Lại nói về Bí thư Quận ủy thời @

Lại nói về Bí thư Quận ủy thời @
TP - Chờ Nhật Thành đã quá trưa mà không thấy. Đã định quay xe về nội thành thì Nhật Thành đi xe máy ở đâu về. Hóa ra cả sáng nay đồng chí Bí thư vừa đi thăm một số gia đình chính sách nhân dịp 27/7 sắp tới.

Trên tay tôi là tờ báo Tiền phong số 144 ra ngày 24/5/2007, số báo có bài phóng sự dự thi của một đồng nghiệp của tôi, nhà báo Đặng Vương Hưng. Bài phóng sự nói về một người tôi quen biết: anh Trần Nhật Thành, Bí thư Quận ủy quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

Cả bài phóng sự vẽ nên một “Bí thư Quận ủy thời @” với công nghệ thông tin hiện đại. Nhưng một chi tiết làm tôi giật mình. Bài báo viết: “Việc đầu tiên mà tôi làm sau khi nhận nhiệm vụ ở Sơn Trà một thời gian là... cho thôi việc 6 bảo vệ cơ quan.

Đó là những sĩ quan quân đội nghỉ hưu, hầu hết là CCB”. Chẳng nhẽ Trần Nhật Thành người mà tôi quý trọng lại là người có cách hành xử như thế. Nhân chuyến công tác vào miền Trung, tôi lội tới bán đảo Sơn Trà gặp lại Nhật Thành để hỏi rõ thực hư.

Bán đảo Sơn Trà hiện trước mặt tôi với một màu xanh vừa thanh thản vừa uy nghiêm. Dưới thung lũng kia là Bãi Bụt một công trường xây dựng dở dang cho một khu du lịch mới đang hình thành. Dọc các sườn núi ven biển là các làng chài, tường vôi mới. Chắc là các khu nhà dân này mới xây dựng lại sau trận bão số 6 khủng khiếp đổ bộ vào Đà Nẵng cuối thu năm ngoái.

Cái thắc mắc về một chi tiết trong bài phóng sự kia bỗng nhỏ lại trong tôi bởi trước mắt tôi bây giờ là một trong những khu vực dữ dằn của miền Trung. Mà mùa bão 2007 lại sắp sửa ập về.

Chờ Nhật Thành đã quá trưa mà không thấy. Đã định quay xe về nội thành thì Nhật Thành đi xe máy ở đâu về. Hóa ra cả sáng nay đồng chí Bí thư vừa đi thăm một số gia đình chính sách nhân dịp 27/7 sắp tới.

- Anh đọc bài báo trên Tiền phong chưa? - Nhật Thành hỏi. Tôi cười, chưa có nhận xét gì thì Nhật Thành lấy từ trong túi ra một tờ giấy khổ A4 đưa cho tôi. Hóa ra là thư điện tử của Đặng Vương Hưng.

Lá thư viết là một lời đính chính, có đoạn: “Có một chi tiết làm tôi cứ áy náy mãi, nên quyết định viết thư cho anh: Đó là đoạn nói về 6 người bảo vệ cơ quan mà quận cho nghỉ việc. Khi dự thảo lần đầu tôi đã “ngẫu hứng phóng bút” viết vậy... Do vậy tôi đã thống nhất với anh cắt bỏ chi tiết này. Nhưng do sơ suất của người làm vi tính giúp tôi, khi chuyển bản thảo đến báo đã coppy nhầm bản cũ, thành thử khi báo in ra vẫn còn chi tiết trên.

Thực tình đây là điều ngoài ý muốn, đáng tiếc bởi vì tôi cũng là một cựu chiến binh, không bao giờ có mục đích nói xấu các đồng đội của mình cả. Rất mong anh Nhật Thành và bạn đọc Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng lượng thứ”. Dưới mấy dòng ấy là địa chỉ Email: dangvuonghung@gmail.com.

Là vì bản vi tính, có địa chỉ mà không có chữ ký, tôi mở di động gọi Đặng Vương Hưng và anh xác nhận lá thư điện tử ấy là của anh. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Thì ra đây chỉ là một lỗi kỹ thuật. Nhưng dù sao thì cũng là sự cảnh báo đối với người cầm bút.

Tôi bỗng nhớ đến cái “lỗi kỹ thuật” của nhà văn đồng thời là nhà báo Nga nổi tiếng Bôrít Pôlêvôi. Lần ấy Pôlêvôi viết về gương một anh hùng Xô Viết qua tài liệu, văn bản được cung cấp, chứ không gặp người. Chỉ có một chi tiết Bôrít Pôlêvôi tưởng tượng: Sáng dậy, người anh hùng kia đứng trước gương chải đầu.

Nhà văn kể: Một người cẩn thận, tỉ mỉ như anh ta thì sáng dậy, trước khi đi làm phải chải đầu chứ sao. Tôi đâu biết ông ta đầu hói. Ngỡ khen nhau, lại hóa riễu nhau. Chỉ một chi tiết thôi mà làm cho cả bài báo sụp đổ. Ấy là Pôlêvôi, ở câu chuyện này thì khác. Nhân sự của bài báo ở ngay kề gần, sự chỉnh sửa trở nên dễ dàng.

Thôi ta xếp câu chuyện ấy lại. Tôi nói. Bây giờ mùa bão lại sắp đến rồi, hãy nói về chuyện bão lũ đã. Tôi đề nghị. Nhưng Nhật Thành vẫn còn âm ỉ câu chuyện cũ. Anh bảo, tờ Tiền phong là một trong những tờ báo anh yêu quý nhất, chỉ vì, công tác đoàn thanh niên là nghề đầu đời của ông cụ thân sinh ra anh.

Ngay từ năm 1945, cụ Trần Phú Cứ ba của Trần Nhật Thành đã làm công tác thanh niên một xã của Quảng Nam. Là con của một gia đình cách mạng nên chỗ dựa tinh thần của Nhật Thành luôn là cách mạng và kháng chiến. Quá khứ anh hùng là một điểm tựa vững chắc cho đổi mới, cho hội nhập. Thành tâm sự. Tôi lái câu chuyện:

- Thế các vị cựu chiến binh của quận mình ra sao?

Nhật Thành bảo:

- Rất tốt, anh ạ. Các cựu chiến binh quận Sơn Trà, có gì không nên không phải các cụ góp ý ngay. Như việc chúng tôi phát động thanh niên toàn quận học tập và làm theo tấm gương liệt sĩ Trần Duy Chiến, được các cựu chiến binh toàn quận rất hoanh nghênh.

Ngay trong cơn bão số 6 tháng 10 năm ngoái, các cựu chiến binh là những người gương mẫu động viên con cháu và nhiều cựu chiến binh còn trực tiếp giúp làng xóm cứu người, cứu tài sản, di dời đến nơi an toàn.

- Lần ấy, các anh đã tổ chức di dời bao nhiêu dân?

Tôi hỏi để lái câu chuyện về hiện tại. Nhật Thành trả lời:

- Bão đổ bộ vào Đà Nẵng ngày 1/10/2006. Trước đó 1 ngày, tức ngày 30/9 thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng, toàn quận Sơn Trà đã di dời 15.000 dân đến nơi an toàn. Nếu không làm được thế thì số người chết không phải là 6 mà hẳn không lường được.

Từ câu chuyện ấy, tôi được biết thêm về “Cẩm nang phòng chống bão lụt, thiên tai” theo chỉ thị của Thành ủy Đà Nẵng. Đề án của quận đã được Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt và được triển khai ngay từ đầu năm 2007.

Tôi bắt tay Nhật Thành và ngắm nhìn lại bán đảo xanh ngát một màu xanh.

Cuối tháng 5/2007

Nhà thơ Phạm Tiến Duật

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.