Làm rõ nguyên nhân giá tiêu dùng tăng cao

Làm rõ nguyên nhân giá tiêu dùng tăng cao
Một vấn đề khiến nhiều ĐBQH băn khoăn, lo lắng là chỉ số CPI tăng cao, tác động bất lợi đến sản xuất, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của đại bộ phận nhân dân.

>> Chính phủ giải trình những vấn đề Quốc hội quan tâm

Ngày 26/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội (QH) thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2007, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008.

Đa số các đại biểu nhất trí với báo cáo của Chính phủ (CP) về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2007. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, tình hình KT-XH năm 2007 còn bộc lộ những bất cập cần được phân tích, đánh giá làm rõ nguyên nhân để đưa ra các giải pháp khắc phục trong năm 2008.

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cho rằng, qua phân tích dễ dàng nhận thấy sự biến động của giá cả trên thị trường, nhu yếu phẩm tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới dân nghèo, cán bộ hưu trí. GDP tăng cao là đáng mừng nhưng đồng thời phải quan tâm đến chất lượng cuộc sống của người dân, đi đôi ổn định giá cả.

Nhiều đại biểu cho rằng một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế nước ta phát triển chưa bền vững là do chỉ số lạm phát quá cao. Nếu CPI tăng cao, trong khi thu nhập thực tế của người lao động và những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước không tăng tương xứng thì đời sống của nhân dân không được cải thiện như mong muốn.

Đại biểu Trần Hồng Việt (Hậu Giang) phân tích: CPI tăng gần tương ứng với GDP thì đời sống người dân có mức thu nhập thấp không được cải thiện, người dân không được thụ hưởng thành quả của tăng trưởng kinh tế. Mặc dù giá lương thực, thực phẩm tăng cao nhưng người nông dân không có lợi gì. Mức sống công nhân chưa được cải thiện.

Nhiều đại biểu đề nghị CP cần đưa ra chỉ số CPI cụ thể, rõ ràng không nên tiếp tục đặt CPI thấp hơn GDP một cách chung chung như hiện nay. Nếu CPI tương đương với GDP, nghĩa là nền kinh tế không tăng trưởng, trong khi đó mục đích cuối cùng và cao nhất cũng là để đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.

Đại biểu Bùi Văn Tỉnh (Hoà Bình) đề nghị CP cũng cần đề ra các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát để xử lý vấn đề cân đối vĩ mô của nền kinh tế hiệu quả hơn, kiềm chế tăng giá; cần làm rõ hơn nguyên nhân làm tăng CPI và đánh giá hiệu quả công tác điều hành chính sách tiền tệ. Làm thế nào để việc điều chính mức lương tối thiểu không trở thành nguyên nhân tăng giá khiến đời sống đại bộ phận những người hưởng lương từ ngân sách thêm một lần khó khăn như những lần điều chỉnh lương vừa qua.

Theo đại biểu Đặng Ngọc Tùng (TP.Hồ Chí Minh), tăng trưởng kinh tế cao, nhưng người dân chưa được thụ hưởng công bằng, đồng đều. Thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực tế rất thấp; chưa kiểm tra, giám sát được việc xây dựng thang, bảng lương tại các doanh nghiệp này.

Tình trạng vật giá leo thang, lương không tăng tương xứng gây khó khăn nhiều cho đời sống của người lao động. CP cần đưa ra được giải pháp đồng bộ để nâng cao đời sống của người dân, cán bộ công chức và người lao động; có hệ số trượt giá trong lương để tạo sự ổn định lâu dài.

Cần chú trọng chất lượng tăng trưởng

Đề cập mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2008, nhiều đại biểu đề nghị đặt chỉ tiêu GDP năm 2008 là 9%.

Các đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị), Mai Thế Trung (Bình Dương) cho rằng có đầy đủ cơ sở để đạt được chỉ tiêu này, bởi: môi trường kinh doanh ngày càng tốt lên, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế ngày một tiến bộ, tiếp xúc đầu tư, huy động nguồn lực có nhiều cải tiến...

Đại biểu Nguyễn Tấn Quyên (Cần Thơ) cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2008 là 9% hoàn toàn có khả năng thực hiện nếu huy động tốt hơn nguồn vốn đầu tư, có cơ chế thông thoáng hơn...

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng nếu Chính phủ (CP) chỉ đạo ráo riết, nỗ lực, cố gắng và điều hành kiên quyết hơn nữa, GDP năm 2008 có thể đạt tới 9% và cao hơn nữa. Nếu thực hiện tốt các dự án, giải ngân nhanh hơn, hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách, trái phiếu CP, đi cùng với CCHC, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giải quyết các vướng mắc trong các văn bản, thủ tục đầu tư.., hiệu quả tăng trưởng sẽ đạt cao hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, đại biểu Vũ Hoàng Hà (Bình Định) phân tích: GDP tăng cao nhưng phát triển kinh tế chưa đạt chất lượng cao, chưa mang tính bền vững. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quá cao; chất lượng sản phẩm, hàng hoá còn thấp, chưa đủ sức canh tranh đối với sản phẩm của nước ngoài. Nếu không có nỗ lực và quyết tâm cao, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ thất bại ngay trên "sân nhà ".

Bên cạnh đó, môi trường đầu tư còn nhiều vấn đề; cơ sở hạ tầng còn yếu kém, thu nhập bình quân đầu người thấp; tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tham nhũng vẫn tồn tại. Tình hình đó đòi hỏi nỗ lực cao trong quý IV, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 8,5% của cả năm 2007.

Đại biểu Vũ Hoàng Hà đề nghị, không thể để chỉ số CPI chung chung như trong báo cáo của CP mà phải xác định cụ thể ở mức dưới 8%; khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá, sản phẩm đã qua tinh chế, hạn chế xuất khẩu hàng hoá, sản phẩm thô nhằm nâng dần giá trị hàng xuất khẩu trên một đơn vị sản phẩm. Nếu cứ đẩy mạnh xuất khẩu nguyên liệu thô mà không dự trữ sẽ dẫn tới nguy cơ cạn kiệt nguyên liệu sản xuất sau này.

Đi sâu phân tích mổ xẻ những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Tấn Quyên (Cần Thơ) đưa ra 5 nguyên nhân khiến phát triển không bền vững, chất lượng chưa cao là: Cơ sở hạ tầng kinh tế quá yếu, đặc biệt là hạ tầng giao thông; ô nhiễm môi trường; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và cải cách hành chính (CCHC) chưa đạt mục tiêu đề ra; điểm xuất phát của nền kinh tế thấp.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết ( Lạng Sơn) cho rằng: Báo cáo của CP chưa phân tích sâu những tác động của các quan hệ kinh tế mới sau 1 năm Việt Nam gia nhập WTO, đưa ra những dự báo về thời cơ, thách thức năm 2008 và những năm tiếp theo. Ông đề nghị cân nhắc một số chỉ tiêu cho sát thực hơn, đồng thời chú trọng đến chất lượng tăng trưởng, làm rõ "tăng trưởng thực", tăng cường sức mạnh nội lực của nền kinh tế.

Tăng cường đầu tư cho nông nghiệp nông thôn

Đại biểu Lý Kim Khánh (Cà Mau) cho rằng: Nông nghiệp và nông thôn hiện đang chịu sức ép lớn, thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, sản xuất nông nghiệp khó khăn bấp bênh, đời sống khó khăn.

Theo đại biểu, CP khẩn trương rà soát, ban hành hệ thống chính sách đồng bộ phát triển nông nghiệp bền vững; tiếp tục có những chính sách làm chuyển biến đời sống xã hội của đồng bào dân tộc; tập trung đầu tư các công trình công trình hạ tầng thiết yếu.

Băn khoăn vì khoảng cách nông thôn - đô thị, giàu - nghèo chưa được thu hẹp, đại biểu Chu Văn Đạt (Nam Định) đề nghị CP có chiến lược vĩ mô và chính sách cụ thể đối với nông nghiệp - nông thôn, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu vực này.

Đại biểu Dương Văn Trọng (Hà Giang) nhận định: Sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, một số nơi nông dân không còn tha thiết với đồng ruộng do hiệu quả thấp, bỏ ruộng đi làm thuê ở thành phố. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sản phẩm nông nghiệp khó cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước, chưa nói đến xuất khẩu.

Các đại biểu Bùi Văn Tỉnh (Hoà Bình), Trần Hồng Việt (Hậu Giang), Ya Đuck (Lâm Đồng) và nhiều đại biểu khác đề nghị một chiến lược lâu dài tăng cường đầu tư và cơ chế riêng cho các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, các tỉnh mới chia tách…giúp các địa phương này phát triển.

Đại biểu Ngô Quang Xuân (Đồng Tháp) lưu ý đến việc bảo đảm lợi ích của người nông dân khi Việt Nam gia nhập WTO, quan tâm đến quan hệ đất-người trong nông nghiệp, nông thôn.

Rà soát lại hệ thống chính sách

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng tiến độ giải ngân chậm do những nguyên nhân chủ quan như: Chính sách thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán, thủ tục rườm rà, không ít cán bộ công chức nhân viên nhũng nhiễu, vòi vĩnh khiến các nhà đầu tư nản lòng.

Ông đề nghị cần rà soát lại những bất hợp lý trong hệ thống chính sách, CCHC, loại bỏ các thủ tục rườm rà và cán bộ công chức không đủ phẩm chất, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Một số bộ mới sáp nhập chưa nhanh chóng kiện toàn tổ chức của các vụ, cục, ban, gây ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ công chức và công tác chỉ đạo, điều hành. CP cần có đánh giá việc tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối, cải cách hành chính.

Đại biểu Trần Hồng Việt (Hậu Giang) kiến nghị xem xét lại chính sách tiền lương và điều kiện sống của người lao động bởi tiền lương không đủ để người công nhân nuôi sống bản thân, nơi ăn ở còn quá khó khăn.

Theo đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội), chính sách tiền lương như hiện nay là chưa thoả đáng, trong khi biện pháp tăng lương tối thiểu không khiến thay đổi "về chất" đời sống của cán bộ công chức, người lao động. Tăng lương kéo theo tăng giá làm khó khăn thêm cuộc sống của người lao động và nhân dân.

Cần phải xem cải cách tiền lương là một bài toán tổng thể: Cải cách tiền lương đi cùng với cải cách hành chính, tinh giản biên chế, bảo đảm chế độ cho cán bộ cơ sở, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, tăng cường xã hội hoá để giảm gánh nặng ngân sách. Cải cách tiền lương phải được coi là cuộc cách mạng, trả lương xứng đáng với sự đóng góp của người lao động, tránh hiệu ứng tăng giá tiêu dùng.

An toàn giao thông vẫn là vấn đề nhức nhối

Nhiều đại biểu đề nghị cần thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm chế tai nạn giao thông: Kiên quyết quyết lập lại trật tự, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật giao thông; tổ chức phân luồng hợp lý, khoa học để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông đang diễn ra ở các đô thị lớn; tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông đô thị cho Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh

Đại biểu Nguyễn Văn Nguyên (Hải Dương) khẳng định: Tai nạn, ùn tắc GT thực sự là vấn đề nóng, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) trong thực tế còn nhiều hơn so với thống kê. Vấn đề này đã kéo dài nhiều năm, trở thành căn bệnh trầm kha chưa có thuốc chữa hữu hiệu. Đa số người chết, bị thương do TNGT đều trong độ tuổi lao động để lại hậu quả xã hội rất lớn.

Phân tích nguyên nhân, ông cho rằng một bộ phận người tham gia giao thông (GT) có ý thức rất kém; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo chưa tương xứng với yều cầu của xã hội; việc tổ chức thông tin tuyên truyền về ATGT chưa coi trọng vào nhóm đối tương có nguy cơ cao; xử lý tai nạn, vi phạm còn chậm, hạn chế; buông lỏng quản lý trong đào tạo sát hạch thi bằng lái xe là nguy cơ tiềm ẩn gây TNGT. Các cấp, các ngành cần có biện pháp đủ mạnh, kiên quyết hơn thực hiện các giải pháp cấp bách về ATGT

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh đề nghị tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia GT; xử phạt thật nghiêm các đối tượng vi phạm để răn đe.

Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) đề xuất một số biện pháp mạnh góp phần giải quyết những vấn đề trước mắt và lâu dài trong đảm bảo trật tự ATGT như : cải tiến chương trình cấp bằng lái xe theo chuẩn mới; quy định có một khoản tiền gửi vào ngân hàng khi cấp bằng, đăng ký phương tiện giao thông, để xử lý các vi phạm ATGT, kiểm soát các khoản phạt trên đường...

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG