​Làm gì để giảm hội họp?: Phải thay đổi cơ chế làm việc

Lãnh đạo TPHCM cho rằng, phải tiếp tục giảm họp để dành thời gian đi cơ sở.
Lãnh đạo TPHCM cho rằng, phải tiếp tục giảm họp để dành thời gian đi cơ sở.
TP - “Một năm mà tôi nhận được đến 400 giấy mời cho thấy chúng ta họp hành nhiều quá. Họp nhiều đến nỗi anh em chúng tôi hay nói vui với nhau là nghề của lãnh đạo quản lý ở ta là “nghề đi họp””, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho hay.

Thực tế câu chuyện “quá tải” họp không chỉ diễn ra ở TPHCM mà còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp. Ngay tại cuộc họp của Ủy ban Tư pháp mới đây về Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, do Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo, rất khó khăn trong việc bố trí lãnh đạo dự họp.

Lý do là bởi vào thời điểm đó, Tổng Thanh tra Chính phủ đang bận đi công tác, còn các Phó Tổng Thanh tra thì được triệu tập, tham dự các cuộc họp quan trọng khác, cũng không thể vắng mặt. Mặc dù vậy, bằng giải pháp nào đó, đơn vị soạn thảo dự án luật này vẫn bố trí được một cấp phó đến dự, để lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp.

Cách đây không lâu, trong cuộc làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng than rằng, họp quá nhiều, có tuần nhận được 40 cuộc họp, ít là 30 cuộc họp. “Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khóa trước đã từng nói: Khó nhất là cử thứ trưởng đi họp, vì họp nhiều quá”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ kể, thời còn làm, ông đã lưu trữ, thống kê tất cả các giấy mời họp, hoặc cấp trên giao đi dự họp. Có tổng cộng hơn 400 giấy mời/ năm. “Một năm mà mình nhận được đến 400 giấy mời cho thấy chúng ta họp nhiều quá. Họp nhiều đến nỗi anh em chúng tôi hay nói vui với nhau là nghề của lãnh đạo quản lý là “nghề đi họp””, ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, nguyên nhân dẫn đến họp nhiều do thể chế của chúng ta quy định chế độ làm việc tập thể, mà đã là tập thể thì cái gì cũng phải họp, họp từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Thứ hai là cơ cấu tổ chức của chúng ta chồng chéo, kiêm nhiệm nhiều nên một người phải tham dự rất nhiều các cuộc họp, từ họp tổ chức, họp Ủy ban, họp hội đồng, họp đoàn thể… “Thời buổi kinh tế thị trường, thời gian là tiền bạc mà cứ phải đợi họp để thống nhất, giải quyết thì sẽ mất đi rất nhiều cơ hội”, ông Phúc nói. 

Ông Thang Văn Phúc cho rằng, muốn giảm họp thì phải cải cách, phân cấp, phân quyền cho rõ, nhất là trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm lãnh đạo quản lý. Ai ở vị trí nào thì cứ đúng chức năng, nhiệm vụ được giao mà làm, không phải cái gì cũng đưa ra tập thể để bàn rồi lại sinh ra họp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc, lấy ý kiến, trả lời ý kiến qua hệ thống điện tử thay việc họp.

MỚI - NÓNG