Lấn chiếm cả ngàn héc ta rừng ở Quảng Trị

Gần 1.000 ha rừng của Cty Lâm nghiệp Đường 9 bị xâm lấn
Gần 1.000 ha rừng của Cty Lâm nghiệp Đường 9 bị xâm lấn
TP - Lợi dụng thời điểm Công ty TNHH MTV (Cty) Lâm nghiệp Đường 9 chuẩn bị bàn giao rừng và đất lâm nghiệp cho địa phương quản lý nên người dân vào rừng chặt cây chiếm đất, trồng keo tràm. Hiện trạng này đang diễn ra song các cơ quan liên quan vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm.

CHIẾM ĐẤT, TRỒNG CÂY MỚI

 Rừng tại tiểu khu 775 có diện tích 175ha, được trồng từ năm 1998, do 18 hộ dân ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) nhận trồng, rồi nhận bảo vệ 175ha rừng phòng hộ cho tới nay. Đến cuối năm 2017, tỉnh Quảng Trị phê duyệt phương án chuyển đổi diện tích trên từ rừng phòng hộ ít xung yếu sang quy hoạch rừng sản xuất. Vậy là từ đó, người dân ồ ạt vào rừng để chặt thông, keo tràm nhiều năm tuổi để chiếm đất.

Ông Đào Văn Lưu (SN 1937, thôn Cam Phú 1, xã Cam Thành (Cam Lộ), đại diện cho 18 hộ bảo vệ rừng tiểu khu 775 cho hay, lúc phát hiện vụ việc đã báo với chủ rừng và địa phương. Tại tiểu khu 775 có khoảng 20 ha rừng bị xâm phạm và khoảng 8 ha đất rừng đã bị chiếm. “Chúng tôi tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ song người dân ở thôn Thượng Lâm (xã Cam Thành) vẫn vào phá rừng. Người dân dùng rựa, cưa nhỏ để phá từng khoảnh rừng. Khi cây lớn ngã xuống, họ sẽ chặt thành khúc đưa ra khỏi rừng hoặc chất đống để đốt”, ông Lưu nói.

Chúng tôi tiếp cận khoảnh 3 của tiểu khu 775 nằm ngay bên Quốc lộ 9. Từng khoảnh rừng tại tiểu khu này bị người dân chặt, đốt trụi rồi đưa cây keo tràm vào trồng để chiếm đất. Các cây gỗ thông, gỗ tràm nhiều năm tuổi bị chặt hạ, bên cạnh là cây keo tràm được trồng vội vàng mới được vài ngày tuổi. Tiếp tục vào sâu là cả khoảnh rừng đã bị phá, một số nơi dấu vết còn mới. Cạnh đó, còn xuất hiện người dân với rựa, cuốc đang trồng keo tràm.

Giám đốc Cty Lâm nghiệp Đường 9 Nguyễn Hồng Thái thông tin, Cty được giao quản lý hơn 7.000 ha đất rừng. Qua rà soát cho thấy gần 1.000 ha đất rừng bị người dân lấn chiếm, trong số đó có cả cán bộ, nhân viên của Cty này.

Lấn chiếm cả ngàn héc ta rừng ở Quảng Trị ảnh 1 Những cây gỗ tràm lâu năm bị người dân chặt hạ để chiếm đất
NGÀNH CHỨC NĂNG NÓI GÌ?

 Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cam Lộ Hoàng Ngọc Tiến xác nhận, tại tiểu khu 775 có tình trạng phá rừng, chiếm đất rừng từ tháng 9/2018. Việc này huyện có giao cho xã và Công an vào cuộc điều tra, ngăn chặn. Trước thông tin rừng và đất rừng ở tiểu khu này đến nay  (đầu tháng 12) vẫn tiếp tục bị xâm phạm, ông Tiến nói: “Chủ rừng là Cty Lâm nghiệp Đường 9 không báo cáo sự việc. Để mất rừng trước tiên là trách nhiệm của chủ rừng”.

Giám đốc Cty Lâm nghiệp Đường 9 Nguyễn Hồng Thái thông tin, Cty được giao quản lý hơn 7.000 ha đất rừng. Qua rà soát cho thấy gần 1.000 ha đất rừng bị người dân lấn chiếm, trong số đó có cả cán bộ, nhân viên của Cty này. Ông Thái nói: “Quá trình thực hiện cũng rất phức tạp, với góc độ của một doanh nghiệp không thể đứng ra giải quyết được cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ngành các cấp. Nếu người dân vi phạm thì sẽ xử lý theo quy định pháp luật, còn việc người dân thiếu đất thì chính quyền phải lo, sắp tới công ty sẽ bàn giao lại cho tỉnh và tỉnh sẽ giao lại cho bà con bố trí đất sản xuất cho bà con”.

Ông Thái cho hay, Cty đã nỗ lực rất nhiều trong việc ngăn chặn người dân chiếm đất song hiện tình này chưa được xử lý nghiêm. Trong số diện tích đất rừng bị lấn chiếm có hơn 200 ha đất rừng phòng hộ, số còn lại là đất rừng sản xuất và tập trung chủ yếu ở các xã Cam Thành, Cam Tuyền, Cam Nghĩa của huyện Cam Lộ.

Chủ tịch UBND xã Cam Thành Đoàn Văn Được cho hay, sau khi nhận được phản ánh của người dân, chính quyền đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra và xử lý. Bà con họ lấn chiếm, trồng 2-3 chu kỳ rồi. Đất của Cty Lâm nghiệp Đường 9 quản lý, đến giờ tỉnh mới yêu cầu lâm trường bàn giao cho huyện thì dân mới vào xin khai thác, song khai thác trả lại đất rồi làm liều cho đến nay. Xã cũng đã ra thông báo gửi các hộ dân cấm các hành vi phá rừng, lấn rừng, nếu phát hiện sẽ xử lý theo quy định pháp luật”.

MỚI - NÓNG