Sở Nội vụ Đà Nẵng nói về 40 'nhân tài' xin nghỉ việc:

'Là con số bề nổi, không phải bức tranh toàn cảnh'

Trung tâm hành chính TP. Đà Nẵng (trái). Ảnh: Thanh Trần.
Trung tâm hành chính TP. Đà Nẵng (trái). Ảnh: Thanh Trần.
TPO - “Bất kỳ đề án nào triển khai cũng tồn tại những hạn chế, thiếu sót chứ không thể hoàn hảo được. 40 người xin nghỉ việc không phản ảnh hết cả quá trình đào tạo và bố trí việc làm”.

Đó là chia sẻ của ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng liên quan đến việc 40 học viên Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng (Đề án 922) đã về công tác nhưng xin nghỉ việc và ra khỏi Đề án.

Ông Đồng cho hay, từ khi triển khai Đề án (2004) đến tháng 4/2018, đã có hơn 400 lượt học viên được bố trí công tác, phần lớn có việc sớm theo đăng ký của các đơn vị chứ không để chờ quá lâu, có thời điểm không cung ứng đủ nhân lực cho các đơn vị có nhu cầu. Trên thực tế rất nhiều người đang công tác hài lòng về công việc, và một số người xin nghỉ hoàn toàn do nhu cầu bản thân.

Trao đổi với Tiền Phong, chị N.H., một học viên thực hiện xong cam kết với thành phố từ năm 2015 và giờ đã chuyển đi địa phương khác làm việc, cho hay thời gian học ở Pháp, bạn bè ở các tỉnh thành khác bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Đà Nẵng vì có Đề án này. Suốt 7 năm phục vụ thành phố, bản thân chị  hài lòng vì làm đúng chuyên ngành, được đào tạo và  bổ nhiệm khi lãnh đạo nhìn thấy năng lực bản thân. Hiện tại không còn công tác tại Đà Nẵng vì muốn gần chồng con, nhưng khi nhắc về Đề án, chị vẫn cho rằng đó là cơ hội rất quý báu cho những ai muốn viết tiếp ước mơ học tập, học nước ngoài và làm việc của mình.

Cũng quan điểm này, chị M.N., học viên được bố trí công tác tại Sở KH&ĐT, một trong ba trường hợp tại Sở này phải đền bù vì chưa hoàn thành thời hạn phục vụ thì xin nghỉ, đã cởi mở với Tiền Phong: “Lúc đầu mới về mình cũng nhận công việc không như ý, nhưng làm từ từ, cơ quan thấy được năng lực cũng như sự năng nổ của bản thân nên giao cho những việc thích hợp hơn. Riêng về mức lương, thẳng thắn mà nói mình học ở nước ngoài về, nếu làm ở ngoài có thể kiếm nhiều hơn. Tuy nhiên trước khi cầm bút ký vào cam kết thì bản thân đã xác định phải theo sự bố trí của thành phố, vậy nên mình không thể đòi hỏi.

Quá trình làm việc ở đây cho mình nhiều, như được làm việc trong thành phố, cống hiến cho quê hương, và một môi trường có thể học hỏi. Mình xin nghỉ vì gia đình mỗi người một nơi, mong muốn sớm đoàn tụ. Vì vậy chấp nhận bồi hoàn kinh phí theo quy định”.

Không phải bức tranh toàn cảnh

Nói về 40 “nhân tài” bỏ cuộc giữa chừng, ông Đồng nhìn nhận đó là con số bề nổi, không phải là bức tranh toàn cảnh, song thẳng thắn chỉ ra những hạn chế từ Đề án này.

Trước hết, một số người được phân công công việc không phù hợp, nhất là những người học ở nước ngoài về, họ không có điều kiện để phát huy hết năng lực, chuyên môn của mình.

Thứ hai, việc vào biên chế còn khó khăn. Thứ ba là mức lương thấp, dù đó là quy định của Nhà nước. “Hiểu được tâm lý này nên trước đây Đà Nẵng đã hỗ trợ thêm mỗi người 1 triệu/tháng, tuy nhiên sau này cũng phải bỏ do trái quy định”, ông thông tin.

Từ thực tế này, ông Đồng cho hay sẽ tính toán quy hoạch lại các ngành nghề cử đi học sao cho phù hợp với chỉ tiêu nhân lực của thành phố. Đặc biệt sẽ điều chỉnh đề án bằng cách ưu tiên thu hút nhân tài trước, nếu thực sự thiếu mới cho đi đào tạo. Ông cũng thông tin thêm, sắp tới thành phố sẽ gặp mặt các học viên đề án để nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó đánh giá lại đề án để tìm cách thực hiện hiệu quả.

MỚI - NÓNG