Bồi thường giải phóng mặt bằng sân bay Dương Tơ (Phú Quốc):

Lâm tặc cũng được bồi thường

Lâm tặc cũng được bồi thường
TP - UBND tỉnh Kiên Giang đang chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương giải tỏa 898 ha đất trên địa bàn xã Dương Tơ để giao cho Cụm cảng hàng không miền Nam xây dựng sân bay quốc tế. Điều kỳ cục là một số người phá rừng phòng hộ nay cũng được bồi thường.

Theo thông báo của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - ông Bùi Ngọc Sương, tháng 7/2007, Cụm cảng hàng không miền Nam (chủ đầu tư) bắt đầu chi trả bồi thường. Tổng số tiền bồi hoàn dự kiến trên 200 tỷ đồng.

Trong số 898 ha có 290 ha đất của dân sử dụng, 503 ha do BQL rừng phòng hộ quản lý và 104 ha của Nhà nước.

Trong số 648 hộ dân bị giải tỏa chỉ có 219 hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), 169 hộ khai phá trước 15/10/1993 (sẽ được bồi thường về đất); 192 hộ khai phá sau 15/10/1993 (chỉ hỗ trợ một phần chi phí đầu tư vào đất).

Gần 100 ha rừng phòng hộ bị xâm chiếm cũng sẽ được bồi thường với điều kiện không bị… kiểm lâm phạt.

Thực trạng khu vực đất bị giải tỏa cho thấy khá phức tạp khi xác định tính xác thực của thời gian khai phá, sinh sống; Rừng phòng hộ chỉ mới có quyết định qui hoạch từ tháng 6/1998, trong khi nhiều hộ dân đã “sống chung với rừng” trước đó nhiều năm nhưng không ai ngăn cản.

Quá trình điều tra để bồi thường còn “lòi” ra một khách sạn tiêu chuẩn cỡ 2 sao nhưng không có giấy phép xây dựng, chưa chuyển mục đích sử dụng đất.

Người đại diện pháp luật của khách sạn Lisa Resort - ông Nguyễn Thái Viên (Việt kiều Mỹ) cho biết: “Tôi nộp đơn xin giấy phép xây dựng từ năm 2003 nhưng người ta bảo chờ.

Cùng năm đó tôi tiến hành xây dựng, quá trình thi công đến khi đi vào hoạt động đến nay chẳng ai kiểm tra, ngăn cản. Vốn đầu tư cho khách sạn trên 7 tỷ đồng”.

Hiện, vẫn chưa có ý kiến của UBND tỉnh Kiên Giang về việc bồi thường cho khách sạn này như thế nào.

“Lâm tặc” cũng được bồi thường

Đầu năm 2005, người dân phát hiện khoảng 40 ha rừng tại ấp Suối Mây (xã Dương Tơ)  bị san phẳng bởi xe cơ giới để đào mương, ao hồ, phân lô, đắp đường, làm nhà tạm.

Sau khi báo Tiền phong đưa tin vụ này, đoàn kiểm tra của ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang đã tới hiện trường lập biên bản, yêu cầu xử lý nghiêm khắc.

Ông Hồ Dũng - Phó Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang lúc bấy giờ - cho biết: “Trong số những người phá rừng có cả  ông Nguyễn Minh Chiến - sỹ quan quân đội về hưu. Vụ phá rừng này rất nghiêm trọng”.

Nay khu vực này có 5 người được bồi thường với tổng diện tích gần 40.000m2: Các ông Nguyễn Minh Chiến 152.781.800đ; Trần Minh Hải 57.597.500đ; Cao Văn Be 445.334.000đ; Nguyễn Văn Phong 15.056.000đ và Nguyễn Văn Lộc 164.463.700đ.

Điều không bình thường ở khu đất này là khi đã có quyết định phê duyệt của Thủ tướng về quy hoạch sân bay Dương Tơ, các cơ quan chức năng đã xác định vị trí, đo đạc, cắm mốc nhưng cuối năm 2006 ông Chiến vẫn rầm rộ chặt rừng tràm nguyên sinh, làm nhà. Vậy mà nay họ được tính toán chi li để bồi thường. 

Tại khu vực rừng Suối Mây còn có một số người khác được bồi thường gây “chú ý” là ông Trà Tho - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Phú Quốc, diện tích 40.403,30m2, bồi thường 314.154.000đ;

Ông Huỳnh Long Hải - PGĐ rừng phòng hộ, diện tích 38.901,50m2, bồi thường 1.491.654.000đ; ông Huỳnh Xuân Quí (cha của ông Hải), diện tích 29.238m2, bồi thường 1.112.280.000đ. 

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).