Lại lo

Lại lo
TP - Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 10/6, nhiều đại biểu cho rằng, từ năm 2011, đối với các chất vấn về những dấu hiệu lợi ích nhóm trong quản lý thị trường, điều hành giá, kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Công Thương và Tài chính đều quy khá nhiều lỗi cho Nghị định 84 và nhiều lần hứa sửa đổi nghị định này để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng đến nay tiến độ sửa đổi Nghị định 84 rất chậm. Có đại biểu đã thẳng thắn đề nghị làm rõ trách nhiệm không thực hiện đúng lời hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước. 

Trước chất vấn đó, hai vị bộ trưởng đều thống nhất việc sửa Nghị định 84 là cần thiết nhằm điều hành giá xăng dầu mềm dẻo, sát thực tế hơn. Và hứa, sẽ sớm ban hành nghị định mới.

Giữ lời hứa, nghị định mới đã được hình thành và dự định sẽ được ban hành trong thời gian gần nhất. Thế nhưng, khi tiếp cận với những nội dung được coi là điều chỉnh và sửa đổi trong dự thảo mới này nhiều chuyên gia kinh tế không khỏi băn khoăn và nghi ngại. Điều lo ngại nhất đó là việc trao quyền điều hành giá cho doanh nghiệp và tinh thần điều hành giá của Bộ Công Thương. Nếu nghị định mới này được thông qua, nguy cơ giá xăng dầu tăng nhanh và liên tục là điều dễ nhận thấy.


Một thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay với công cụ điều hành là Nghị định 84 thì giá xăng dầu đã tăng 10 lần khiến cho người tiêu dùng toát mồ hôi và đã ảnh hưởng không nhỏ với nhiều ngành nghề liên quan khiến đời sống kinh tế xáo trộn không nhỏ. Nếu như những lo ngại của các chuyên gia kinh tế là có cơ sở thì tới đây tần suất tăng giá xăng dầu có thể dồn dập hơn và như thế quyền lợi của người tiêu dùng sẽ bị tác động tiêu cực hơn.

Điều băn khoăn của các chuyên gia và người tiêu dùng vẫn treo lơ lửng ấy là cơ quan nào đảm trách việc kiểm soát, giám sát giá xăng dầu? Nếu vẫn là Bộ Công Thương thì tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi tiếp tục tái diễn. Trong khi Bộ Tài chính chỉ tham gia song hành thay vì chủ trì như trước.

Lý giải băn khoăn đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết bộ này vẫn đề xuất để Bộ Tài chính chủ trì, Bộ Công Thương phối hợp như hiện nay. Tuy nhiên, đây là cơ chế liên ngành nên Bộ Công Thương chấp hành quyết định của Chính phủ. 

Một dự thảo nghị định mới hi vọng thay thế cho nghị định cũ có nhiều hạn chế bất cập xem ra đang bộc lộ cũng nhiều hạn chế và bất cập không kém. Nghị định 84 sau 3 năm không đáp ứng được yêu cầu điều hành và có nhiều hối thúc sửa đổi. Thị trường và người tiêu dùng vẫn có thể đủ kiên nhẫn chờ thêm thời gian nữa khi và chỉ khi nghị định mới thay thế đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và linh hoạt với thị trường mà yếu tố công khai minh bạch về giá được giám sát khách quan nhất.

MỚI - NÓNG