“Làm luật” ở bến xe Mỹ Đình

“Làm luật” ở bến xe Mỹ Đình
Nếu chỉ tính bình quân mỗi xe xuất bến phải chi 50 ngàn đồng, mỗi tháng tiền “làm luật” tại bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) lên đến cả tỉ bạc.

Giáp và sau Tết Kỷ Sửu, nhiều chủ xe, tài xế chạy xe tại bến Mỹ Đình gửi đơn phản ánh về việc mỗi lần làm thủ tục xuất bến đều phải “làm luật” với nhân viên ở các phòng như điều độ, trưởng ca, đóng dấu... Nếu không, xe sẽ không được cấp lệnh xuất bến đúng giờ, hoặc bị gây khó dễ bằng đủ cách.

“Việc xe không được cấp lệnh xuất bến đúng giờ cũng đồng nghĩa với việc bị hủy tài, bị khách la ó, phản đối, bến sẽ căn cứ vào đó để xem xét xử lý. Nếu có “chạy” bảo vệ cho xe ra đúng giờ mà không có lệnh thì trở thành xe dù, cảnh sát giao thông xử lý rất nặng”, một nhà xe bức xúc.

Cũng theo phản ánh của các chủ xe và tài xế, tiền “làm luật” mỗi lần xuất bến tại mỗi phòng từ 5-10 ngàn đồng, cộng lại mỗi chuyến từ 50-60 ngàn đồng. Mỗi ngày, bình quân tại bến xe có từ 700 – 800 đầu xe xuất bến về các tỉnh lân cận Hà Nội, tính ra số tiền “làm luật” tại bến xe lên đến 35-40 triệu đồng.

PV đã nhiều ngày có mặt tại bến xe Mỹ Đình, trực tiếp gặp nhiều chủ xe, tài xế để xác minh thông tin từ đơn thư tố cáo. Khi được hỏi về tình trạng chung chi “ngầm”, hầu hết các nhà xe đều khẳng định là có.

Anh Trần Văn H., chủ xe tuyến Mỹ Đình – Hòa Bình, bức xúc: “Tôi chạy ở bến xe này đã 3 năm và mỗi ngày dù có khách hay không, ngoài nộp tiền phơ (phí) cho bến xe 60 ngàn đồng, chúng tôi còn phải nộp “luật” cho nhân viên của bến ít nhất là 40 ngàn đồng/chuyến”.

Còn ông B.H., chủ xe chạy tuyến Mỹ Đình – Phú Thọ gần hai năm qua nói thẳng: “Nếu chúng tôi không đóng “luật” thì coi như phải bỏ bến. Nhà tôi có hai xe vào bến này, ngoài tiền lệ phí có hóa đơn, mỗi tháng chúng tôi phải tốn thêm trên dưới 3 triệu đồng tiền “luật ngầm” cho những nhân viên ở đây”...

Miệng quát, tay vơ tiền

Sau khi xác minh, PV quyết định thâm nhập các phòng của bến xe để mục sở thị cảnh chung chi. Một buổi trưa cuối tháng 2/2009, bến xe Mỹ Đình náo nhiệt, khách đến và đi khá đông nên cánh xe ôm vào tận bên trong nhà chờ để bắt khách.

Bên trong sân đỗ của bến có khoảng vài chục xe được đánh lên khu chờ để chuẩn bị xuất bến, các phụ xe như con thoi vào ra các phòng điều độ, phòng thu ngân, phòng ký lệnh và phòng đóng dấu để làm thủ tục xuất bến. Mỗi phòng đều có 1-2 nhân viên làm nhiệm vụ.

12 giờ 15 phút, khi nhìn thấy một phụ xe chạy tuyến Mỹ Đình - Hòa Bình vừa đi vừa kẹp tờ 10 ngàn đồng vào quyển sổ nhật trình hướng đến phòng điều độ, chúng tôi bám theo.

Lách người qua cánh cửa phòng hé mở, bên trong có vài phụ xe đã hoàn tất thủ tục, vội vã đi ra ngoài nhường chỗ cho phụ xe mới vào “làm thủ tục”. Khi nhìn thấy tay phụ xe kẹp tờ bạc 10 ngàn đồng phía trên quyển sổ nhật trình mà không vo viên vào tay (như thường lệ), một nhân viên đeo kính khoảng 50 tuổi rất nhanh đưa tay trái quơ lấy tờ 10 ngàn đồng rồi dúi sang cho một nhân viên trẻ măng ngồi bên cạnh, miệng quát lớn: “Đưa tiền thế này à?”.

Xong, ông này thản nhiên ngồi viết tên lái xe vào lệnh xuất bến rồi đưa trả phụ xe. Còn nhân viên trẻ nhận tờ 10 ngàn đồng nhanh tay đút ngay vào túi quần.

Ở quầy bán vé, phụ xe này cũng phải nộp 5 ngàn đồng cho nhân viên bán vé để được xác nhận đã qua phòng vé kiểm soát, dù tay phụ xe than không bán được vé nào!

Còn tại phòng thu ngân, theo quy định mức thu đối với xe 29 chỗ là 60 ngàn đồng, nhưng phụ xe vẫn phải nộp 65 ngàn đồng cho nhân viên thu ngân, rồi chạy vội vào phòng trưởng ca.

Ông trưởng ca khoảng trên 40 tuổi (không đeo bảng tên) nhét vội tờ 10 ngàn đồng phụ xe kẹp trên sổ vào ngăn bàn, trước khi đặt bút xác nhận cho nhà xe... 

Chưa hết, để hoàn chỉnh một lệnh xuất bến, phụ xe còn phải chạy đến phòng đóng dấu. Tại đây có hai nhân viên làm nhiệm vụ và phụ xe phải 2 lần móc bóp lấy 20 ngàn đồng đưa cho hai nhân viên này, gọi là “tiền đóng dấu”.

Tổng cộng trong thời gian 15 phút, phụ xe phải “làm thủ tục” tại 5 phòng và chi ra 110 ngàn đồng, trong đó số tiền có hóa đơn là 60 ngàn đồng (tại phòng thu ngân), số còn lại là tiền “làm luật”. Nhưng đó chưa phải con số cuối cùng, khi xe ra đến cổng bến, phụ xe lại phải lật đật chạy xuống dúi cho nhân viên bảo vệ 5 ngàn đồng.

Giữ lệnh để vòi tiền

Vài ngày sau, chúng tôi lại bám theo một phụ xe (loại xe 24 chỗ) chạy tuyến Mỹ Đình - Phú Thọ để ghi hình. Phụ xe này không kẹp tiền khi vào phòng điều độ. Vì vậy, dù đã viết xong lệnh nhưng nhân viên phòng này không trả lại, mà ngồi cầm lệnh và... chờ.

Hiểu ý “đồng nghiệp”, nhân viên ngồi bên cạnh (khoảng trên 50 tuổi, đeo kính trắng), đưa tay ngoắc ngoắc ra hiệu cho phụ xe. Biết không thoát, phụ xe đành phải móc ra tờ 10 ngàn đồng rồi “tiền đưa, lệnh trao”.

Điệp khúc chung chi vẫn tiếp diễn ở phòng bán vé (5 ngàn đồng); phòng thu ngân (mức thu 55 ngàn đồng cho xe 24 chỗ nhưng phụ xe vẫn phải đưa cả 60 ngàn đồng mà không hề nhận được tiền trả lại)... Đến phòng trưởng ca, viên trưởng ca điềm tĩnh nhét tờ 10 ngàn đồng vào ngăn bàn rồi mới ký lệnh cho nhà xe. Đặc biệt hơn cả là ở phòng đóng dấu. Vẫn 2 nam nhân viên làm việc. Thấy phụ xe đưa lệnh nhưng “quên” không đưa tiền, nam nhân viên tay phải cầm con dấu nhịp nhịp, còn tay trái ngoắc ngoắc ra hiệu và... chờ. Đến khi cầm trong tay tờ 10 ngàn đồng phụ xe đưa, nhân viên này mới đóng mạnh con dấu vào tờ lệnh xuất bến và đưa sang cho một nhân viên ngồi kế bên kiểm tra, vào sổ.

Và, “điệp khúc” tay cầm tờ lệnh, tay (đang cầm một xấp tiền) ngoắc ngoắc lại tái diễn. Phụ xe làm bộ không biết, cãi “vừa đưa rồi”, thì được giải thích “đấy là tiền đóng dấu”. Vội vàng móc ví lấy tiếp tờ 10 ngàn đồng đưa cho nhân viên bến xe, phụ xe này mới nhận được tờ lệnh xuất bến...

Theo ghi nhận của PV, tại mỗi phòng làm việc của bến xe đều có treo tấm bảng ghi nội quy của bến: “Nghiêm cấm CB - CNV đang thi hành nhiệm vụ thu tiền trái quy định của lái, phụ xe dưới bất cứ hình thức nào”. Thế nhưng, vì sao việc “làm luật” vẫn diễn ra trắng trợn trong một thời gian dài?

Điều tra của Hoài Nam
Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.