Lá kim cương cạn kiệt, người dân vẫn đổ xô săn tìm

Lá kim cương cạn kiệt, người dân vẫn đổ xô săn tìm
Mùa săn lùng cây thuốc kim cương đã bắt đầu. Không khí ở các thôn, làng của huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đang nóng lên bởi người dân cơm đùm, gạo bới lên rừng mưu sinh.

Lá kim cương cạn kiệt, người dân vẫn đổ xô săn tìm

> Lại đổ xô vào rừng tìm cây kim cương
> Cây kim cương kêu cứu

Mùa săn lùng cây thuốc kim cương đã bắt đầu. Không khí ở các thôn, làng của huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đang nóng lên bởi người dân cơm đùm, gạo bới lên rừng mưu sinh.

Vạch rừng tìm lá kim cương
Vạch rừng tìm lá kim cương.

Kim cương đã cạn kiệt

Cây kim cương - tên khác là lan gấm hay thạch tằm.

Theo Đông y, lan gấm có vị ngọt, hơi chát, tính mát, có tác dụng tư âm nhuận phế, làm mát phổi, mát máu sinh tân dịch, tiêu viêm, lọc máu.

Do đó trong Đông y, lan gấm được dùng để chữa lao phổi, khô phổi, ho, khạc ra máu, thần kinh suy nhược.

Mấy hôm nay, trời Kon Plông mưa xối xả, thế nhưng người dân các xã Hiếu, Pờ Ê, Măng Bút… vẫn dậy từ rất sớm để lên núi hái cây kim cương về bán. Nhà nhà, người người đều đi. Cái giá thương lái trả một triệu đồng/kg lá kim cương tươi và sẵn sàng đến tận bìa rừng để thu mua, trao “tiền tươi” đã khiến họ bất chấp tất cả...

Cây kim cương mà bà con nơi đây mỗi ngày săn tìm, còn gọi là cây lan gấm hay thạch tằm. Dân địa phương gọi nôm na là cây phong lan đất (loại mọc trên đất) hoặc phong lan đá (loại mọc trên đá).

Kim cương thường mọc nhiều ở trong những cánh rừng già và chỉ mọc vào thời điểm mùa mưa. Dù loại cây dược liệu quý này đã biết đến cách đây hơn 10 năm nhưng chỉ thời gian gần đây mới bị săn lùng ráo riết.

Để có được 1-2 lạng cây kim cương, họ đã phải “cày” nát cả nhiều cánh rừng già. Người nào may mắn lắm thì tìm được vài ba lạng cho cả ngày tìm kiếm. Có người tìm cả ngày chỉ được vài cây. Anh Tham và vợ - chị Y rái trú lại làng Vigơlơng xã Hiếu, cả ngày trời dầm mưa đến chiều tối chỉ gom được đúng 2 lạng bán được 200.000 đồng.

“Mấy năm trước, vợ chồng mình đi tìm được nhiều hơn nhưng năm nay tìm khó quá. Cây kim cương đâu có mọc kịp. Vợ chồng mình phải đi sâu mãi vào rừng mới tìm được chừng đó” - anh Tham nói…

Trong đoàn người có đôi vợ chồng già đã gần 60 tuổi là Đinh Hồng Gió - Y Lắc. Loay hoay tìm kiếm cả ngày dưới cơn mưa rừng xối xả, đến cuối ngày gom lại được đúng 12 cây nhỏ xíu chưa được nửa lạng. Không biết thứ dược liệu này có công năng gì, người dân nơi đây chỉ xem tìm kim cương là nghề kiếm cơm.

Chưa có liệu pháp ngăn chặn hữu hiệu

Chúng tôi tiếp cận với một chủ thu mua tên Nguyễn Thị Thu Diễm, trú tại cầu Pháp, xã Pờ Ê. Nghe nói chúng tôi muốn mua cây kim cương, Diễm đon đả, mời mọc và ra giá: Kim cương đất tươi 1,2 triệu đồng/1kg; kim cương đá 250.000 đồng/1kg. Diễm cho biết mình thu mua của người dân ở xã Hiếu và các xã lân cận lên tới vài chục kg mỗi ngày.

“Tui thu mua đến đâu, các thương lái người của ta gom hàng rồi bán sang Trung Quốc, Đài Loan đến đó. Số lượng không hạn chế, có bao nhiêu, họ mua hết bấy nhiêu”. Cứ tính mỗi ký phong lan đất lời 200.000 đồng, phong lan đá 50.000 đồng thì mỗi ngày Diễm kiếm cỡ vài chục triệu đồng… Đấy là chưa kể Diễm còn sấy khô để gửi đi Trung Quốc, Hàn Quốc bán với giá từ 10-12 triệu đồng/lạng…

Việc người dân ồ ạt, đổ xô vào rừng hái kim cương, chính quyền các xã mặc dù biết rất rõ nhưng không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Trưởng thôn Vigơlơng, xã Hiếu Đinh Xuân Rường cho biết: Trong thôn hiện có 96 hộ và tất cả cứ đến mùa mưa lại kéo nhau lên rừng, lên núi tìm cây kim cương.

“Vợ chồng mình cũng vậy, năm nào cũng đi. Chính quyền xã, huyện có nhắc nhở mình không cho người dân đi nhưng đó là cuộc sống của họ, mình không thể ngăn cản được. Với lại, người dân cả thôn đi lấy làm sao mình ngăn họ lại được" - Trưởng thôn Đinh Xuân Rường thừa nhận.

Theo Quốc Dinh
Dân Việt

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG