Lại bàn về chuyện quốc huy: Lần thứ ba, Bùi Trang Chước…

Tranh sơn khắc của họa sĩ Bùi Trang Chước
Tranh sơn khắc của họa sĩ Bùi Trang Chước
TP - Mỗi lần được ngồi với giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (TTLTQG III), Cục Lưu trữ Quốc gia Trần Việt Hoa là khó mà dứt ra được. Không dám nói vị giám đốc nữ khả ái này khác, nhưng chốn này có lắm thứ bắt mắt níu kéo những người mê sử mê tư liệu.

Tôi đang trao đổi với giám đốc Trần Việt Hoa mối cảm kích của gia đình họa sĩ Bùi Trang Chước rằng những cán bộ của trung tâm đã bỏ rất nhiều công sức từ hồi bà quả phụ họa sĩ Bùi Trang Chước còn sống và sau này nữa, đã giúp gia đình họa sĩ trong việc sưu tầm tìm kiếm những tư liệu, vật chứng cần thiết cho hành trình nhọc nhằn “cái gì của Caesar hãy trả lại cho Caesar”. Và triển lãm mới đây khai mạc ngày 25/8/2020 do TTLTQG III phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trưng bày những phác thảo Quốc huy của họa sĩ Bùi Trang Chước đã gây tiếng vang.

Ban nãy giám đốc Trần Việt Hoa vừa chuyển cho tôi cảm tưởng của ngài Michael Croft, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam trong sổ ghi cảm tưởng triển lãm hôm ấy.

Lại bàn về chuyện quốc huy: Lần thứ ba, Bùi Trang Chước… ảnh 1 Hai chị em Bùi Trang và Minh Thủy (ngoài cùng) trong buổi khai mạc triển lãm. Ảnh: Xuân Ba

Hà Nội, ngày 25/8/2020.

Tôi rất vui mừng khi đã có cơ hội hiểu nhiều hơn về Nghệ sĩ Bui Trang Chuoc và công việc của nghệ sĩ đã dựng nên một biểu tượng đất nước Việt Nam. Đây là một câu chuyện cảm động và quan trọng mà mọi người dân, đặc biệt là giới trẻ cần phải biết. Nó ẩn chứa câu chuyện về tự do, thành tựu của nền độc lập, chủ nghĩa thực chứng và nguồn cảm hứng đang hiển hiện trong câu chuyện của nước Việt Nam ngày nay.

Ngay sau triển lãm, TTLTQG III đã xúc tiến các thủ tục theo quy định để đề nghị Nhà nước công nhận Quốc huy Việt Nam do họa sĩ Bùi Trang Chước sáng tạo là “báu vật quốc gia”.

Lúc chia tay, giám đốc Trần Việt Hoa đưa tôi tấm giấy mời in khá đẹp. Giấy mời tới dự lễ khai mạc Triển lãm Quốc kỳ, Quốc ca và Quốc huy, biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam khai mạc vào ngày 1/9/2020.

Như vậy đây là lần thứ 3, kể từ tháng 4/2004, những tác phẩm nghệ thuật trong đó có các mẫu Quốc huy của họa sĩ Bùi Trang Chước được trình làng rộng rãi bằng hình thức triển lãm tầm cỡ quốc gia, nói như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu năm nào, là “công chúng phải biết rộng rãi”.

Chợt nhớ đến những dòng cảm tưởng của bà Stella Ciorra, Phó Chủ tịch Hội những người bạn Di sản Việt Nam hôm khai mạc ở Bảo tàng Mỹ thuật.

Buổi triển lãm tuyệt vời về một trong những biểu tượng quan trọng và nổi tiếng của Việt Nam. Tôi cảm thấy thực sự tự hào mỗi lần nhìn thấy tấm Quốc huy và thực sự ấn tượng khi được biết quá trình ra đời của tác phẩm này. Xin cám ơn về một cuộc triển lãm tuyệt vời.

Tranh Bùi Trang Chước không nhiều. Ông kén đề tài chất liệu. Người họa sĩ đa tài này nổi trội ở loại hình độc đáo, tranh sơn khắc. Đáng kể là những bức “Phong cảnh vịnh Hạ Long”, “Khu gang thép Thái Nguyên”, “Thủy điện Thác Bà”, “Phong cảnh chùa Thầy” .

Tranh sơn khắc từng là loại hình nghệ thuật một thời huy hoàng của hội họa Việt Nam. Trải qua những thăng trầm và biến động, sơn khắc Việt đã dần bị lãng quên. Cho đến nay, nhiều tác phẩm sơn khắc nổi danh một thời chỉ còn trong các viện bảo tàng hoặc thi thoảng xuất hiện ở một vài cuộc triển lãm.

Lại bàn về chuyện quốc huy: Lần thứ ba, Bùi Trang Chước… ảnh 2 Mẫu tem của họa sĩ Bùi Trang Chước 

Tranh sơn khắc đòi hỏi rất kỹ về phác thảo, bố cục, cũng như mảng màu sáng tối mà màu đen của vóc là chủ đạo. Dù bức tranh khổ lớn bao nhiêu nó vẫn rất cần kỹ càng và chính xác đến từng xăng-ti-mét. Nếu sai, bức tranh sẽ gần như bị hỏng, các đường nét phải khắc họa lại từ đầu.

Tranh sơn khắc làm mất nhiều thời gian và công sức nhưng khó bán. Thời buổi làm nghệ thuật kiểu mỳ ăn liền này người ta đã quay lưng, bỏ rơi dòng tranh sơn khắc. Dài dòng một chút như thế để thấy tài năng cùng tính cách của người họa sĩ đa tài Bùi Trang Chước.

Hàng trăm hàng ngàn họa tiết cầu kỳ nghiêm cẩn nhưng không khô cứng mà uyển chuyển bay bướm trong các mảng khối cấu thành nên sắc màu, hình khối các loại tiền Ngân hàng Nhà nước, trên những cánh tem thư, các loại huân huy chương đã khiến Bùi Trang Chước tự tin chững chạc và nghiêm ngắn thăng hoa một cách thành công trên mẫu Quốc huy rất đặc thù Việt.

Vâng, sẽ không sợ sái mà nói rằng mẫu Quốc huy cùng các mẫu tiền, tem thư của Bùi Trang Chước là một loại hình một thứ chất liệu nghệ thuật… khó nhằn! Tôi để ý đến những dòng hít hà khâm phục của một nhân viên Sứ quán Nga trong cuốn sổ cảm tưởng hôm trưng bày những mẫu phác thảo Quốc huy, mẫu tiền giấy và tem ở Bảo tàng Mỹ thuật.

Xin cám ơn về sự trải nghiệm tuyệt vời này!  Biết được ai là người vẽ nên Quốc huy, khám phá những tác phẩm bậc thầy khác của ông cả và những câu chuyện về ông. Hà Nội ngày 25/8/2020.

Hiện gia đình họa sĩ Bùi Trang Chước và Hội Mỹ thuật Việt Nam đều mong Nhà nước có sự ghi nhận xứng đáng đối với người họa sĩ có đóng góp to lớn cho đất nước.  Nhưng có vẻ còn vướng ở chuyện thủ tục, chuẩn bị hồ sơ…

Chúng ta hẳn còn nhớ nhạc sĩ tài danh Phạm Tuyên khi nhận được công văn về việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đã thẳng thắn rằng, “tôi sẽ chấp hành nghiêm túc gửi bản đăng ký tác phẩm, công trình theo mẫu về Hội Nhạc sĩ Việt Nam theo quy định nhưng tôi dứt khoát không viết đơn xin giải thưởng”.

Và đến thời điểm này, chúng ta cũng chưa hiểu liệu gia đình của họa sĩ Bùi Trang Chước có phải làm đơn không khi họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội  Mỹ thuật Việt Nam cũng bộc bạch hôm khai mạc triển lãm: “Chúng tôi sẽ nói gia đình chuẩn bị hồ sơ tiếp tục gửi Hội đồng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật ở lĩnh vực mỹ thuật. Với đóng góp của cố họa sĩ Bùi Trang Chước, ông rất xứng đáng với Giải thưởng Hồ Chí Minh”.

 
MỚI - NÓNG