Làm năng lượng sạch: Vì sao vẫn án binh bất động?

Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình làm việc với Tỉnh uỷ Ninh Thuận.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình làm việc với Tỉnh uỷ Ninh Thuận.
TPO - Cần một số chính sách để tạo sự phát triển đột phá, xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng sạch của cả nước; Tỉnh cần phối hợp với Bộ Công thương sớm xây dựng Đề án thực hiện chính sách thí điểm về giá điện gió, điện mặt trời trình Chính phủ phê duyệt.

Đó là gợi mở tại cuộc làm việc với Tỉnh ủy Ninh Thuận ngày 18/9 do Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương - Nguyễn Văn Bình chủ trì.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Ninh Thuận có vị trí thuận lợi với tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,1m/s, ở độ cao 65m và mật độ gió từ 400-500W/m2 trở lên, cao nhất trong khu vực phía Nam; tốc độ gió mạnh nhất trong năm từ 18-20m/s (ở độ cao 12m). Toàn tỉnh hiện có 14 vùng gió tiềm năng, khoảng 8.000 ha, tập trung chủ yếu ở 3 huyện Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc. Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn đến năm 2030, xác định tiềm năng phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận gồm 05 khu vực với tổng diện tích 21.432 ha, tổng công suất dự kiến 1.429 MW, khả năng khai thác đến năm 2030 khoảng 2.500 MW với sản lượng 5.475 triệu kWh. 

Về điện mặt trời, Ninh Thuận là tỉnh có tiềm năng về năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước, có độ cao mặt trời lớn, thời gian chiếu sáng dài và đồng đều nên có điều kiện tiếp nhận hàng năm một lượng bức xạ mặt trời rất lớn. Tuy nhiên, trong những năm qua, dù đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư nhằm đẩy mạnh phát triển ngành năng lượng sạch cũng như về công nghiệp chế biến, nông lâm - thủy sản, du lịch nhưng kết quả dường như vẫn nằm ở mức độ ”tiềm năng”. Vậy đâu là nguyên nhân?

 Về năng lượng tái tạo, đến nay, mới chỉ có 3 dự án đã khởi công (dự án nhà máy điện gió Công Hải, Trung Nam và Mũi Dinh). Nhìn chung, hầu hết các dự án triển khai rất chậm so với tiến độ quy định trong giấy chứng nhận đầu tư. Ngoài việc Ninh Thuận chưa có những chính sách đột phá trong phát triển năng lượng tái tạo thì một trong những nguyên nhân lớn nhất, mang tính quyết định đó chính là vấn đề giá bán điện chưa thỏa mãn các nhà đầu tư!

Làm năng lượng sạch: Vì sao vẫn án binh bất động? ảnh 1

Tạo đà phát triển

Bao trùm lên tất cả, không chỉ ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp - nông thôn mà còn tác động tiêu cực tới các ngành kinh tế khác đó chính là vấn đề nước. Hơn chục năm nay, hạn hán, thiếu nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt, an sinh xã hội của nhân dân Ninh Thuận, đặt ra cho Ninh Thuận phải giải bài toán đầu tư hệ thống thủy lợi, đầu tư liên thông các hồ chứa nước. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và tỉnh Ninh Thuận cần sự phối hợp rà soát làm tốt công tác quy hoạch phát triên nông nghiệp, đặc biệt hệ thống hồ đập cùng hệ thống điều hòa kết nối giữa các hồ để phòng chống hạn hán, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sinh hoạt và ổn định đời sống của nhân dân.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban kinh tế Nguyễn Văn Bình,  đã gợi mở cho Ninh Thuận một số chính sách để tạo sự phát triển đột phá, xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng sạch của cả nước. Ông Bình cũng đề nghị Tỉnh phối hợp với Bộ Công Thương sớm xây dựng  Đề án thí điểm về giá điện gió, điện mặt trời trình Chính phủ phê duyệt để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư và đưa các dự án đã đăng ký đi vào hoạt động, góp phần giải quyết tình trạng thiếu năng lượng của cả nước trong thời gian tới.

Bên cạnh việc ủng hộ sớm ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ cho các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó có Đề án về “Cơ chế đặc thù hỗ trợ xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội tổ chức sản xuất, ổn định đời sống nhân dân tỉnh Ninh Thuận”, đặc biệt, yêu cầu trong thời gian tới luôn có sự trao đổi, phản hổi giữa Trung ương và địa phương, giữa các bộ ngành, trên cơ sở đó tháo gỡ những ách tắc,giúp Ninh Thuận kết nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, đẩy mạnh phát triển về du lịch, nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.

Để khuyến khích phát triển điện gió tại Việt Nam, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ các dự án điện gió nối lưới với giá mua khoảng 7,8USDCent/kWh kèm theo một số ưu đãi về thuế và phí. Tuy nhiên, từ khi quyết định này có hiệu lực đến nay giá điện gió vẫn chưa được thay đổi, trong khi đó đầu tư điện gió ở Việt Nam có chi phí đầu tư lớn, thiết bị phải nhập khẩu, cơ sở hạ tầng yếu, thiếu chuyên gia..., dẫn đến các nhà đầu tư không mặn mà, nhiều dự án ”án binh bất động”!

MỚI - NÓNG