Lâm Đồng: Cán bộ 'bảo kê' đào đãi vàng trái phép

Lâm Đồng: Cán bộ 'bảo kê' đào đãi vàng trái phép
TP - Ngày 14/6, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa đã ra văn bản chỉ đạo Bộ chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng đào vàng trái phép.
Lâm Đồng: Cán bộ 'bảo kê' đào đãi vàng trái phép ảnh 1
Cơ quan chức năng tạm giữ máy xúc khai thác vàng trái phép

Đó là Ban CHQS huyện Đức Trọng, tổ bảo vệ và các cá nhân liên quan trong việc để xảy ra tình trạng đào đãi vàng trái phép cả ngày lẫn đêm tại bãi vàng Tà Năng (Đức Trọng), đặc biệt, làm rõ hành vi trái pháp luật của trung úy Nguyễn Văn Ro.

Công an huyện kiểm điểm làm rõ mức độ sai phạm của thiếu tá Nguyễn Hữu Vĩnh; đồng thời điều tra hành vi đưa tiền hối lộ của các chủ phương tiện và cá nhân đào đãi vàng trái phép cho cán bộ quản lý bảo vệ và cán bộ của xã Tà Năng.

UBND huyện Đức Trọng phải làm rõ trách nhiệm quản lý địa bàn, tài nguyên khoáng sản…của UBND xã Tà Năng; xử phạt các hành vi vi phạm hành chính đối với các chủ máy đào và các cá nhân thuê máy đào để khai thác vàng trái phép; tổ chức cưỡng chế đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Các hộ đã sang nhượng đất cho “cai vàng” khai thác vàng trái phép sẽ bị  thu hồi toàn bộ diện tích đất. 

Nếu như trước kia việc đào đãi vàng trái phép tại Tà Năng chủ yếu bằng phương tiện thủ công thì những năm 2006 – 2007 được cơ giới hóa bằng máy xúc, máy đào, máy bơm, máy nổ...

Trong đó, những máy hiện đại nhất là của cán bộ công an hoặc người nhà của người có chức sắc. Lúc cao điểm có tới hàng chục băng nhóm với trên 150 người  tham gia đào đãi, trong đó nhiều “cai vàng” tên tuổi như Thực, Chính (xã Đà Loan, Đức Trọng), Tùng, Khởi (Thanh Hóa), Tư (Ninh Bình),  Liên, Hương, Luyện (Nam Định)…

Tại khu vực Không K, “cai” Luyện mắc điện từ nhà dân đến hầm vàng để có ánh sáng đào đãi suốt đêm.

Muốn đặt chân vào bãi vàng khai thác thường phải nộp “lệ phí” cho một số “sếp”. Mặc dù là cháu của thiếu tá Vĩnh nhưng Quang (người quản lý và lái máy đào hiệu Kobelco) cũng phải đóng “lệ phí” 15 lần với tổng số tiền 4,5 triệu đồng cho trung úy Ro - cán bộ phụ trách trạm gác vàng sa khoáng. “Sếp” Ro cũng đã lấy của Nguyễn Văn Hùng (Đà Lâm, Đà Loan) 9,5 triệu đồng “lệ phí”.   

Ban CHQS huyện, công an và UBND xã Tà Năng được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ khu vực bãi vàng với diện tích hơn 13 ha. Thế nhưng Phó Chủ tịch xã Tà Năng Ya Tân (phụ trách mảng đất đai, tài nguyên) lại “không biết ai đã đào và đào trong thời gian nào” một hầm vàng sa khoáng ngay phía trước nhà mình ?!

Quá trình kiểm tra, truy quét, các đơn vị đã lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt 8 đối tượng mỗi người từ 10 – 15 triệu đồng. Riêng Lê Ngọc Thành còn bị tạm giữ 1 máy đào đất hiệu SUMITOMO S – 250. Thế nhưng đến tận bây giờ, các đối tượng vẫn chưa nộp phạt.

Đã thế, UBND xã Tà Năng còn để cho Thành tự ý mang phương tiện bị tạm giữ đi nơi khác… Ban ngành chức năng đã mở hàng chục đợt kiểm tra, truy quét nhưng hầu hết đều không bắt giữ được đối tượng.

Dường như lần nào các đối tượng vi phạm cũng “đón” được thông tin, kịp thời tẩu tán tang vật rồi chạy vào rừng. 

Việc đào đãi vàng đã làm biến dạng địa hình đất đai (tạo ra hàng chục hầm, hố sâu gần cả chục mét, rộng từ 30m2 trở lên) gây nguy hiểm cho người và gia súc.

Nhiều diện tích đất bị xói lở mất khả năng sử dụng. Nhiều đoạn suối Đa Queyon bị tắc nghẽn hoặc thay đổi dòng chảy gây ra tình trạng úng lụt vào mùa mưa; dòng nước đổi sang màu đỏ quạch và bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi thủy ngân nên không thể sử dụng trong sinh hoạt cũng như sản xuất.  

MỚI - NÓNG