Làm rõ trách nhiệm Tổng cục Hải quan vụ mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc 0 giờ

Uỷ ban Kinh tế đề nghị làm rõ trách nhiệm vụ xuất khẩu gạo. Ảnh minh họa
Uỷ ban Kinh tế đề nghị làm rõ trách nhiệm vụ xuất khẩu gạo. Ảnh minh họa
TPO - Ủy ban Kinh tế kiến nghị làm rõ việc Tổng cục Hải quan mở hệ thống thông quan hàng hóa tự động để doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đăng ký tờ khai vào lúc 0 giờ ngày 12/4/2020 có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm hay không?

Ngày 21/4, báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế cho biết, thời gian qua, nhiều cử tri đã có ý kiến, doanh nghiệp có đơn thư kiến nghị, cầu cứu Chính phủ, các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương đưa tin phản ánh về những bất cập trong điều hành xuất khẩu gạo, gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp, nông dân.

Sau khi tổng hợp, nghiên cứu, Ủy ban này kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực thi công vụ, tham mưu các quyết định có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và người dân nhưng đã không đánh giá kỹ tác động.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị, nghiên cứu giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại trong giai đoạn vừa qua, như phải bồi thường hợp đồng hoặc việc tăng chi phí lãi vay, chi phí cho việc lưu kho, bãi do bị ảnh hưởng bởi việc tạm dừng xuất khẩu gạo.

Đáng lưu ý, Ủy ban Kinh tế cũng kiến nghị cần làm rõ việc Tổng cục Hải quan mở hệ thống thông quan hàng hóa tự động để doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đăng ký tờ khai vào lúc 0 giờ ngày 12/4/2020 có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm hay không? Đã tuân theo đúng quy định tại Điều 18 luật Quản lý ngoại thương hay chưa?

Theo Ủy ban Kinh tế, việc làm trên của Tổng cục Hải quan mà không thông báo minh bạch khiến doanh nghiệp bức xúc. Một số đơn vị bị ảnh hưởng bởi những hợp đồng đã ký nhưng không mở được tờ khai để xuất khẩu. Số khác lại gặp tình huống đã có số tờ khai, phân vào luồng đỏ nhưng đến ngày 13/4 lại thấy ngày đăng ký tờ khai lùi về ngày 10/4. Cá biệt, có hiện tượng doanh nghiệp “ghi danh giữ chỗ” khi chưa tập kết đủ hàng tại cảng dù đã có tờ khai.

Thường trực Uỷ ban Kinh tế kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực thi công vụ, tham mưu các quyết định có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, người dân nhưng đã không đánh giá kỹ tác động. Cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại khi phải bồi thường hợp đồng hoặc tăng chi phí lãi vay, chi phí cho việc lưu kho, bãi do bị ảnh hưởng bởi việc dừng xuất khẩu gạo.

Tại cuộc họp hôm qua (20/4), Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương và Tài chính nghiêm túc rút kinh nghiệm trong phối hợp điều hành xuất khẩu gạo. Ông yêu cầu cho xuất khẩu gạo nếp trở lại, ứng trước 100.000 tấn từ hạn ngạch xuất khẩu tháng 5 để xuất số gạo tồn ở cảng của các doanh nghiệp bị hụt mở tờ khai.

Liên quan đến sự việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra đột xuất việc xuất khẩu gạo. Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công an vào cuộc, xác minh việc xuất khẩu gạo vừa qua để đảm bảo khách quan. Trước đó, Bộ Công Thương cũng lập đoàn kiểm tra việc xuất khẩu gạo trong 4 ngày (20-24/4).

MỚI - NÓNG