Làm lễ hóa vàng mồng 3 Tết thế nào cho 'chuẩn'?

TPO - Một số quan điểm cho rằng gia chủ có thể cúng thêm 2 cây mía ngoài lễ mặn để ông bà tổ tiên chống đi cho đỡ mỏi, hoặc dùng để gánh các đồ cúng về trời.

Nguồn gốc tục hóa vàng

Theo tục lệ người Việt Nam, cứ mỗi dịp xuân về Tết đến, các gia đình lại làm cơm cúng mời tổ tiên về dự 3 ngày Tết với con cháu.

Ba ngày Tết đó là ngày 30 Tết (nếu tháng thiếu thì bắt đầu tính từ ngày 29 Tết), đến mồng 3 Tết hoặc ngày khai hạ mồng 7 Tết, là ngày cuối cùng.

Khi tiệc xuân đã mãn, con cháu lại làm mâm cơm, hóa vàng tiễn ông bà tổ tiên về âm cảnh, với mong muốn được ông bà tổ tiên phù hộ một năm an lành, nhiều may mắn. Đó là quan điểm thường thấy về nguồn gốc của tục hóa vàng.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng mục đích thực sự của việc hóa vàng là đón thần tài, thần lộc về cho gia đình.

Lễ vật cúng hóa vàng

Việc chọn ngày làm lễ hóa vàng tùy thuộc vào mỗi gia đình, nhưng chủ yếu bắt đầu từ mồng 3 đến khoảng mồng 10 Tết nguyên đán.

Lễ vật cúng hóa vàng giống như lễ cúng gia tiên: mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (bánh tét).

Ngoài ra còn có cỗ mặn (hoặc chay) với đầy đủ các món ăn ngày Tết, được bày biện đầy đặn, trang nghiêm.

Một số quan điểm cho rằng gia chủ có thể cúng thêm 2 cây mía, để ông bà tổ tiên chống đi cho đỡ mỏi, hoặc dùng để gánh các đồ cúng về trời.

Sau khi cỗ cúng đã được dâng lên và gia chủ khấn lễ xong, chờ cho tàn một tuần hương, tức là những nén hương thắp lên cháy quá 2/3, thì gia chủ bắt đầu tiến hành hóa vàng.

Việc hóa vàng nên được thực hiện ở sân hoặc một góc vườn sạch sẽ. Phần tiền, vàng của gia thần hóa trước, tiền vàng, đồ dùng của tổ tiên hóa sau. Vàng mã dành cho người mới mất được hóa riêng.

Cuối cùng, gia chủ lễ 3 vái, xin gia tiên phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, bình an rồi xin phép hạ lễ cho con cháu thụ lộc.

MỚI - NÓNG