Lại đề xuất thay hộp đen ô tô: Doanh nghiệp tốn thêm ngàn tỷ đồng

Lực lượng Thanh tra Giao thông kiểm tra dữ liệu thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô Ảnh minh hoạ: ST
Lực lượng Thanh tra Giao thông kiểm tra dữ liệu thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô Ảnh minh hoạ: ST
TP - Dù có hệ thống thiết bị giám sát hành trình ô tô (hộp đen ô tô) và dữ liệu chưa khai thác hiệu quả, còn lỗi quá tải… nhưng Bộ GTVT lại tiếp tục đề xuất bổ sung, thay mới. Đặc biệt, các tính năng cần thiết như cảnh báo lái xe lại không được quan tâm tới, chỉ bổ sung tính năng có lợi cho việc xử phạt doanh nghiệp.

Xe không truyền dữ liệu cũng không biết

Trong vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên Quốc lộ 5 đoạn qua Hải Dương ngày 21/1/2019 làm 8 người trong đoàn đi bộ tử vong, xe tải gây tai nạn không truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình lên Tổng cục Đường bộ. Chủ xe tải này cũng không truyền dữ liệu hộp đen về Tổng cục Đường bộ trong cả năm 2018, nhưng không bị phát hiện, xử lý. Chỉ khi tai nạn xảy ra, Tổng cục Đường bộ kiểm tra kho dữ liệu mới phát hiện, xe tải trên trong cả năm 2018 không có bất kể thông tin hộp đen nào gửi lên Tổng cục. 

Với các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trước đó (như vụ xe container đâm liên hoàn xe máy dừng đèn đỏ ở Long An), dữ liệu hộp đen chỉ được trích xuất khi tai nạn xảy ra và mục đích chỉ để xem xét sai phạm lái xe, xử phạt sau khi có hậu quả. Trong khi đó, việc khai thác dữ liệu hộp đen chủ động hơn, cảnh báo và ngăn chặn kịp thời vi phạm của lái xe để phòng tai nạn giao thông vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Đặc biệt, chức năng của thiết bị cảnh báo lái xe khi lái xe vi phạm tốc độ, hay ngủ gật, lái xe quá giờ, vượt ẩu… vẫn chưa có. Điều này khiến việc cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp chi hàng nghìn tỷ đồng lắp hộp đen cho ô tô gặp nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, đa số ý kiến cho là lãng phí và chủ yếu để phạt doanh nghiệp, trong khi mục tiêu ngăn chặn tai nạn từ trước chưa đạt được.

Tại Trung tâm quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ, đặt tại trụ sở đơn vị, phòng có 6-7 người phụ trách giám sát thông tin các xe gửi về và lo kỹ thuật. Mỗi người một máy tính. Khi muốn kiểm tra một xe, nhân viên sẽ nhập biển số xe lên phần mềm của máy tính và thông tin về dữ liệu xe hiện ra. Chẳng hạn, với một xe khách, trên bản đồ trực tuyến thể hiện chiếc xe chạy tuyến đường nào, có điểm đầu - cuối, tốc độ, dữ liệu các ngày trước đó. Tuy nhiên, bản đồ lại không hiện được xe đó có vào bến xe hay không, do bản đồ chưa chi tiết. 

Ngoài ra, hệ thống cũng không được thiết kế chức năng tự động cảnh báo để nhân viên biết với những xe đang chạy trên đường nhưng quá tốc độ, tài xế lái quá giờ, xe không truyền dữ liệu về Tổng cục… 

Thậm chí, một số doanh nghiệp vận tải phản ánh, vẫn còn hiện tượng hệ thống giám sát hành trình ghi nhận nhầm dữ liệu, đặc biệt về tốc độ hay có đoạn đường thay đổi tốc độ khai thác nhưng hệ thống chưa kịp cập nhật, dẫn tới các dữ liệu bị sai sót…

Từ tháng 9 đến 11/2018, hệ thống phần mềm của Tổng cục Đường bộ gặp sự cố,  dữ liệu cho cả năm chưa tổng hợp xong. Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho hay, sự cố hệ thống vừa qua do máy chủ tiếp nhận dữ liệu hộp đen của tổng cục bị quá tải. Hiện dữ liệu đang được tổng hợp tiếp.

Theo lãnh đạo này, Tổng cục Đường bộ chỉ giám sát, còn việc khai thác dữ liệu, xử lý phương tiện vi phạm do sở GTVT các địa phương thực hiện. Do đó, muốn biết việc khai thác dữ liệu ra sao phải hỏi các Sở GTVT địa phương. Về cảnh báo, qua dữ liệu hộp đen truyền về, các doanh nghiệp sẽ biết lái xe vi phạm hay không.

Tốn thêm nghìn tỷ đồng, có hiệu quả?

Thực tế, tai nạn vẫn xảy ra và vi phạm không được cảnh báo, ngăn chặn. Còn giá trị dữ liệu hộp đen mang lại chỉ là phạt nguội, hoặc truy xuất thông tin khi xe đã gây ra tai nạn. Vậy nhưng, Bộ GTVT lại tiếp tục đề xuất mở rộng diện ô tô lắp hộp đen và bổ sung thêm dữ liệu hình ảnh để xử phạt về sau. 

Theo Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô (Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014), Bộ GTVT trình Thủ tướng mới đây, nghị định bổ sung quy định: Lắp đặt hộp đen với xe trung chuyển; Thêm dữ liệu thời gian lái xe liên tục; Thời gian làm việc của lái xe trong ngày; Hình ảnh hoạt động của lái xe tải từ 20 tấn trở lên, xe khách, container. Dữ liệu lưu trữ tại Tổng cục Đường bộ ít nhất 3 năm, tại các doanh nghiệp ít nhất 30 ngày. Với quy định mới này, các thiết bị hộp đen cũ đã lắp, doanh nghiệp sẽ phải thay đổi, hoặc phải lắp mới (bỏ thiết bị cũ).

Theo tính toán của đơn vị soạn thảo, sẽ có trên 340.000 ô tô kinh doanh vận tải phải thực hiện thay thế, bổ sung thiết bị hộp đen để đáp ứng yêu cầu về cung cấp hình ảnh lái xe. Với giá thiết bị hộp đen từ 4,5 đến 5,5 triệu đồng/chiếc, chi phí duy trì máy chủ và đường truyền dữ liệu khoảng 120.000 đồng/xe/tháng. Tổng chi phí lắp đặt thiết bị mới theo quy định trên khoảng 1.500 - 1.900 tỷ đồng, chi phí duy trì máy chủ và đường truyền khoảng 500 tỷ đồng/năm.

Trao đổi với PV Tiền Phong trước đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Ô tô Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết, cần xem lại việc lắp hộp đen ô tô. Thực tế việc lắp đặt hộp đen cho ô tô những năm qua chưa mang lại hiệu quả, gây tốn kém cho doanh nghiệp. Hàng nghìn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp vận tải chi ra để lắp hộp đen, nay Bộ GTVT lại “đùng đùng” đưa ra đề xuất phải thay đổi, lắp mới, tốn thêm hàng nghìn tỷ đồng là rất lãng phí.

“Bộ GTVT nên đánh giá, tổng kết việc lắp hộp đen cho ô tô thời gian qua, trước khi tiếp tục áp dụng đại trà. Việc lắp hộp đen thời gian qua chưa mang lại nhiều tác dụng với doanh nghiệp, chưa có những cảnh báo cần thiết với lái xe. Với nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng vừa xảy ra, cơ quan quản lý thấy thiếu thông tin từ hộp đen nên yêu cầu bổ sung, rồi yêu cầu doanh nghiệp phải thay toàn bộ thiết bị đã lắp đặt là rất lãng phí, thiếu trách nhiệm”, ông Liên chỉ rõ.

Theo quy định hiện hành (Nghị định 86/2014), lộ trình lắp thiết bị giám sát hành trình với ô tô thực hiện xong trước 1/7/2018. Đến thời điểm này, tất cả các ô tô kinh doanh vận tải (kể cả xe dưới 3,5 tấn) phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Với tổng số xe đang kinh doanh (khoảng 1,2 triệu xe hiện có), sơ bộ tổng chi phí các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh vận tải bỏ ra lắp thiết bị này lên tới khoảng 4.800 tỷ đồng (khoảng 4 triệu đồng cho một thiết bị/xe), chưa tính chi phí để duy trì hoạt động của số thiết bị này.

Theo số liệu của Tổng cục Đường bộ, tới tháng 10/2018, cả nước đã có hơn 1 triệu ô tô lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, chỉ có hơn 662.000 phương tiện truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ (chiếm 65,31% số phương tiện đã lắp đặt). 
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2018, các Sở GTVT đã xử lý vi phạm tốc độ qua dữ liệu thiết bị giám sát hành trình với 8.253 xe. Trong đó: Thu hồi phù hiệu và đình chỉ khai thác tuyến với 6.721 xe; Từ chối cấp phù hiệu 1.532 xe; Thu hồi giấy phép kinh doanh 8 đơn vị.

MỚI - NÓNG