Lạm phát và giá cả bị chất vấn

Lạm phát và giá cả bị chất vấn
TP - Trong phiên chất vấn thí điểm lần đầu tiên tại phiên họp của UBTVQH hôm qua, 28/3 phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh về vấn đề giá cả và lạm phát được quan tâm nhất và cũng chiếm thời gian dài nhất.
Lạm phát và giá cả bị chất vấn ảnh 1
Giá cả đang leo thang chóng mặt - A.Phạm Yên

Đến hai lần Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cùng “chia lửa” trả lời những chất vấn của đại biểu QH về lạm phát, tiền tệ.

Bộ trưởng Tài chính: “Điều hành của Chính phủ không sai”!

Sau gần 30 phút giải trình về  nguyên nhân giá cả tăng cao, và các giải pháp kiềm chế lạm phát cùng biện pháp vĩ mô trong quản lý doanh nghiệp hậu cổ phần hóa, phần trả lời trực tiếp các chất vấn của Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh kéo dài 1 giờ rưỡi.

ĐB Hồ Quốc Dũng (Bình Định)  mở đầu: “Tại kỳ họp Quốc hội tháng 11/2007, Chính phủ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI thấp hơn tốc độ  tăng trưởng GDP, nhưng thực tế đã tăng tới 12,63%, tại sao? Do công tác dự báo, hay sa vào bệnh thành tích? Bộ trưởng nêu nguyên nhân giá cả và lạm phát cao toàn thấy khách quan, vậy có nguyên nhân chủ quan do chỉ đạo điều hành tiền tệ của Chính phủ không?”.

Khá bình tĩnh, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trả lời ngay: “Lạm phát cao hơn tăng trưởng năm 2007, có nguyên nhân do dự báo đánh giá tình hình không sát thực tiễn, không lường được những đột biến như giá dầu thế giới chẳng hạn,  nên những giải pháp đề ra chưa kịp thời, chưa sát.

Trong điều hành chính sách tiền tệ, dự báo tăng trưởng tín dụng chỉ 35-40% nhưng thực tế lên đến 53%. Chúng tôi cũng xác định việc thực hiện không đạt mục tiêu lạm phát thấp hơn tăng trưởng  năm 2007 là đã không thành công, là khuyết điểm”.

Lạm phát và giá cả bị chất vấn ảnh 2
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh

Về lý do tại sao không nêu nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng Ninh nói “ở đây tôi chỉ báo cáo tình hình quý I/2008 nên không đề cập chứ không phải né tránh gì cả”. 

Theo ông Ninh, nguyên nhân chủ quan là có, đó là việc Nhà nước chủ động điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường nên có tác động đến giá cả và lạm phát.

“Chưa ai nói quý I/2008 Chính phủ điều hành yếu kém cả! Khó khăn hiện nay cũng là khó khăn toàn cầu. Tôi khẳng định đến giờ phút này chưa thấy biểu hiện nào Chính phủ điều hành sai cả”- Ông Ninh nói.

“Tất cả chính sách tiền tệ, tín dụng đều đã làm quyết liệt, vừa rồi chứng khoán có vấn đề buổi sáng, thì buổi trưa Chính phủ họp để quyết định ngay giải pháp”-Ông Ninh chia sẻ.

“Chính phủ đã rất nỗ lực nhưng hình như làm chưa trúng nên lạm phát mới cao nhất khu vực? Đến lúc nào thì  ta sẽ kiềm chế được lạm phát?”- ĐB Nguyễn Hữu Cường (Nghệ An) tiếp tục truy vấn.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thừa nhận việc tăng lương đầu năm, rồi tăng giá xăng dầu vào thời điểm nhạy cảm… đã có tác động đẩy giá tiêu dùng lên cao, nhưng ông khẳng định lại, các định hướng điều hành tương đối phù hợp, bắt đầu có tác động tốt đến nền kinh tế.

CPI tháng 3 dù bị tác động ghê gớm nhưng đã thấp hơn tháng 2. “Kiểm soát lạm phát không phải ngày một ngày hai thực hiện được. Tôi nói và các chuyên gia kinh tế thế giới cũng đã dự báo, cuối năm 2008, đầu năm  2009 mới ổn định được lạm phát, trở lại chiều hướng tốt lên. Chính phủ vừa bàn 3 ngày vừa rồi và sẽ trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng và mức lạm phát, báo cáo công khai phương án điều hành” - Ông Ninh khẳng định.

Trả lời chất vấn việc điều hành thuế sao lại “nhấp nhổm”, năm 2007 giảm thuế nhập khẩu ôtô, nhưng vừa qua lại tăng? Bộ trưởng Ninh cho rằng “đấy là điều hành linh hoạt”.

“Điều hành chính sách thuế phải linh hoạt, hằng tháng. Để giảm nhập siêu, sắp tới, thuế ôtô có thể tăng nữa, thuế linh kiện ôtô cũng sẽ tăng. Hiện chưa đến 1% dân số đi ô tô”-Ông Ninh nói. 

Bộ trưởng NN&PTNT: “Khống chế mức xuất khẩu gạo là cần thiết!”

Về tình hình giá cả vật tư phục vụ nông nghiệp tăng, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã giải trình các nguyên nhân tăng giá là do: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý, xăng dầu… phần lớn hoặc toàn bộ đều phải nhập khẩu theo cơ chế thị trường trong khi giá thế giới tăng.

Lạm phát và giá cả bị chất vấn ảnh 3
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát

Điều đó cộng thêm với thiên tai, dịch bệnh trong nước làm cho giá thành sản xuất nông nghiệp tăng cao. Giá thành sản xuất lúa đã tăng gần gấp đôi và chi phí đánh bắt hải sản đã tăng rất cao do xăng dầu tăng.Nhưng do giá cả tăng thì sản xuất lúa ở ĐBSCL hiện có lợi nhuận hơn 12,5 triệu đồng/ha, tăng 2 triệu so với năm 2007. 

Tiếp thông tin này, ĐB Danh Út (Kiên Giang) chất vấn: “Cứ vào vụ thì giá phân bón, thuốc trừ sâu tăng, TCTy vật tư nông nghiệp của Bộ nhập khẩu mặt hàng này thì có việc bán lòng vòng góp phần đẩy giá lên. Có giải pháp nào khắc phục? Nông dân ĐBSCL năm nay đang  trúng mùa và trúng giá, nhưng sao Chính phủ lại hạn chế xuất khẩu gạo làm giá gạo lại tụt xuống bất lợi cho nông dân?”.

Bộ trưởng Phát  trả lời rằng vật tư nông nghiệp  mà các doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh theo cơ chế thị trường, tuy nhiên Nhà nước vẫn kiểm soát  sao cho không để sốt giá. “Đúng là vừa qua có một số doanh nghiệp nhập về bán sang tay. Nhưng không vì việc đó mà gây sốt giá ảnh hưởng đến nông dân. Bởi mặt bằng giá là theo cơ chế thị trường, muốn bán cao hơn sẽ không được thị trường chấp nhận” - Ông Phát nói.

Riêng về việc khống chế lượng gạo xuất khẩu, ông Phát nói rõ: Nhu cầu tiêu thụ gạo trong nước là 7 triệu tấn/quý, năng lực xuất khẩu gạo của ĐBSCL là 2 triệu tấn trong quý này.

Trong quý I, giá gạo thế giới tăng cao, nếu thả ra theo cơ chế thị trường thì do mua vét để xuất khẩu, giá gạo trong nước sẽ bị đẩy lên quá cao và như thế bộ phận người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa không sản xuất được gạo sẽ không chịu nổi, vả lại sẽ góp phần gia tăng thêm lạm phát.

Bởi vậy, Chính phủ thấy cần phải kiểm soát xuất khẩu (từ nay đến  hết quý III chỉ xuất khẩu 3,5 triệu tấn; hiện đã xuất được 900 ngàn tấn).

“Khống chế lượng gạo xuất khẩu để duy trì  giá gạo ở mức khá  vẫn có lợi cho người trồng lúa và phải ổn định xã hội”-Ông Phát khẳng định.

Chánh án TANDTC: “10%  số thẩm phán có năng lực yếu kém”

Đến 15/3, ngành tòa án thiếu 566 thẩm phán (TANDTC thiếu 4; cấp tỉnh thiếu 121, cấp huyện thiếu 441), và từ nay đến năm 2010 để đáp ứng định mức xét xử, mỗi năm trung bình ngành này phải bổ sung thêm 1.000 người (trong đó có 450 thẩm phán).  Đó là thực trạng đội ngũ của ngành mà Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đưa ra trong trả lời chất vấn. 

Lạm phát và giá cả bị chất vấn ảnh 4
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình

Điều đáng báo động là do thu nhập thấp, một loạt thẩm phán và cán bộ có trình độ và học vị cao (thạc sĩ, tiến sĩ) đã thôi việc ra ngoài làm luật sư, doanh nghiệp, công ty nước ngoài; trong khi chưa có cơ chế thu hút nhân lực có trình độ vào ngành.

“Chảy máu chất xám, thiếu hụt, yếu kém về nguồn nhân lực có trình độ trước mắt và lâu dài càng trầm trọng hơn, mà tự thân ngành tòa án khó có thể giải quyết được ”- Ông Bình nói.

Hiện số thẩm phán chưa có bằng cử nhân luật  vẫn còn chiếm 5%; đồng thời qua rà soát (trên cơ sở án bị hủy, sửa nghiêm trọng do lỗi chủ quan) thì có tới 10% thẩm phán năng lực yếu kém!

“Thiếu thẩm phán là chuyện đã 10 năm nay, có nguyên nhân từ việc tạo nguồn, vậy ngành tòa án có giải pháp nào để tạo nguồn?”- Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Phạm Quý Tỵ chất vấn.

“Trước mắt chúng tôi chọn đào tạo số thẩm tra viên, thư ký tòa án  đủ điều kiện đưa đi đào tạo chức danh tư pháp rồi bổ nhiệm. Nhưng quy trình bổ nhiệm thẩm phán rất gian nan nên không thể ngày một ngày hai được”-Ông Bình nói.

Theo ông Bình, TANDTC đã phối hợp với các địa phương để giới thiệu luật sư, cán bộ tư pháp  đủ điều kiện trở thành thẩm phán là tòa án tiếp nhận đưa vào kế hoạch đào tạo, bổ nhiệm.

“Nhưng về lâu dài thì khó khăn vì sinh viên luật tốt nghiệp không vào ngành do thu nhập thấp, muốn có nguồn phải có chính sách chế độ tốt để thu hút được họ, phải tạo được hình ảnh của thẩm phán đủ hấp dẫn  thu hút người trẻ. Phải có trường đại học thuộc ngành để đào tạo thẩm phán”-Ông Bình tha thiết đề nghị.

MỚI - NÓNG