Làm gì để có một Chính phủ mạnh?

Làm gì để có một Chính phủ mạnh?
Thế nào là một Chính phủ mạnh? Làm gì để  nhân dân VN không phải đau đớn khi chứng kiến bộ trưởng, thứ trưởng liên tiếp sai phạm trong quản lý, “đốt” tiền ngân sách?

TS Võ Trí Thành sẽ trao đổi cùng bạn đọc về vấn đề này.  Ông là một trong những chuyên gia hàng đầu về hội nhập kinh tế của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương. Ông đã từng được mời tư vấn cho nhiều dự án của Ngân hàng Thế giới.

* Thưa ông, trên thế giới, một chính phủ mạnh không bao giờ là một chính phủ tham nhũng hoặc để tham nhũng có cơ hội phát triển?

- Không một quốc gia nào trên thế giới lại không có tham nhũng. Một chính phủ mạnh luôn có cơ chế giảm thiểu tham nhũng, thất thoát. Chính phủ mạnh không phải là một chính phủ không có điểm yếu mà nó phải luôn biết tự đổi mới, vượt lên chính mình.

Bài học thành công của các nước Đông Á cho thấy để giảm thiểu được những khó khăn, tiêu cực trong quá trình phát triển, từ đó vươn tới thành công thì đất nước cần phải có một chính phủ mạnh. Cũng từ kinh nghiệm của các nước đi trước ta thấy một chính phủ mạnh phải đáp ứng được ba yếu tố. Thứ nhất, nó phải có năng lực về tầm nhìn và làm chính sách. Thứ hai, phải có bộ máy chuyên nghiệp cao. Thứ ba là phải công tâm, biết chia sẻ những lợi ích từ tăng trưởng một cách công bằng, vì sự phát triển con người nói chung.

Chính phủ của chúng ta

* Vậy theo các tiêu chí đó, Chính phủ của chúng ta mạnh hay chưa mạnh?

Làm gì để có một Chính phủ mạnh? ảnh 1
TS Võ Trí Thành

- Ở tiêu chí thứ nhất, ta đã có tiến bộ. Mặc dù quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường ở VN sinh ra nhiều khuyết tật, nhiều quá trình cải cách còn chậm nhưng những thành tựu trong hoạch định chính sách đã thể hiện được sức vóc của Chính phủ khi giúp đà tăng trưởng kinh tế của VN lên mức khá cao. Nhìn sang tiêu chí thứ hai là bộ máy chuyên nghiệp thì có thể nói ở ta vẫn yếu.

Bởi độ chuyên nghiệp liên quan đến con người, bộ máy, cơ chế vận hành và nhiều vấn đề khác nữa. Đây là một trong những điểm kém nhất của VN so với các nước khác mà ta phải cố gắng giải quyết vì nó rất quan trọng. Cái yếu của tính chuyên nghiệp thể hiện rõ trong năm năm qua, khi quá trình cải cách hành chính ở VN không thể hoàn thành, nếu không muốn nói một số điểm thất bại.

“Theo tôi, cần phải hiểu lại thế nào là một quan chức tốt. Nhiều ông khoe hay đi thực tế nhưng xuống UBND cấp dưới, được đón tiếp long trọng cũng gọi là “đi thực tế”. Gặp người dân nọ, người dân kia cũng chưa đủ. Vấn đề là phải có cách nắm được thông tin, dám đương đầu và thực tâm muốn giải quyết các thông tin ấy chứ không phải cứ đi xuống dân để chứng tỏ một thứ đạo đức rất hời hợt. Bởi cuối cùng, điều người dân mong đợi ở một ông quan là ông làm được cái gì tốt cho họ, cho xã hội”.

Còn với tiêu chí thứ ba, phải khẳng định chúng ta mạnh và có thành tựu ở một số điểm như xóa đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ... nhưng tham nhũng vẫn nặng nề. Nên có thể nói Chính phủ VN mạnh ở một số điểm, nhưng ở một số lĩnh vực cái yếu trội hơn.

* Nhiều bộ trưởng thời gian qua đã không hoàn thành nhiệm vụ để dư luận phải bức xúc hoặc để cấp dưới tham nhũng lãng phí kéo dài. Một trong những lý do khiến nhiều bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ, không kiên quyết trong công tác là do cơ chế bổ nhiệm của ta còn khép kín và trách nhiệm chưa rõ?

- Tại một thị trường tốt, tính lưu chuyển của người lao động rất cao. Áp lực mất việc với công chức, dù ở cấp nào, phải rất mạnh. Sâu xa hơn thì đúng là một trong những nguyên nhân cố hữu khiến một số công chức, kể cả cán bộ cao cấp, trì trệ là do cơ chế đào thải không năng động. Công chức thường có xu hướng đứng về phía ổn định trong khi nếu có một quyết sách đột phá sẽ làm bật lên một tiềm năng của đất nước.

Trong khi đó, trách nhiệm sau khi quyết định của các quan chức ở ta cũng chưa thật rõ ràng. Phải gắn cho được trách nhiệm vào từng hành động của bộ trưởng. Ngay sau đó là cơ chế “mở” cho văn hóa từ chức. Phải để từ chức là một việc đàng hoàng, là cách lấy lại danh dự chứ không phải “mất tất”. Với người cực chẳng đã mới từ chức thì hành động từ chức không có nghĩa là trút bỏ được trách nhiệm, chỉ là yếu tố để “khoan hồng” thôi. Thứ nữa, vai trò của Thủ tướng rất quan trọng.

Nếu một bộ tham nhũng thì Thủ tướng phải có ý kiến quyết liệt. Còn nếu xét thấy vấn đề nghiêm trọng xảy ra ở nhiều bộ thì bản thân Thủ tướng từ chức cũng là một văn hóa. Còn hiện tại, có lẽ để có sự dung hòa, xu hướng bổ nhiệm bộ trưởng không phải là ủy viên trung ương, thậm chí ngoài Đảng là câu trả lời tích cực. Và không chỉ dừng lại ở bộ trưởng, có thể để những người tài đứng vào cả vị trí phó thủ tướng nữa để giúp Chính phủ qui tụ được nhiều tinh hoa và năng động hơn.

Nói chung, trong 2-3 năm tới, cải cách bộ máy nhà nước và cải cách chế độ tuyển dụng nhân tài là vấn đề quan trọng bậc nhất, phải đi cùng với quá trình cải cách cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng...

* Theo ông, Chính phủ của ta thời gian qua nhiều lúc bị giảm sức mạnh có phải còn vì tình trạng “trên bảo dưới không nghe”?

- Cái ấy thì có và lạ là nó được nhắc đến khá nhiều nhưng vẫn còn. Bản chất của hiện tượng đó có mấy lý do. Thứ nhất là mối quan hệ giữa người thực thi và người có khả năng quyết định sinh mệnh chính trị của họ.

Tại sao sự giám sát ở PMU18 bị tê liệt? Câu trả lời sẽ rất dễ nếu giải đáp được: ai là người quyết định đến miếng cơm manh áo của các nhân viên PMU? Là Bùi Tiến Dũng hay ông cán sự Đảng? Dĩ nhiên là Bùi Tiến Dũng.

Lý do thứ hai khiến tăng tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, đó là lợi ích nhóm. Quyết định của trên mà ảnh hưởng đến lợi ích của bản thân các công chức thực hiện thì họ sẽ tìm cách làm lệch đi. Chống tham nhũng không triệt để được cũng một phần vì như thế. Lý do căn bản cuối cùng chính là do hệ thống luật lệ ràng buộc chức năng thừa lệnh, chấp hành của ta chưa rõ và chưa đủ mức răn đe.

Thủ tướng không thể quyết định sa thải ngay một ông bộ trưởng, ông bộ trưởng muốn sa thải một ông vụ trưởng, thậm chí một chuyên viên cũng không phải dễ. Nên công chức khi gặp những vấn đề nhạy cảm thường bám theo cách hiểu của mình để làm theo cách dễ, có lợi nhất. Sau đó “biến báo”, thậm chí phớt lờ cấp trên.

Làm gì để có một Chính phủ mạnh?

* Theo logic kia, để có Chính phủ mạnh, Thủ tướng nên có quyền cách chức trực tiếp các bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước Ban bí thư, trước Quốc hội. Đó cũng là cách để Đảng không bao biện công việc của chính quyền?

- Trong bối cảnh hiện nay thì đúng là vai trò của Thủ tướng phải nâng lên rất nhiều để điều hành bộ máy có hiệu quả. Nhưng hệ thống chính trị của ta có đặc thù. Phải hiểu lại phương thức và nội dung lãnh đạo của Đảng như một số phát biểu bên thềm Đại hội X. Và điều này chắc đang được xem xét giải quyết.

Còn trước mắt, theo tôi, Thủ tướng phải có quyền cách chức, thay đổi nhân sự từ cấp thứ trưởng trở xuống để bộ máy chuyên nghiệp hơn. Vai trò của ông bộ trưởng hay thủ trưởng cơ quan trong việc tuyển dụng, thanh lọc cán bộ cũng phải mạnh hơn, tránh tình trạng cứ phải đợi một người đến 60 tuổi mới đuổi được.

* Chế tài, cách chức liệu đã đủ? Để các bộ trưởng phải lao vào việc, có nên buộc các vị ấy trước khi nắm chức vụ phải có đề án hành động cụ thể để sau này còn kiểm tra, đánh giá?

- Về ý tưởng thì hay vì nhiều bộ trưởng khi mới nắm chức vụ có cái nhìn rất chung chung về lĩnh vực mình phụ trách. Có nhân viên còn nghĩ bộ trưởng không dám làm mạnh tay vì sợ bị bên dưới nó “lật”. Nên biện pháp để bộ trưởng phải chịu áp lực mạnh hơn là hợp lý nhưng phải theo trình tự chuẩn. Tức là Thủ tướng chọn bộ trưởng, ông ấy phải đưa ra các mục tiêu. Các bộ trưởng chiếu theo đó phải trình kế hoạch hành động. Phải giải trình rõ cả mục tiêu, cách làm để Quốc hội quyết. Nếu không được thì Thủ tướng phải chọn một người khác. Đó cũng là một cách hiệu quả để tăng năng lực làm việc, tăng sức mạnh của Chính phủ.

* Điều cốt yếu cần phải làm ngay là gì để có một Chính phủ mạnh như mong muốn của toàn dân?

- Một Chính phủ mạnh không bao giờ là một chính phủ tham nhũng, hoặc để cơ hội cho tham nhũng trở nên nghiêm trọng. Nên thật dễ hiểu, việc cần làm ngay bây giờ để có một Chính phủ mạnh là phải cải cách bộ máy đáp ứng nhu cầu thời cuộc, chống tham nhũng thật hiệu quả.

Đó là việc nghĩa cần làm, cũng là nghĩa vụ phải làm. Vì nó là cốt lõi của niềm tin, cứ muốn ổn định mà không làm điều ấy thì không được. Quan trọng hơn, đó là cơ sở cho sự thịnh vượng chung của toàn xã hội - một điều không ai có quyền tước đoạt hoặc làm chậm lại.

Tuổi trẻ

Thủ tướng chưa dùng hết quyền của mình?

(Phỏng vấn ông Trần Quốc Thuận, phó Văn phòng Quốc hội)

* Qua vụ PMU18 lộ ra nhiều tiêu cực ở các bộ ngành, thêm nữa lâu nay dân kêu nhiều về y tế, giáo dục... thể hiện sự điều hành, quản lý của Chính phủ còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu có phải do Thủ tướng không được chủ động về nhân sự? Thủ tướng trước Quốc hội cũng nói cái khó của mình là không có quyền bổ nhiệm, cách chức bộ trưởng?

- Thủ tướng đã khi nào đề nghị cách chức, bãi nhiệm bộ trưởng nào đâu? Đâu có nghe ông ấy nói: “Tôi từ chối, không muốn ông này, ông kia làm bộ trưởng đâu!”.

Thủ tướng nói trước Quốc hội, tưởng tượng có chuyện khó xử như thế! Nhưng trong quá trình điều hành Chính phủ, Thủ tướng có thể kiểm soát, thanh tra bất cứ bộ nào.

Thanh tra Chính phủ là công cụ của Thủ tướng. Ông có cả cơ quan kiểm toán. Lệnh một phát là họ làm tới nơi ngay. Nếu phát hiện một bộ trưởng có vấn đề thì đề nghị Quốc hội bãi nhiệm ngay. Luật qui định Thủ tướng có quyền đó!

Cho nên Thủ tướng quên một điều là ông chưa bao giờ làm hết quyền và trách nhiệm pháp luật giao cho mình.

* Theo ông, có nên giao Thủ tướng lập Chính phủ, bổ nhiệm, cách chức bộ trưởng để Thủ tướng chủ động trong điều hành và rõ cả trách nhiệm của Thủ tướng?

- Trên thực tế những thành viên Chính phủ do Thủ tướng đề xuất. Sau đó Bộ Chính trị cho ý kiến đưa ra BCH T.Ư bỏ phiếu. Chứ Đảng không áp đặt cho Chính phủ phải bầu cho bộ trưởng này bộ trưởng kia.

Theo Trần Đức Bình

Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG