Làm rõ nguồn gốc bất động sản của một cựu sếp PMU 18

Làm rõ nguồn gốc bất động sản của một cựu sếp PMU 18
Thời gian qua, Cơ quan điều tra đang làm rõ nguồn gốc khu trang trại của ông Đỗ Kim Quý, một sếp của PMU 18 đã về hưu trước khi vụ việc “con bạc triệu đô” Bùi Tiến Dũng bị vỡ lở.
Làm rõ nguồn gốc bất động sản của một cựu sếp PMU 18 ảnh 1
Trang trại của ông Đỗ Kim Quý

CQĐT  đã liên tục triệu tập ông Lê Tiến Thông, người đã môi giới cho nhiều sếp của PMU 18 mua đất làm trang trại trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Xây biệt thự không cần phép

Năm 2001, ông Đỗ Kim Quý, khi ấy là Phó tổng giám đốc PMU 18, nhờ Lê Tiến Thông, Giám đốc Công ty xây dựng Thái Bình ở Hải Dương, tìm mua hộ 2,8 ha đất làm trang trại ở khu vực núi Phượng Hoàng, xã Văn An, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông Quý bỏ tiền xây khu biệt thự rộng trên dưới 100m2 mà không xin phép.

Sau đó, cả Nguyễn Nhật Anh (con rể nguyên Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến) và ông Phạm Văn Thịnh (bố bị can Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng kế hoạch PMU 18), cũng mua đất tại đây. Riêng diện tích đất hơn 7 ha của Nhật Anh, có nghi vấn cho rằng chữ ký của Nhật Anh trong hồ sơ là chữ ký giả. Việc này đang được xác minh làm rõ.

Ông Nguyễn Hữu Thơ, Giám đốc Ban quản lý (BQL) rừng Hải Dương cho biết: "Theo Quyết định 178 của Chính phủ ban hành ngày 12.11.2001, người trồng rừng được phép làm nhà không quá 200m2, được đào ao, làm chuồng trại chăn nuôi. Văn bản đó cũng không quy định rõ là nhà mấy tầng, nhà kiểu gì. Tuy nhiên, có quy định chủ nhận rừng phải làm văn bản xin phép BQL rừng, được sự đồng ý bằng văn bản của BQL, sau đó người nhận trông nom bảo vệ rừng, như ông Quý, phải trình văn bản chấp thuận cho xây nhà lên UBND xã sở tại.

Khi xây nhà, ông Quý không xin phép BQL rừng, cũng không thông qua chính quyền xã sở tại. Theo đo đạc của chúng tôi thì diện tích mặt sàn khu nhà của ông Quý là 112m2, bể bơi rộng 40m2 và 1 gara ô tô rộng 35m2 liền với gian chứa dụng cụ sản xuất".

Theo lời ông Thơ, năm 2002, khi ông Quý mới xây xong phần móng, BQL rừng đã lập biên bản tạm đình chỉ xây dựng và có báo cáo gửi Sở NN&PTNN và UBND huyện Chí Linh. Các cơ quan trên chưa xử lý, ông Quý vẫn tiếp tục xây.

Tháng 8/2004, BQL rừng Hải Dương lại lập biên bản tạm đình chỉ, ông Quý còn "cãi" là theo hợp đồng thì ông được xây nhà. sau đó, ông vẫn phải ký vào văn bản, BQL rừng lại làm báo cáo lên Sở NN&PTNT và UBND huyện. Song lãnh đạo sở, huyện, vẫn chưa có động thái gì nên ông Quý vẫn tiếp tục cho xây dựng hoàn thiện công trình.

Ông Đỗ Kim Quý nói gì?

Ông Đỗ Kim Quý cho biết: "Tháng 12.2001, tôi ký hợp đồng trông coi rừng với lâm trường, trong điều 3 của hợp đồng có quy định là tôi được phép làm nhà, cũng không có ghi rõ là nhà kiểu gì. Nhà tôi làm có 3 phòng ngủ, một phòng sinh hoạt chung gia đình, phòng ăn và chỗ nấu ăn. Cũng không đến 10 phòng như báo chí nêu”.

Ông Lê Tiến Thông, Giám đốc Công ty Thái Bình ở Hải Dương đã giới thiệu cho ông mua khu đất đó?

Đúng. Ông ấy thông thuộc địa bàn. Tôi nghĩ chuyện nhờ vả đó là chuyện bình thường.

Ông mua trang trại trước hay sau khi có đoạn đường vào đền thờ Chu Văn An?

Tôi mua khu đất đó khi con đường đang làm. Hồi cuối năm 2001, tôi đang đến kiểm tra việc thi công đoạn đường này. Hồi đó, cả khu vực đó còn rất hoang sơ, tôi thấy đó là chỗ tĩnh mịch, có rừng thông đẹp và đã nhờ Lê Tiến Thông mua giúp. Sự thực là như vậy chứ không có chuyện tôi mua đất rồi lái con đường vào đó. Diện tích của tôi là 2,85 ha; 1,3 ha là đất chuyển đổi trồng cây ăn quả, 1,55 ha là đất trông nom bảo vệ rừng.

Lô đất đó giá bao nhiêu, và ông đã đầu tư bao nhiêu tiền để xây dựng khu nhà hiện nay?

Diện tích nhà tôi làm trên phần giáp ranh giữa hai lô đất. Tôi xây dần từ năm 2002 nên thống kê là bao nhiêu thì khó. Theo bản vẽ, chính xác khu nhà tôi có 2 tầng. Tầng 1, diện tích tính từ tim tường là gần 80m2, tầng hai thu hẹp hơn, còn chừng 60m2.

Trước đây, khi đi công tác qua, tôi thường ở đó. Thứ bảy, chủ nhật tôi cũng thỉnh thoảng đi nhờ xe anh em bạn bè, bắt xe ngoài xuống trông nom nhà cửa. Trồng cây trên đất dốc phải làm cái bể tưới nước, làm bé thì không đủ tưới, nên tôi phải làm to to một tí. Khi xây bể chứa nước lớn, tôi nghĩ tại sao không làm cái bể bơi luôn, nó cũng là nhất cử lưỡng tiện. Chuyện cái bể bơi thực ra là vậy.

Vậy còn chuyện hai lần ông bị lập biên bản tạm đình chỉ xây dựng?

Một lần vào khoảng tháng 9/2002, sau khi tôi đi công tác về, thấy anh em người ta nói lại là có cán bộ lâm trường vào làm việc, bảo là nhà xây không đúng quy định, không nên xây dựng nữa. Tôi cũng dừng lại 1-2 tháng. Nhưng sau đó tôi thấy rằng đây là nơi vùng sâu vùng xa, mình ký hợp đồng có 50 năm, sau khi hết hạn thì lại trả lại, cũng không làm hại gì cho nhà nước cả. Mình sai là ở chỗ đó.

Còn hồi tháng 8/2004, có một cán bộ lâm trường vào kê khai một danh sách các chủ hộ xây nhà ở khu vực rừng trồng, trong danh sách đó có tôi. Anh cán bộ đó thông báo với tôi là nhà tôi xây như vậy là không đúng quy định. Tôi cũng nhận là mình sai và có ký vào. Còn nhà tôi hồi 2004 về cơ bản là đã xong rồi.

Nếu bây giờ cơ quan chức năng có hình thức xử lý đối với khu nhà ông đã xây dựng, ông tính sao?

Tôi biết mình đã không tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Mình sai thì phải chấp nhận thôi. Cơ quan chức năng yêu cầu sao thì tôi phải làm vậy.

Theo Thanh Niên

MỚI - NÓNG