộ sưu tập mà Bảo tàng Đà Nẵng đang sở hữu, có nhiều sưu tập được nhiều cá nhân là người Đà Nẵng và các địa phương khác hiến tặng.

Tiếp nhận thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Chí Thanh

Nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), Bảo tàng Lịch sử & Cách mạng tỉnh TT-Huế tổ chức tiếp nhận nhiều hiện vật quý do các tổ chức, cơ quan, cá nhân trên địa bàn hiến tặng. Đáng chú ý là bộ hiện vật hiếm của Đài PTTH tỉnh TT-Huế, gồm dàn máy phát sóng, máy audio chạy băng cối do Đức, Mỹ sản xuất từ những năm 1960, gắn với hoạt động sản xuất, phát sóng thông tin chỉ đạo của chính quyền cách mạng trong những ngày đầu giải phóng Huế. Ngoài ra là bộ sưu tập các bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Chí Thanh do Nhà hát Ca kịch Huế gửi tặng; cùng bức trướng thêu dưới thời vua Bảo Đại của nhà sưu tầm cổ vật Lê Thiện Giang. Dịp này, Bảo tàng LSCM tỉnh khen thưởng tập thể Công an các xã Phong Xuân, Phong Sơn (Phong Điền, TT-Huế) và nhiều cá nhân trao tặng gần 100 cổ vật, hiện vật cho bảo tàng thời gian qua.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG