Lai Châu gồng mình đương đầu dịch chó dại

Lai Châu gồng mình đương đầu dịch chó dại
TP - Cùng chiến dịch phòng chống với cúm A/H1N1, Lai Châu còn gồng mình đương đầu với dịch chó dại. Đi đến đâu cũng nghe dân nói về chó dại và bệnh dại trên người do chó cắn.
Lai Châu gồng mình đương đầu dịch chó dại ảnh 1
Đội cơ động phòng dịch tiến hành thu gom tiêu hủy chó thả rông ngoài đường.

Cách đây hơn một tháng, vợ chồng anh Lù A Pao ở xã Giang Ma, huyện Tam Đường đi gieo mạ về thì bị một con chó hoang lao vào cắn. Vợ anh Pao tên Tẩn Thi Mẩy (44 tuổi) bị cắn nhiều vết vào cằm, cổ và cánh tay.

Anh Pao nhanh tay nhặt được khúc củi bên đường đập chết con chó. Mọi chuyện tưởng như bình thường khi vết thương chó cắn cũng lành miệng và lên da non.

Đến sáng 28/5, chị Mẩy được đưa vào Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Lai Châu trong tình trạng co giật, hôn mê, sợ nước, sợ gió, và có biểu hiện hung hăng dữ dằn.

Sau khi hội chẩn, các y bác sĩ xác định, chị mắc bệnh dại thể hung dữ và tử vong ngay sau đó. “Cứ tưởng không việc gì, vì những vết thương do chó cắn trên người vợ tôi đã ăn da non. Hôm qua, hai vợ chồng còn cùng nhau đi nương” - Anh Lù A Pao than thở.

Trường hợp được coi bị chó cắn đầu tiên của đợt dịch vào trung tuần tháng 3/2009 xảy ra trong gia đình ông Lý, trú tại tổ dân cư số 6, phường Đoàn Kết, thị xã Lai Châu. Con chó nuôi trong nhà ông Lý lồng lên cắn chết hai con gà, cắn em bé nhà hàng xóm, khiến em phải nhập viện, khâu chín mũi. Ông Lý cũng bị con chó cắn vào tay.

Cũng thời gian đó, con chó nuôi trong gia đình ông Nguyễn Hoàng Bát, thị xã Lai Châu, điên cuồng cắn ông Bát, cùng vợ và con gái.

Đã sơ cứu vết thương nhưng sang hôm sau, ông Bát nhận thấy trên cánh tay có vết cắn bị tê và đau buốt. Lo lắng đến tính mạng của mình và người thân, ông cùng vợ và con gái đến trung tâm y tế dự phòng tiêm vaccine phòng dại.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có bốn trường hợp tử vong vì chó dại cắn, gần 600 người đến trung tâm y tế dự phòng tiêm vaccin phòng dại vì bị chó cắn trong tâm trạng lo lắng, sợ hãi.

Quan niệm sai lầm

Ngày 27/5, Chủ tịch UBND Tỉnh Lai Châu ra Quyết định số 625 về việc công bố dịch dại ở động vật trên địa bàn thị xã Lai Châu và huyện Tam Đường.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, số nạn nhân bị chó cắn xuất hiện ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, từ thị xã Lai Châu, Tam Đường đến Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ... vẫn tiếp tục tăng.

Từ ngày 1 đến ngày 11/6, có 169 người đến đăng ký tiêm phòng bệnh dại do chó cắn tại trung tâm y tế dự phòng tỉnh Lai Châu. Điều đáng buồn là khi bị chó dại cắn, dân lại chủ quan, không quan tâm.

Khi có ca tử vong đầu tiên vì bệnh dại và chính quyền cảnh báo, dân mới đổ xô đi tiêm phòng dại. Song, nhiều người cho rằng, nếu bị chó cắn mà con chó đó chưa nhiễm vi rút dại thì tiêm phòng dại sẽ bị ảnh hưởng đến não. Trong khi giá mỗi liều vaccine khoảng 900.000 đồng nên rất tốn kém. Do đó, nhiều người tìm đến các thầy lang để chữa bệnh bằng thuốc nam.

Trường hợp hai mẹ con bà Nguyễn Thị Thanh (tổ 5, phường Quyết Thắng) là một ví dụ. Ngày 13/5, bà Thanh và con gái bị chó nuôi trong nhà cắn nhiều vết vào tay. Bốn ngày sau, con chó lăn ra chết. Khi trên địa bàn thị xã có người chết vì bệnh dại do bị chó cắn, ngày 25/5 hai mẹ con bà mới đến Trung tâm Y tế Dự phòng Tỉnh tiêm phòng bệnh dại.

Mới tiêm được hai mũi, nghe hàng xóm mách nhỏ dưới Sapa - Lào Cai có thầy lang chữa bệnh dại bằng thuốc nam rất hiệu nghiệm, hai mẹ con bà Thanh ngừng việc tiêm phòng dại để xuống Sapa tìm thầy lang chữa bệnh.

“Thầy lang khẳng định chắc chắn trong bốn ngày sẽ chữa khỏi bệnh. Hai mẹ con tôi được thầy cho uống một loại nước giã từ lá rừng, sau đó thầy cắt một miếng thịt nhỏ trên cơ thể và xát trầu không, đắp qua quýt vài hạt thuốc vẫn dùng chữa rắn cắn lên vết cắt. Thầy nói để hút virus dại ra”.

“Không riêng gì mẹ con tôi mà còn có rất nhiều người bị chó cắn đều tìm đến thầy để chữa bệnh bằng thuốc nam” - Bà Thanh nói thêm.

Mặc dù tin tưởng với bài thuốc nam của thầy lang nhưng trong bốn ngày chữa bệnh, hai mẹ con bà Thanh vẫn không yên tâm, lại quay trở về thị xã Lai Châu tìm đến Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh để tiếp tục tiêm đủ liều thuốc đang dở dang.

Cháu Lê Xuân An (ba tuổi) trú tại tổ 6, phường Quyết Thắng, thị xã Lai Châu bị chó cắn đến nay đã gần hai tháng. Gia đình không đưa cháu đi tiêm mà về tận Hải Dương nhờ thầy lang chữa trị bằng thuốc nam.

“Thầy lang nói có thể chữa được bệnh dại và chẩn đoán được ai đã mắc bệnh dại. Thầy dùng một loại thuốc nam chà lên lưng nạn nhân, nếu vùng da đó đổi màu thì nạn nhân đó đã nhiễm virus dại” - Bà nội cháu An kể lại.

Ông Đặng Xuân Hào - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lai Châu cho biết, việc tiêm chủng cho chó hàng năm đều được sự chỉ đạo của cấp trên nhưng, địa bàn tỉnh chưa bao giờ xuất hiện virus dại, hơn nữa nhận thức của dân còn nhiều hạn chế, địa bàn rộng.

Nguyên nhân nữa gây khó khăn cho công tác quản lý là toàn bộ kinh phí tiêm phòng  đều do dân bỏ ra nên rất khó triển khai. Đây cũng là lần đầu tiên Lai Châu xuất hiện bệnh chó dại, nên đa số người dân vẫn còn chủ quan và chưa ý thức được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh.

MỚI - NÓNG