Lần ấy, quốc khách Việt - Bài 2: Trong đêm đợi Nội Bài

Xe ô tô của Tổng thống Mỹ. Ảnh: Hồng Vĩnh
Xe ô tô của Tổng thống Mỹ. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Xe chúng tôi ngược Nội Bài, nói đón thì chả phải mà ngóng chuyên cơ chở Tổng thống Bill Clinton theo lịch sẽ đáp xuống tầm 10 giờ đêm. Tưởng sớm hóa ra cửa đón ken chật phóng viên Tây, ta. Không biết các đồng nghiệp của tôi luôn thường trực tâm trạng say nghề máu nghề đang chồn chân kia  liệu có cơ may nhặt nhạnh được thông tin nào không? Đợi hàng tiếng đồng hồ như thế nhưng tất thảy đều bình thản, nhẫn nại?

Nhớ ngày hôm kia, 14/11, được ngồi với đại tá Lê Văn Kính, Tư lệnh bộ đội cảnh vệ, được biết những cuộc thương thảo (khởi sự từ đầu tháng 10/2000) để đảm bảo an ninh cho Tổng thống B.Clinton và phái đoàn Mỹ, giữa các cơ quan trách nhiệm Mỹ-Việt cũng đã hòm hòm. Gọi là hòm hòm bởi một số phương án (nếu phát sinh) trong quá trình diễn ra cuộc thăm hai bên sẽ cùng phối hợp giải quyết.

Có một chi tiết thế này: Khách đòi mang vào Việt Nam hơn 200 khẩu súng các loại để phục vụ cho công việc từ thứ nhỏ như súng ngắn đến thứ lớn như tiểu liên... An ninh ta tươi cười: Đất nước Việt Nam chính trị ổn định, an ninh xã hội bình thường... làm chi mà lắm súng ống vậy? Khách chịu nhưng cứ đòi mang vào một nửa số súng. Ta lại thuyết phục tiếp. Khách cứ khăng khăng đòi đi thực tế để khảo sát!? 

Cuối cùng khách đồng ý với quyết định của chủ nhà: mang vào 15 khẩu, nếu có mang thêm thì để trên... máy bay! Lại nói về đội quân chống bắn tỉa của Phủ Tổng thống Mỹ. Khách yêu cầu đội quân chống bắn tỉa mấy chục người phải mang sắc phục đâu như là rằn ri mũ sắt. Nhưng rồi cuối cùng đội quân chống bắn tỉa này như nhiều người đã thấy trong các cuộc đón, họ lảng vảng đây đó vòng ngoài trong bộ... âu phục hoặc có khi là áo cộc tay, kính đen!

Có cần thiết phải hiện diện trong các cuộc thăm của Tổng thống, của phu nhân, của một số thành viên phái đoàn Mỹ tại một số địa điểm tới... 10 chú chó nghiệp vụ đưa từ Washington sang không? Chủ nhã nhặn đề nghị ấy với khách... Và rồi sau chót chỉ bốn chú cẩu theo yêu cầu của an ninh ta được “nhập cảnh” vào Việt Nam và kèm theo một điều kiện: Bốn chú cẩu ấy chỉ được phép hoạt động nghiệp vụ tại khu vực có Tổng thống B.Clinton tới thăm.

Lần ấy, quốc khách Việt - Bài 2: Trong đêm đợi Nội Bài ảnh 1

Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong vòng vây an ninh. Ảnh: Hồng  Vĩnh

Vẫn chưa hết, khách đòi mang vào Việt Nam đủ các thiết bị từ máy soi kiểm tra.  Bên an ninh ta chối từ yêu cầu đó rằng những thiết bị ấy Việt Nam có đủ số lượng lẫn chất lượng vận hành. Khách không tin đòi kiểm tra. Ta đáp ứng và khách thỏa mãn.

Tôi nói vui với ông Kính, Việt Nam từng đón hàng chục các nguyên thủ quốc gia có “hàm” Tổng thống rồi, công việc ngoại giao thì chưa nói làm chi nhưng vị nào đoàn nào cũng được an lành hanh thông về mặt an ninh cả. 

Vậy nên, chuyến thăm đất nước Việt Nam lần đầu tiên của một vị tổng thống Hoa Kỳ thì cũng “rưa rứa” về công tác an ninh như các nguyên thủ khác chứ có gì mà phải chộn rộn, căng thẳng?  Hội nghị thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp ta chả một lúc đón gần hai mươi tổng thống lẫn thủ tướng là gì? 

Tư lệnh Lê Văn Kính mỉm cười buông thõng một câu “Thì đã đành. Nhưng cái nghề này các bạn hiểu cho, cuộc đón nào cũng quan trọng như nhau cả. Đó là sự tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc: Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách...”.

Đang giở chừng thì Đại tá có tin báo ông đại sứ Hoa Kỳ Peterson không biết có việc gì mà cứ đòi gặp tư lệnh bằng được. Không hy vọng “moi” được gì thêm ở vị tư lệnh kiệm lời này. Trên đường về, chợt nghĩ tới mình đã đọc ở đâu về những chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Mỹ B.Clinton. Đâu như bốn “tòa lâu đài” (những chuyên cơ được thửa riêng từ các hãng danh tiếng) cùng cất cánh hoặc một lượt hoặc cái trước cái sau như thế.

 Rồi chuyện cơ quan kiểm toán của Mỹ (G.A.O) thống kê sơ bộ qua gần hai nhiệm kỳ của tổng thống, nước Mỹ đã chi 292 triệu USD cho các chuyến công du nước ngoài của vợ chồng Tổng thống B.Clinton và ông phó Al Gore. 159 chuyến công du của riêng B.Clinton hết 247 triệu USD. Đệ nhất phu nhân Hillary chỉ mới 27 chuyến công du với số tiền phải chi là 12 triệu USD…  Cẩn trọng, chu tất, tỉ mỉ đi liền với tốn kém.

Trước thời điểm chúng tôi tụ tập ở sân bay đêm nay thì nhiều ngày trước,  những chiếc phi cơ vận tải cỡ bự đã lần lượt hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất chở theo 20 chiếc xe, thứ thì Ford thứ thì Limousine loại chống được đạn bắn thẳng (10 chiếc phục vụ cho cuộc thăm ở Hà Nội và 10 chiếc ở TPHCM) chưa kể hàng lô xích xông các thùng, các hòm vật dụng nghiệp vụ và sinh hoạt khác. 

Một điều cũng lạ là nhiên liệu chi dùng cho việc vận hành 20 chiếc xe này, Hoa Kỳ phải mua của Việt Nam! Hóa ra kềnh càng hiện đại là thế nhưng những chiếc máy bay vận tải ấy không chở được xăng (không muốn hay không dám vì an toàn?).

Khi ngồi gõ những dòng này, tôi cũng được biết, đến thời điểm này (ngày 18/5/2016)  đã có 5 chuyến bay vận tải hạng nặng loại Boeing C-17 Globemaster III với biệt hiệu Ngựa thồ đã lặng lẽ đáp xuống sân bay quốc tế Nội Bài chở đồ dùng, hàng hóa phục vụ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 23/5 tới.

Trong số hàng hóa được Boeing C-17 vận chuyển đến Việt Nam,  có xe thang máy, ô tô riêng cùng chiếc trực thăng Marine One (được tháo rời cánh để vận chuyển thuận tiện).

Được biết đây là những phương tiện thường được Tổng thống Obama sử dụng trong các chuyến công du nước ngoài.

Ông Obama sẽ di chuyển bằng ôtô riêng từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội. Trực thăng Marine One cũng được Tổng thống dùng di chuyển ở những cự ly ngắn.

Ngoài ra trên chuyến bay cũng được trang bị các loại vũ khí bảo vệ và được Bộ Công an Việt Nam cấp giấy phép.

Trong một vài ngày tới sẽ thêm vài chuyến bay rải rác đáp xuống Hà Nội để phục vụ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến Việt Nam.

Ngoài ra phía Mỹ còn thiết lập đường điện thoại riêng tại sân bay.

 Mười một giờ mười phút. Đám báo chí chợt lao xao nhốn nháo. Tất thảy chú mục vào chiếc chuyên cơ màu xám bạc dài thượt chở Tổng thống Mỹ và tùy tùng trong ánh sương xám nhờ đang lừ lừ chớm đường hạ cánh.

Lần ấy, quốc khách Việt - Bài 2: Trong đêm đợi Nội Bài ảnh 2

Chuyên cơ của Tổng thống Mỹ ở sân bay Nội Bài. Ảnh: Hồng  Vĩnh

Thấy vinh dự khi lần đầu chứng kiến Nội Bài từng oằn mình thương khó bom đạn ngày nào đêm nay tiếp nhận an toàn một khối sắt thép khổng lồ uỵch xuống như thế. Trong ánh đèn đêm cộng với thứ ánh sáng mờ ảo của mảnh trăng hạ tuần, chiếc chuyên cơ Air Force One có màu xam xám. Sơn cờ Mỹ (tất nhiên) với con số 28000 màu đen. 

Một hàng chữ to tướng chạy dài suốt thân chuyên cơ United States of America và tôi tò mò đếm được 41 ô cửa cả thảy! Mãi sau này mới biết con số màu đen 28000 ấy là gì?  Chuyên cơ Air Force One là biểu tượng nổi bật tượng trưng cho sức mạnh và quyền lực của Tổng thống Mỹ chuyên chở Tổng thống trong các chuyến công du nước ngoài. Đó là loại SAM 28000. Sản xuất khoảng năm 1990. Chức năng chính chuyên chở Tổng thống do nhà thầu Boeing đảm trách. 4 động cơ. Tốc độ 630 dặm/h. Trần bay 13.746 m với tầm bay tối đa 12.550 km. 

Chuyên cơ gồm nhiều khu vực tính từ phần đuôi lên: báo chí, an ninh, khách mời, khu vực nhân viên Tổng thống, phòng họp, khu vực nhân viên cao cấp, bếp, Trung tâm thông tin, khu vực dành cho phi hành đoàn và cuối cùng là buồng lái. Và chẳng thể thiếu phòng nghỉ, phòng làm việc của Tổng thống cùng, phòng y tế…

Thấp thoáng trong làn sương đêm bàng bạc trên sân bay quốc tế Nội Bài, Tổng thống Bill Clinton cùng con gái Chelsea bước xuống cầu thang máy bay. Phía dưới một chút, trong số quan khách ra đón là phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ Hillary...

Nổi trội trong đám khách thăm vẫn là cái dáng phương phi đĩnh đạc của Tổng thống cùng những sải bước hơi gấp gấp của cô con gái yêu Chelsea. Hai cha con giơ cao tay vẫy chào người ra đón. Cũng như cuộc đón ban ngày hôm qua với đệ nhất phu nhân Hillary, cuộc đón đêm Tổng thống tại sân bay diễn ra rất nhanh. Đoàn xe hoành tráng dài thượt chở Tổng thống nhanh chóng rời sân bay. Khác hôm qua, rất nhiều xe ô tô đậu dọc đường gần sân bay tự lúc nào bật đèn rồi bất ngờ bấm còi. Âm thanh còi chào thượng khách Hoa Kỳ bất ngờ không có tiền lệ như là cái cách chào khách riêng của dân Hà thành.

Rồi Tổng thống Hoa Kỳ luôn lọt vào tầm ngắm của các ký giả ở một cự ly gần. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống B. Clinton cùng phu nhân và con gái đã đến thăm hiện trường khai quật máy bay Mỹ bị bắn rơi vào năm 1967 ở Tiền Châu huyện Mê Linh, tỉnh
 Vĩnh Phúc.                

________________

(Còn nữa)

Nghĩ hơi chạnh cho các nguyên thủ ta đi công cán đây đó. Nếu ra nước ngoài thì dùng Boeing 767, Airbus-320 vốn vẫn khai thác bay thương mại dọn dẹp chút xíu gọi là chuyên cơ vậy thôi. Còn công cán trong nước thì ngồi chung với hành khách.


MỚI - NÓNG