Làm đường, 'quên' xây phố

Con đường đắt nhất hành tinh ở Thủ đô (Kim Liên - Ô chợ Dừa) có quá nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo
Con đường đắt nhất hành tinh ở Thủ đô (Kim Liên - Ô chợ Dừa) có quá nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo
TP - Vấn đề xóa nhà siêu mỏng, siêu méo, làm đường phải kèm xây phố đã trở thành tâm điểm của sự chú ý và làm nóng phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND thành phố sáng qua.
Con đường đắt nhất hành tinh ở Thủ đô (Kim Liên - Ô chợ Dừa) có quá nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo
Con đường đắt nhất hành tinh ở Thủ đô (Kim Liên - Ô chợ Dừa) có quá nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo . Ảnh: Phạm Yên

Sẽ thêm nhiều đường đắt nhất hành tinh?

Nhiều đại biểu đã lấy bài học xây dựng đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, con đường được mệnh danh là đắt nhất hành tinh với chi phí tại thời điểm xây dựng lên tới trên 800 tỷ đồng/1 km đường để mổ xẻ tình trạng làm đường nhưng quên xây phố ở Hà Nội đang có xu hướng gia tăng.

Đại biểu Vũ Đức Tân nói giải thích của Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội là không thuyết phục khi Sở này cho rằng tình trạng trên do 3 nguyên nhân là: thiếu căn cứ pháp lý, người dân không đồng thuận và ngân sách hạn hẹp.

“Tôi là người trực tiếp triển khai xây dựng tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa. Lúc đầu quy hoạch đã tính đến mở ra hai bên đường 50 mét để xây tuyến phố mới nhưng sau gặp phải phản ứng của dân nên không làm được. Một số tuyến khác trong khu vực vành đai 2 cũng rất vướng vì mật độ dân cư dày đặc”- Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Văn Hải trả lời.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng, xảy ra tình trạng như tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa vì Hà Nội không biết cách khai thác lợi ích địa tô đối với phần đất hai bên đường và nếu không quyết liệt thì tuyến phố khác chuẩn bị triển khai như Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái sẽ lại rơi vào tình trạng tương tự.

Đại biểu Trần Trọng Hanh cho rằng nghị quyết của HĐND thành phố và nhiều văn bản pháp lý về vấn đề này dường như đều không được áp dụng. “Ngay từ năm 1993 chúng ta đã đủ căn cứ pháp lý để làm những tuyến đường đẹp. Cứ tình trạng này chưa biết đến bao giờ Hà Nội mới có những tuyến đường, tuyến phố hiện đại. Tại sao Đà Nẵng làm được mà Hà Nội lại không làm được?” - Ông Trần Trọng Hanh hỏi tiếp.

Khó mấy cũng phải làm

Trước nhiều ý kiến chất vấn về tình trạng phố xá lem nhem, nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên như nấm khắp nơi, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Văn Hải khẳng định, Hà Nội có thể làm được những tuyến phố đẹp.

Ngôi nhà siêu mỏng trên đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa
Ngôi nhà siêu mỏng trên đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa . Ảnh: Phạm Yên

UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc tiếp tục hoàn thiện quy định quản lý kiến trúc hai bên tuyến đường để ban hành sớm trong quý I-2010, tạo cơ sở cho việc hình thành các tuyến đường với cảnh quan đẹp, hiện đại.

Tuy nhiên, một số đại biểu tiếp tục nghi ngờ quyết tâm này và cho rằng tình trạng hô khẩu hiệu trong xóa nhà siêu mỏng, siêu méo đã diễn ra nhiều năm. Không chỉ những tuyến phố cũ, ngay cả với những tuyến phố mới như Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến... tình trạng này vẫn đang diễn ra.

Trả lời những bức xúc của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình nhấn mạnh, xóa nhà siêu mỏng, siêu méo, xây dựng những tuyến phố hiện đại đồng bộ là việc khó mấy cũng phải làm. Ông Bình cũng cho biết thêm, xây dựng bộ mặt đô thị là quá trình và có không ít nguyên nhân mang tính lịch sử .

“Tôi mong đại biểu hiểu khách quan vấn đề. Ngay như xây nhà hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Phạm Hùng, lúc thì bảo chỉ được xây thấp tầng, lúc thì Bộ Xây dựng lại bảo được xây cao tầng. Sau mỗi quyết định ấy lại phải điều chỉnh hàng loạt, rất đau xót. Cốt nền, hạ tầng kỹ thuật của nhiều dự án được cấp trước khi Hà Tây nhập về Hà Nội bây giờ mới lộ ra lệch nhau cả mét!”- Ông Bình nói.

Đầu tư bệnh viện, trường học chậm tiến độ
Đến nay, Hà Nội đã có 18 bệnh viện tư nhân đi vào hoạt động với vốn đầu tư 882,7 tỷ đồng. 15 bệnh viện và cơ sở y tế khác với vốn đầu tư đăng ký 3579 tỷ đồng và 10 dự án đầu tư nước ngoài cũng đã được chấp thuận địa điểm và cấp giấy chứng nhận đầu tư. Về giáo dục, thành phố đã chấp thuận địa điểm và cấp chứng nhận đầu tư cho 54 dự án đầu tư trong nước với tổng đầu tư 15.704 tỷ đồng...
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG