Chất vấn tại UBTV Quốc hội:

Lại chuyện đường đô thị, internet

Lại chuyện đường đô thị, internet
TP - Sáng qua, 14/8, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng và Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp trả lời chất vấn các đại biểu quốc hội về hàng loạt vấn đề.
Lại chuyện đường đô thị, internet ảnh 1
Tại đường 32 (Nhổn - Sơn Tây) Ảnh: Phạm Yên

Sẽ chuyển dự án đường 32 về Hà Nội

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho biết, sẽ sớm chuyển giao Dự án đường 32 về cho Thành phố Hà Nội triển khai thực hiện.

Về dự án đường 32 (Nhổn - Sơn Tây) quá chậm, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) chất vấn: “Giải pháp sắp tới của Bộ để đẩy tiến độ là gì?”. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thừa nhận, dự án chậm chủ yếu do GPMB. Còn 150 hộ có khó khăn về tái định cư.

Ngay lúc đầu, Bộ phải chờ đợi sáu tháng, sau đó vẫn phải khởi công và làm theo kiểu có mặt bằng đến đâu, làm đến đó. Tuy nhiên, dự án sẽ vẫn chậm vì chưa có đủ mặt bằng sạch. Vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo giao tất cả cho Hà Nội, kể cả phần đầu tư xây dựng và giải phóng mặt bằng.

“Bộ sẽ bàn với Hà Nội để bàn giao toàn bộ dự án trong thời gian sớm nhất. Nếu có mặt bằng, nhà thi công hứa đảm bảo sáu tháng sẽ hoàn thành toàn bộ dự án để bàn giao” - Bộ trưởng Dũng nói.

Chất vấn tiếp về Dự án đường 32, ĐB Nguyễn Thị Hoa đề nghị Bộ trưởng đi thực tế để chia sẻ với nỗi khổ của những người chở hoa quả, trứng gà vấp phải ổ voi, ổ gà, đổ xe.

“Đường 32 là con đường khủng khiếp nhất - như báo chí đặt tên”- Bộ trưởng Dũng cho rằng, cũng có một phần trách nhiệm của Thành phố Hà Nội vì đây là đoạn thuộc nội đô. Bộ cũng đã làm việc với Hà Nội đề nghị khắc phục nhưng hiệu quả hạn chế.

“Tôi vẫn đi hàng tháng, hàng tuần từ cầu Phùng đến đây và chúng tôi cũng thấm thía nỗi khổ trên con đường này” - Bộ trưởng Dũng thừa nhận.

Năm 2009 cơ bản xong đường vành đai 3

Lại chuyện đường đô thị, internet ảnh 2

Bộ trưởng GT-VT Hồ Nghĩa Dũng

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) chất vấn: “Dự án đường vành đai 3 đang được triển khai không đúng với qui hoạch của Thủ tướng phê duyệt. Nhưng sau tám năm, Bộ Giao thông Vận tải lại quyết định điều chỉnh và sau sáu tháng mới cho dân biết?”.

Bộ trưởng Dũng nói: “Qui hoạch nút giao Thanh Xuân được Chính phủ phê duyệt từ 2001 và phải đến 2006 mới khởi động.

Thời điểm đó, lưu lượng đã tăng lên nhiều. Các giải pháp thiết kế không thể đảm bảo như phê duyệt của Thủ tướng 2001 mà phải có điều chỉnh. Hơn nữa, đối với các dự án khác, việc điều chỉnh cũng là chuyện bình thường.

Theo ủy quyền của Thủ tướng, Bộ có quyền được điều chỉnh thiết kế và chịu trách nhiệm. Về tiến độ, cố gắng hết năm nay sẽ phải xong toàn tuyến. Bộ đã tổ chức thanh tra nút Thanh Xuân, trước khi kết luận sẽ mời Thanh tra Chính phủ phúc tra.

“Nếu Bộ sai, Bộ sẽ sửa. Nếu Bộ đúng thì phải khẳng định, ủng hộ để thực hiện” - Ông Dũng thẳng thắn.

Trả lời chất vấn về một số trạm thu phí BOT hiện nay thường thu cao hơn mức thông thường 1,5 đến 2 lần, Bộ trưởng Dũng cho biết, tới đây sẽ xem xét về cơ chế đối với các dự án BOT nhằm có thể điều chỉnh giảm, tuy nhiên phải tính đến khả năng hoàn vốn cho chủ đầu tư.

Quản lý blog, Bộ có trách nhiệm

Lại chuyện đường đô thị, internet ảnh 3

Bộ trưởng Thông tin-Truyền Thông Lê Doãn Hợp

Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp cho biết, hai năm qua, Bộ tổ chức năm đợt tổng kiểm tra lớn đối với hoạt động kinh doanh internet và đã xử lý những đơn vị vi phạm.

Tán thành với ĐB Nguyễn Ngọc Đào về vấn đề quản lý game online đang bộc lộ nhiều tồn tại, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục Thanh Thiếu niên & Nhi đồng Đào Trọng Thi chất vấn: “Game quá cuốn hút trẻ em, có thể nói đã trở thành một thứ bệnh hoạn, ảnh hưởng sức khỏe một số bộ phận trẻ em. Vậy Bộ phối hợp cùng các bộ khác quản lý ra sao?”.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng, cái gì cũng có hai mặt, chỉ khi quá đi mới không tốt. “Game online có nhiều mặt tích cực đối với xã hội, gia đình chứ không phải hoàn toàn không tốt như kích thích sáng tạo trí não, giúp trẻ chơi mà không phải đi lại nhiều. Hoạt động giải trí này còn giúp tạo điều kiện sáng tạo, học tập tốt hơn. Cái không tốt là những trò chơi, dịch vụ có tính khiêu dâm, bạo lực” – Bộ trưởng Hợp nói.

Theo Bộ trưởng, tới đây sẽ tiếp tục tăng cường quản lý chặt chẽ hơn, nhất là đối với những cơ sở cung cấp dịch vụ này, trong đó có việc dùng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn.

Trả lời vấn đề quản lý blog, Bộ trưởng Hợp cho biết, internet là bước tiến ngoạn mục của loài người, là tổng kho tri thức của nhân loại, ngồi một chỗ mà biết cả thế giới. Tuy nhiên, ở đó cũng có những thông tin độc hại, vấn đề là người tiếp nhận cần “gạn đục khơi trong”, “đãi cát tìm vàng”.

Không hài lòng về trả lời của Bộ trưởng Hợp, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận phát biểu: “Các đại biểu không đến đây hỏi để nghe Bộ trưởng giải thích về lợi ích của internet. Vấn đề là trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ ra sao, sau khi đã ban hành văn bản thì kiểm tra, đôn đốc thế nào?”.

ĐB Nguyễn Hữu Đồng (Nam Định) truy trách nhiệm, Bộ trưởng Hợp thừa nhận: “Bộ chịu trách nhiệm quản lý các blog ở góc độ thương mại, kỹ thuật. Còn vấn đề an ninh thông tin thì thuộc Bộ Công an. Tuy nhiên, Bộ cũng xin nhận trách nhiệm”.

Đối với quản lý thuê bao trả trước, Bộ trưởng Hợp cho rằng, vấn đề này hoàn toàn có thể quản lý được, nhưng còn phụ thuộc việc làm dữ liệu chứng minh thư nhân dân điện tử của Bộ Công an. Sau khi có dữ liệu, hoàn toàn có thể quản lý được các thuê bao đó.

“Quy định số lượng sim được mua đối với một  người là không khả thi, vì sim vẫn bán tự do rất dễ bị lợi dụng, nhất là với  những người có động cơ không tốt”- Ông Hợp nói.

MỚI - NÓNG