Làm giàu từ một con gà

Làm giàu từ một con gà
TP - Từ một anh chàng làm thuê, trải qua nhiều thất bại, giờ đây, A Lăng Rới (30 tuổi, thôn Canol 3, xã A Xan, Tây Giang, Quảng Nam) trở thành ông chủ của trang trại chăn nuôi lớn nhất vùng núi Tây Giang với hàng trăm trâu, bò, lợn rừng, dê núi…, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

> Làng tỷ phú nhờ “bàn tay Phật”
> Cử nhân cá kiểng

A Lăng Rới
A Lăng Rới.

Gây dựng được cơ đồ hôm nay, với Rới, vốn liếng duy nhất là sức khỏe và sự chăm chỉ. Nhà nghèo, học hết lớp hai, Rới đã phải nghỉ học đi làm thuê. Ai thuê gì làm nấy, từ lên rừng làm rẫy, chẻ củi xách nước…, có lần ông chủ trả công bằng một con gà. Cả năm trời Rới không có miếng thịt cá, ăn toàn rau rừng; nhiều người xúi thịt con gà nhưng cậu nhất quyết không chịu. Hằng ngày, cậu rải thóc cho gà ăn, lót ổ ấm làm chuồng. Gà được chăm nuôi lớn dần rồi đẻ trứng. Những con gà nhỏ lại xuất hiện khiến đồng vốn của Rới dày dặn dần. “Ngày ấy, toàn ăn cơm với rau rừng, có khi hết thóc, mình phải nhịn để cho gà ăn. Nó chết thì ước mơ của mình cũng chết theo”, Rới nói.

Những con gà được quy đổi thành một con bò, cậu lại chăm chỉ mỗi buổi lên rẫy mang về bao cỏ. Có người mách nước mang bò sang Lào đổi bán, Rới lại ròng rã lội bộ mấy ngày trời, cơm đùm cơm nắm để sang được bản Tà Vàng (huyện Kà Lừm, Sê Pôn, Lào). Đổi một bò lớn, cậu lại dắt về hai, ba con bò nhỏ để chăm nuôi. Dần dà, thấy cuộc sống người dân còn thiếu thốn, Rới mang đồ ăn, muối, mỳ chính để đổi lấy gà. “Tiền mình họ không muốn lấy, tiền họ mình mang về cũng không dùng được, nhưng mang hàng hóa qua đổi thì họ mừng lắm”.

Chỉ cần gõ vài tiếng trên chiếc két sắt tự chế, A Làng Rới gọi đàn bò từ khắp nơi về lại chuồng. Ảnh: Hoài Văn
Chỉ cần gõ vài tiếng trên chiếc két sắt tự chế, A Làng Rới gọi đàn bò từ khắp nơi về lại chuồng. Ảnh: Hoài Văn.

Góp được chút vốn, Rới nói với bố vay mượn thêm cho ít nữa để đầu tư trang trại bò, dê. Nhưng do chưa có kinh nghiệm, hàng chục con dê chết bệnh. Lúc đó buồn ghê lắm, nhìn đàn dê cứ lụi dần mà xót, không còn muốn ăn uống gì, lúc nào cũng đau đáu vì sao đàn dê chết hết. Nhưng cũng chẳng biết hỏi ai, cả huyện này có thấy ai chăn nuôi lớn bao giờ mà truyền kinh nghiệm. Nhiều đêm mất ngủ, Rới lôi ra chiếc đài cát sét bỏ quên lâu nay. Có chiếc đài, ngày nào có chương trình dạy làm nông, phổ biến các mô hình chăn nuôi giỏi, cách phòng dịch bệnh, Rới trực nghe bằng hết.

Đưa bò đi xuất ngoại

Năm 2008, A Lăng Rới tìm lên trụ sở xã đăng ký mở trang trại chăn nuôi trên đồi Tơ Dui (thôn Canol 3), cam kết giữ vệ sinh và hệ sinh thái vùng đồi. Rới mượn thêm mấy thanh niên trong bản cùng dựng chuồng trại, chăn nuôi hàng chục trâu, bò, heo rừng và nhím. Cậu tính toán, bò thịt bên Lào rất được giá, bò nhỏ lại có giá rất rẻ, vậy thì mình lấy công làm lãi.

Trang trai của Rới đang nuôi gần trăm con bò, trâu, 20 con dê, 20 lợn rừng, thường xuyên phải thuê 3 - 5 người phụ giúp, có lúc cao điểm phải thuê cả chục người nuôi ăn và trả lương 1,5 - 2 triệu đồng/ tháng. Trang trại cung cấp lương thực cho 4 xã vùng cao Tr`hy, A Xan, Ga Ri và Ch`Ưm và xuất bán sang Lào. Bò được mang qua Lào khỏe mạnh, không dịch bệnh, giá cả phải chăng (6-7 triệu đồng/con) nên hầu như đợt nào cũng bán hết sớm hơn dự kiến. “Người Lào và Việt mình cũng gần gũi lắm. Mình phải giữ uy tín để còn làm ăn lâu dài”, Rới chia sẻ.

Một hôm đi làm về thì thấy một cô gái lạ ngồi trong nhà. Ba mẹ nói là mới đi “bắt vợ” cho mình ở làng bên. Mình cũng không quan tâm lắm, suốt ngày ăn ngủ ở cái chòi trên đồi. Nhưng mỗi bận về lại thấy vợ loay hoay làm việc, chân tay không lúc nào ngơi nghỉ, dần dà thấy thương, rồi yêu. Giờ thì đã có với nhau hai mặt con. Đứa nào cũng ngoan, học giỏi mà thầm cảm ơn. Nhưng nhất định phải cho mấy đứa ăn học đến nơi đến chốn chứ không bỏ ngang như mình được. Phải học, có kiến thức mới làm giàu bền vững được” - A Lăng Rới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG