Lạ lùng cách tiếp cận chữa bệnh lạ

Lạ lùng cách tiếp cận chữa bệnh lạ
TP - Cứ theo kết luận mới nhất của Bộ Y tế thì bệnh lạ ở Quảng Ngãi rõ như ban ngày, chữa rất đơn giản. Chỉ cần tuân thủ phác đồ điều trị là khỏi bệnh. Tuy nhiên, bệnh kéo dài cả năm nay kể từ khi phát hiện sáu ca bệnh đầu tiên được chuyển ra Hà Nội.

 > Gạo mốc gây bệnh lạ?

Chỉ một cộng đồng dân cư ở tỉnh nghèo Quảng Ngãi đã có gần chục người chết trong tổng số gần 200 người mắc. Kết luận rất nhẹ nhàng của Bộ Y tế, dù có điều chỉnh một chút về phác đồ, có điều gì đó cần xem xét thêm.

Thứ nhất là gọi được tên bệnh mà vẫn chưa chữa dứt điểm được bệnh. Đối chiếu với chẩn đoán mà lãnh đạo Bệnh viện Da liễu Trung ương (BVDLT.Ư) trả lời Tiền Phong cách đây bảy tháng, có thể nói, hầu như không có gì mới. Tính đến cuối tuần trước, bệnh lạ vẫn được gọi tên rõ như ban ngày, “bệnh viêm lòng bàn tay bàn chân có rối loạn chức năng gan”.

PGS.TS Trần Hậu Khang, Giám đốc BV DLT.Ư dẫn chứng 40 bệnh nhân đầu tiên đã khỏi bệnh và các ca bệnh nặng đã rời Hà Nội về quê Quảng Ngãi. Cho đến tuần trước, bệnh vẫn được khẳng định không phải là bệnh lạ. Nhưng lạ là, sau có vài hôm, từ “bệnh” được chuyển thành từ “hội chứng”.

Thứ hai là về cách điều tra dịch bệnh. Từ đầu tới cuối, người ta chỉ thấy nhõn các đoàn y tế ra vào xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, mà thành phần chính vẫn là các bác sỹ điều trị ở BV Da liễu Trung ương. Sẽ không có gì phải nói nếu nguyên nhân gây bệnh đã được tìm ra và nếu bệnh đã có cách khắc chế. Nhưng khi số người mắc tiếp tục tăng và, nhất là số ca tử vong, thì không thể tiếp tục một điệp khúc của ngành y tế rằng họ đang đi đúng hướng.

Câu hỏi đặt ra là tại sao không thấy mời chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác, ngoài ngành y tế cùng vào cuộc?

Suốt từ đầu chí cuối, tại sao chỉ các chuyên gia y tế độc diễn? Liệu các bác sỹ chuyên điều trị da liễu, kể cả các chuyên gia về sức khỏe môi trường, và chuyên gia độc học ở Bệnh viện Bạch Mai, có đủ tri thức và kinh nghiệm để thu thập và xác định các yếu tố nguy cơ tại hiện trường?

Các vấn đề về hóa học, sinh học, các vấn đề thổ nhưỡng, nông học, các vấn đề về thuốc bảo vệ thực vật, về ô nhiễm công nghiệp, các điều kiện nước và không khí, v.v..., tất cả các góc tiếp cận ấy, liệu một mình ngành y tế có làm nổi?

Một nhà khoa học nói, ngay việc ngành y tế chỉ thu thập các mẫu máu và nước tiểu của bệnh nhân thôi cũng có thể dẫn đến để lọt thủ phạm gây bệnh. Đơn giản là có không ít loại chất độc chỉ tìm thấy ở các bộ phận khác của cơ thể như tóc, sừng bàn tay, bàn chân, thậm chí, chỉ có thể tìm thấy trong gan.

Ai cũng biết con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội và mối quan hệ với thiên nhiên. Việc khám chữa bệnh, vì thế, không chỉ tiếp cận và cắt khúc ở khâu điều trị bệnh của Bộ Y tế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG