Tại rừng phòng hộ đầu nguồn Quảng Bình:

Lâm tặc đại náo

Lâm tặc đại náo
TP - Vùng rừng Ca Xai (xã Dân Hóa) và Rào Tre (xã Trọng Hóa) từ lâu được xem là điểm nóng khai thác gỗ trái phép ở huyện Minh Hóa. Giữa chốn thâm u của rừng đại ngàn, những gì mà chúng tôi tận thấy thật khó để diễn tả hết bằng lời.

Một ngày giữa tháng Bảy, từ cầu Cha Lo 3 ở Km 138+250 Quốc lộ 12 (dân đi rừng thường gọi là khe 40), chúng tôi tìm đến khu vực Nước Lặn và Ba Sào, thuộc vùng rừng Ca Xai, nơi mà cánh lâm tặc đặt cho mỹ danh là “trung tâm khai thác gỗ phi kiểm lâm” ở bản Cha Lo, xã Dân Hoá.

Quan sát từ bên ngoài, khu vực của tiểu khu 144, và rừng ngoài tiểu khu ở vùng cửa khẩu quốc tế Cha Lo tưởng như rất hoang sơ và bình yên như chưa hề có sự can thiệp của con người.

Tuy nhiên, sau bốn tiếng đồng hồ luồn dưới những tán rừng trên con đường độc đạo lầy lội bùn đất, vừa đi vừa tránh lâm tặc phát hiện, chúng tôi bắt đầu nghe tiếng cưa máy  gầm rú, tiếng cây đổ ngã ào ào giữa thâm sơn cùng cốc.

Trên tuyến đường dẫn vào khu vực Nước Lặn hàng loạt cây gỗ có đường kính từ gần một mét bị đốn hạ chỉ còn trơ gốc. Đặc biệt có cây phải 3 - 4 người ôm, bị đốn ngọt với vết cưa, nhựa cây bầm đỏ đang khô lại.

Tại những điểm khai thác này, lâm tặc dùng cưa máy xẻ gỗ ra từng phiến với đầy đủ kích thước theo yêu cầu của các đầu nậu gỗ. Những cây gỗ có đường kính lớn, sau khi khai thác phần thân, lâm tặc tận thu bằng cách cưa xẻ tận gốc mà dân sơn tràng thường gọi là đe để dùng làm cọng cửa.

Nhiều cây gỗ lớn sau khi bị đốn hạ nhưng chất lượng kém, lâm tặc bỏ đi nằm vương vãi trên cả tuyến đường dài len lỏi giữa rừng chưa biết đến đâu là điểm kết thúc.

Ở vùng Nước Lặn và Ba Sào, các loại gỗ quý hiếm đã có những cuộc đại tàn sát trước đó giờ không còn. Lâm tặc chủ yếu khai thác gỗ dổi, vàng tâm, re, bộp, gội, trường mật với chiến thuật đánh tỉa, to khai thác trước, nhỏ khai thác sau.

 Cho đến khi không còn gỗ để khai thác, lâm tặc mới tiếp tục đạp cội (tìm chỗ mới) gỗ ở vùng rừng khác. Trong khu vực này, hàng loạt lán trại có đầy đủ các vật dụng như võng, lương thực, thực phẩm được dựng lên phục vụ cho sự nghiệp phá rừng chuyên nghiệp.

Mãi rồi, chúng tôi mới quyết định tiếp cận với một lâm tặc đang khai thác lẻ một mình, dù biết như thế là mạo hiểm. Khi tin chúng tôi là những người đi khảo sát địa chất, anh ta mới bảo mình là Cao Xuân T,  ở xã Hoá Hợp, huyện Minh Hoá. T chừng 35 tuổi, thấp, đậm và chắc như lõi lim.

T bảo: “Các anh vào rừng thời điểm này thì buồn hơn dạo trước. Dân làm gỗ ít hơn vì họ về quê làm mùa vụ. Chứ lúc cao điểm người vào, người ra gùi gỗ đông vui lắm. Riêng thợ cưa cũng khoảng vài chục người, đủ sức “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn” một khoảnh rừng trong thời gian một ngày.

T tiết lộ quy trình khai thác, vận chuyển và tiêu thụ gỗ: Gỗ sau khi được cưa xẻ thành từng phiến, đội quân gùi gỗ sẽ tăng bo theo từng chặng, sau đó tập kết tại một điểm chỉ cách đường 12A khoảng 500 m.

Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hoá được thành lập từ tháng 9/2003 có chức năng quản lý, bảo vệ, trồng rừng và khoanh nuôi bảo vệ rừng.

Hiện tại, ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hoá đang quản lý gần 20 ngàn ha, chủ yếu là rừng phòng hộ đầu nguồn ở hai xã Dân Hoá và Trọng Hoá.

Thế nhưng, khi chúng tôi đặt câu hỏi vì sao vụ việc phá rừng nghiêm trọng xảy ra trong một thời gian dài mà vẫn không thể phát hiện được thì nhận được câu trả lời muôn thuở: “Lâm phần rộng, lực lượng mỏng”.

Sau khi đủ số lượng các đầu nậu gỗ sẽ điều xe đến bốc xếp và vận chuyển xuôi theo đường 12A về ngã ba Khe Ve. Nơi đây trở thành trạm trung chuyển để gỗ lậu sang xe và tiếp tục được vận chuyển sang địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Dân trong nghề gỗ lậu có quy tắc, đường người nào người đó có nhiệm vụ làm luật để thông đường.

T nói: “Mỗi ngày tui khai thác được khoảng một mét khối gỗ, lúc cao điểm thì được hai mét khối gỗ vàng tâm và khi đưa được gỗ đến tay đầu nậu nhập có giá từ 5 - 6 triệu đồng/m3.

Tùy theo từng đợt, tui thường bám rừng từ 10 - 15 ngày để tập trung cưa xẻ theo yêu cầu của chủ gỗ. Hiện nay, người đông của khó nên tui phải thường xuyên lội khe đi tìm gỗ đánh dấu làm của để dành”.

Quan sát công trường khai thác gỗ trái phép ở đây, chúng tôi nhận thấy sau khi cưa xẻ gỗ thành phiến, lâm tặc đều đánh số và tên người vận chuyển, để sau này thanh toán tiền công với chủ gỗ.

Từ điểm khai thác gỗ, lâm tặc gùi gỗ ra khu vực có lán trại để nghỉ ngơi, ăn uống rồi tiếp tục vận chuyển ra khu vực tập kết gần đường 12A. Với vai những người đi khảo sát địa chất vô hại, chúng tôi dễ dàng tiếp cận và bắt chuyện với một người tên là Ch, ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch.

Không một chút nghi ngờ vì thấy bộ dạng của chúng tôi giống như dân địa chất luồn rừng chính hiệu, Ch cho hay: “Sau khi thu hoạch xong mùa vụ, tui lên đây để gùi gỗ thuê cho một đầu nậu gỗ tên là D. ở khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo. Mà ở đây nhiều đầu nậu lắm.

Mỗi người có một đường dây riêng. Mỗi ngày tui gùi được một phiến gỗ khoảng 1 tấc, được trả công từ 200-300 ngàn đồng. Dân sơn tràng ở đây chủ yếu là người ở các xã Sơn Trạch, Lâm Trạch, Phúc Trạch, được các chủ gỗ cho ăn ở luôn trong nhà để chủ động vận chuyển, bốc xếp khi có yêu cầu của khách hàng”.

Luồn rừng trở ra theo một tuyến đường khác, chúng tôi lọt ngay xuống khe 40. Thật bất ngờ vì chỉ cách cầu Cha Lo 3 chừng 200 m có một lán trại của người Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Nhìn qua cũng dễ nhận ra lán trại này đã định cư ở đây khá lâu, vì những người khai thác gỗ trái phép chuyên nghiệp tính chuyện định cư lâu dài nên trồng cả giàn bầu để cải thiện! Cạnh đó một loạt bè được kết bằng chuối rừng đang sẵn sàng cho việc vận chuyển gỗ khai thác trái phép bằng đường thủy.

Gần trọn một ngày lội rừng để đắng chát, nhận ra một điều rằng, hiện trường của đại công trường khai thác gỗ trái phép mà chúng tôi đến cũng chẳng mấy xa nơi tập trung rất nhiều đơn vị chức năng đầy quyền năng gần cửa khẩu Quốc tế Cha Lo.

Con đường QL12 độc đạo thênh thang ra đó chẳng mấy khó khăn để các cơ quan chức năng trên phát hiện, kiểm đếm từng chuyến xe chở gỗ lậu về xuôi. Bỏ lại sau lưng những cánh rừng Ca Xai đang tứa máu, chúng tôi tìm đường đến Rào Tre, nơi được coi là tâm điểm đại náo của lâm tặc. 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.