Lại đề xuất tách làn riêng cho xe máy: Tốn tiền, thêm hỗn loạn!

Nhiều tai nạn từng xảy ra khi Hà Nội phân làn ô tô, xe máy trên một số tuyến phố với giải phân cách cứng hồi năm 2011. Ảnh phân làn trên phố Xã Ðàn và phố Huế: Tuấn Nguyễn ​
Nhiều tai nạn từng xảy ra khi Hà Nội phân làn ô tô, xe máy trên một số tuyến phố với giải phân cách cứng hồi năm 2011. Ảnh phân làn trên phố Xã Ðàn và phố Huế: Tuấn Nguyễn ​
TP - Dù Hà Nội đã 4 lần thất bại trong phân làn xe máy với ô tô, tiêu tốn hàng chục tỷ đồng, nhưng một báo cáo mới đây lại tiếp tục đề xuất giải pháp làm đường riêng cho xe máy, để giảm tai nạn giao thông. Với đề xuất mới này, một số chuyên gia bày tỏ lo ngại chỉ tốn tiền, không khả thi.

Ðề xuất cũ

Hồi đầu tháng 4, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có cuộc họp về Báo cáo cuối kỳ Dự án Xây dựng chiến lược an toàn giao thông (ATGT) đối với xe máy và kế hoạch hành động: Một khởi đầu Việt Nam do Quỹ Hội nhập Nhật Bản - ASEAN tài trợ thực hiện. Đáng chú ý, nhóm tác giả của báo cáo này đề xuất đưa vào luật hoặc văn bản dưới luật quy định về “làn đường riêng cho xe máy”. Nhóm nghiên cứu đánh giá, đây là giải pháp quan trọng giúp giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan xe máy. 

Theo báo cáo, hiện Việt Nam đang đứng đầu ASEAN về tỷ lệ xe máy trên tổng số phương tiện cơ giới đường bộ. Tai nạn giao thông liên quan xe máy cũng tiếp tục tăng khi số lượng xe máy tăng lên... Báo cáo này được xem là một tài liệu quan trọng giúp Bộ GTVT và các cơ quan liên quan có kế hoạch, chiến lược đảm bảo ATGT từ nay đến năm 2025 tầm nhìn đến 2030.

Chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, đề xuất trên cũng là một hướng đi để đảm bảo ATGT nhưng không khả thi. “Hà Nội từng 2 lần phân làn ô tô và xe máy trên một số tuyến phố, gần nhất là năm 2011, với chi phí cho 1 tháng đầu là 24-25 tỷ đồng nhưng vẫn thất bại. Không ai hiểu giao thông Hà Nội bằng người Hà Nội, nhưng vẫn không thành công thì các tổ chức nước ngoài vào có tư vấn cũng khó làm được”, ông Thủy nói.

Theo ông Thủy, bất cập hiện nay của giao thông Việt Nam, đặc biệt là tại các đô thị lớn là số lượng xe máy đang lớn hơn ô tô. Điều này trái ngược với các nước, khi ô tô chiếm đa số, người dân chủ yếu đi lại bằng phương tiện công cộng, xe máy rất ít, nên phân làn còn khả thi. “Với Việt Nam, nếu phân làn phải để tỷ lệ đường cho ô tô và xe máy bằng nhau, thậm chí đường cho xe máy còn phải rộng hơn đường ô tô. Do đó, các giải pháp đưa ra cần tính kỹ, tránh lặp lại các thất bại trước đó. Nghiên cứu cũng chỉ trên lý thuyết, với một số đoạn tuyến nhất định đủ chiều rộng, còn giải pháp này khó khả thi cho diện rộng. Chưa kể, tai nạn với xe máy chủ yếu xảy ra trên quốc lộ, các tuyến đường ngoài đô thị, ông Thủy nói thêm.

Chỉ làm giao thông thêm hỗn loạn, ùn tắc?

Chuyên gia giao thông - PGS.TS Phạm Xuân Mai (ĐH Bách khoa TPHCM) góp ý, hiện diện tích đường giao thông cho xe máy chiếm tới 79%. Nếu tách làn xe máy sẽ phải làm những con đường rất rộng và làn cho xe máy phải bằng hoặc lớn hơn làn ô tô. Điều đó không khả thi với quỹ đất cho giao thông hiện có. Thực tế, TPHCM có 1 số đoạn phố phân làn riêng cho xe máy, như đoạn đường Điện Biên Phủ gần ngã tư Hàng Xanh, nhưng đoạn này rộng tới 10 làn xe. Rất ít tuyến phố rộng như vậy.

“Làm đường riêng cho xe máy trong đô thị không khả thi, cả về quỹ đất lẫn tổ chức giao thông. Nếu có phân làn riêng, tại các nút giao vẫn phải để phương tiện đi hỗn hợp. Điều này thậm chí tạo thêm ùn tắc, hỗn loạn giao thông, nguy cơ tai nạn tăng thêm”, ông Mai nói. Ngoài ra, theo chuyên gia này, với thế giới, không nước nào dùng xe máy làm phương tiện đi lại chính như Việt Nam. Trong khi, xe máy có tính an toàn thấp nhất, bởi 70% số vụ tai nạn giao thông có liên quan tới xe máy.

Ngoài ra, theo ông Mai, với thói quen của người Việt, có phân làn thế nào (dù phân cách cứng hay mềm) vẫn lộn xộn, như phân làn thất bại tại Hà Nội, chỉ lãng phí. Thậm chí, việc chia làn của Hà Nội còn có nguy cơ tăng tai nạn giao thông khi phương tiện thường xuyên va chạm phải giải phân cách cứng đặt giữa đường. 

Theo các chuyên gia, giải pháp hiệu quả nhất là phát triển vận tải công cộng. Khi xe buýt, tàu điện đáp ứng được nhu cầu đi lại, người dân sẽ từ bỏ xe máy. Khi lượng xe máy ít dần, việc phân làn mới khả thi. “Hạn chế xe máy và tăng phương tiện giao thông công cộng là tất yếu, vừa giúp giảm ùn tắc, vừa giảm tai nạn. Điều này thế giới đã làm, đã chứng minh đủ rõ, Việt Nam chỉ cần bê về, không cần sáng tạo những cái lãng phí”, ông Mai nói. Các chuyên gia cũng lưu ý, không nên quá tin theo gợi ý một số chuyên gia tới từ quốc gia sản xuất xe máy, đưa ra đề xuất vì muốn bán xe máy.         

Hà Nội từng 4 lần phân làn ô tô, xe máy

Hà Nội từng 4 lần tổ chức phân làn ô tô, xe máy, gồm: Năm 2003 trên tuyến Kim Mã; năm 2006 trên tuyến Trần Khát Chân - Ðại Cồ Việt; năm 2009 trên tuyến Giải Phóng; năm 2011 trên 1 loạt tuyến phố (Trần Khát Chân - Ðại Cồ Việt, Xã Ðàn, Giải Phóng, Phố Huế, Bà Triệu, Nguyễn Trãi...)

MỚI - NÓNG