Lan man chuyện bão với thần thông

Lan man chuyện bão với thần thông
TP - Mỗi lần đi ngang đường ven biển Đà Nẵng, lại bất giác ngó mấy cái cột sắt cao lêu nghêu. Khách lạ có lẽ chẳng mấy biết đó là những thứ máy móc đang âm thầm “canh chừng” những cột sóng thần hung hãn biết đâu từ dưới lòng biển cuộn lên đánh úp vào bờ.

> Bác sĩ thông tin

Hẳn mọi người chưa quên vào những năm 2005-2006, Đà Nẵng bỗng nổi tiếng cả nước về mấy trận chạy sóng thần…hụt. Như cái lần nọ, có viên phi công nước ngoài đang bay trên trời, phát hiện cột sóng “lạ” bên dưới. Quá ám ảnh bởi những trận sóng thần dữ dội ập vào mấy quốc gia Đông Nam Á, anh chàng vội báo về mặt đất.

Không hiểu tin tức đi vòng vo thế nào, cuối cùng đến ông Chủ tịch phường nọ. Giữa trưa nắng tháng 7, khi loa phường phát đi thông báo khẩn cấp “sóng thần cao 50 mét đang đâm thẳng vào…phường ta”, thế là bà con quẳng cơm cháo, nhà cửa, nháo nhào phi hết lên đèo Hải Vân gần đấy.

Thế nên Đà Nẵng từng kinh hoàng với những Chanchu, Xangsane là nơi đầu tiên cả nước được xây dựng các trạm cảnh báo sóng thần do Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel nghiên cứu sản xuất và lắp đặt. Nhớ bữa trưa nắng bên biển Xuân Thiều tháng 5/2011 tại khu vực Trung đoàn thông tin 575 Quân khu 5.

Dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, tấp nập cảnh thực nghiệm, xử lý (kịch bản) sóng thần cao hàng chục mét xuất hiện ngay sau trận động đất lên đến 8,8 độ richter đang ập vào bờ từ đới hút chìm Manila (Philippines). Nói như PGS-TS Nguyễn Hồng Phương, Phó GĐ Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu VN), trong nhiều kịch bản, đó là kịch bản “khủng” nhất.

Thiếu tướng (bây giờ là Trung tướng) Hoàng Anh Xuân – Tổng GĐ Tập đoàn Viettel hôm ấy cho biết nguyên tắc cơ bản của thiết bị là dựa vào sóng truyền dẫn để truyền thông tin nhanh nhất với tính ổn định cao từ Viện Vật lý địa cầu ngoài Hà Nội về các trạm. Ngoài hệ thống còi hú và loa phóng thanh ven biển xa từ 3-5 cây số còn nghe được, thông tin còn được chuyển về các máy di động bằng tin nhắn SMS.

Khi động đất, sóng thần xuất hiện ngoài khơi, chỉ trong vòng 10 phút tin tức đã đến với tất cả dân cư, mọi người có đủ 2 tiếng đồng hồ để sơ tán. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận thiết bị do Viettel nghiên cứu lắp đặt đơn giản nhưng hiệu quả, giá thành lại rẻ hơn nhiều so với mua của nước ngoài. Đồng thời yêu cầu Viettel tiếp tục nghiên cứu cơ chế lồng ghép giữa cảnh báo sóng thần với cảnh báo thiên tai, báo động tàu thuyền, để triển khai diện rộng. Trung tướng Hoàng An Xuân khẳng định ngoài hệ thống thử nghiệm gồm 10 trạm canh tại ven biển Đà Nẵng đã xây dựng xong, đơn vị còn tiếp tục hoàn thiện kết hợp với các dự báo thiên tai khác.

Bây giờ, càng ngó sự “im hơi lặng tiếng” của mấy cột cảnh báo sóng thần ấy, tất nhiên lại càng…mừng. Thiên tai cứ việc ngủ yên cho dân nhờ. Nói chuyện với ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó GĐ Sở NN&PTNT, thường trực Ban chỉ huy PCLB-TKCN Đà Nẵng, mới hay đằng sau sự im lặng ấy là sự chong chong canh thức đầy cảnh giác, từ Ban chỉ đạo PCLB trung ương, Viện Vật lý địa cầu, đến từng phường xã.

Ngoài các cột tháp cao ven biển, hệ thống cảnh báo còn được “cài” đến từng đài truyền thanh quận huyện, sẽ tự động kích hoạt, thông báo đến từng loa truyền thanh khắp các khu dân cư một khi hiểm họa thiên tai xảy đến. Như nhận xét mới đây của PGS-TS. Nguyễn Hồng Phương, đây hiện là dự án duy nhất tại Việt Nam thiết kế mạng lưới cảnh báo đa thiên tai. Và “qua nhiều lần thử nghiệm, máy móc rất ổn, ngang chuẩn quốc tế”.

Mới đây, may mắn được bám càng mấy anh bạn dân kỹ thuật của Viện nghiên cứu và phát triển Viettel vào thăm cánh lính thông tin Quân khu 5. Bởi được nghe hàng loạt những máy móc, thiết bị thông tin liên lạc đời mới do Viện sản xuất đang thử nghiệm, phục vụ công tác, luyện tập và sẵn sàng chiến đấu ở đây.

Tóm lại toàn những “tai thần, mắt thần”…, nói gọn là món “thần thông”, mà người trần như tôi khó hình dung ra được. Như lần đầu tiên được leo lên trạm thông tin trên đỉnh cao 594 mét trên bán đảo Sơn Trà, mới ngã ngửa, vì nhầm. Bấy lâu nay đứng ở phố ngó lên đỉnh Sơn Trà, thấy mấy cái cột sừng sững, cứ ngỡ của lính thông tin, té ra toàn là cột thu phát tín hiệu của những đài nói, đài hình.

Trang thiết bị thông tin quân sự có lẽ không thể lộ mình cao ngất nghểu như bên dân sự được, mà gói gọn tối giản trong căn nhà cũ hình tròn mang dáng dấp cái boong ke. Thiết bị thông tin liên lạc mới tinh do Viễn thông quân đội sản xuất thành điểm sáng nhất của căn nhà. Mà lại rất nhỏ gọn. Trung úy trạm trưởng Ngô Văn Minh cho hay, máy hiện đại, công suất lớn, dễ thao tác, sử dụng.

Trạm chỉ có 3 chàng trai đến từ ba vùng quê. Một tháng xuống đơn vị nhận gạo, tiền ăn 1 lần. Mỗi tuần xuống chợ dưới chân núi 1 lần. Còn lại trực chiến thông tin. Ngôi nhà hình tròn xây từ hồi năm nào hóa ra có lợi, khi anh em tận dụng phần mái bằng quây kín như cái phễu bên trên để làm nơi thu hứng nước mưa...

Trở lại với máy móc, khi hạ sơn ghé thăm tiếp mấy đơn vị thu, phát thông tin, ai nấy đều “thất kinh” khi nom những cục máy phát, máy nguồn to vật vã nặng đến cả tạ do các nước sản xuất được dùng từ mấy chục năm nay. Đặt cạnh thiết bị vô tuyến điện do Viettel làm ra nom mạnh mẽ, sáng loáng, chỉ nặng đâu chừng dăm bẩy ký lô, chả khác ông lão nặng nề đứng cạnh chàng thanh niên khỏe mạnh, tuấn tú.

Đó mới chỉ là vẻ ngoài. Còn như nhận xét của Thượng tá Huỳnh Đắc Hải, Phó Chủ nhiệm thông tin Quân khu 5, thì máy của Viettel có nhiều ưu điểm vượt trội. Không chỉ gọn nhẹ, dễ cơ động trong tác chiến, thiết bị còn có công suất lớn, dễ sử dụng, độ bền cao, chịu nhiệt, ẩm ướt và mọi loại thời tiết khắc nghiệt, ổn định về tần số, chất lượng thông tin liên lạc…

Ngoài giá thành rẻ hơn máy của nước ngoài, tiết kiệm nhiều cho ngân sách quốc phòng, thì ý nghĩa đặc biệt nhất theo Thượng tá Hải, đó là tính bảo mật nguyên vẹn. Bởi thiết bị do chính “quân mình” sản xuất, tự làm chủ được hoàn toàn.

Trong câu chuyện, Thượng tá Huỳnh Đắc Hải và Thượng tá Văn Phú Hòa – trợ lý thông tin Quân khu nhắc nhiều tới ngư dân, ngư trường và chủ quyền biển đảo cũng như cứu hộ cứu nạn lúc thiên tai, mà Quân khu nhiều lần giúp dân “ứng chiến”.

Nhắc lại mới nhớ cái buổi tối ngày 29/9/2006, khi còn chưa đầy 24 tiếng nữa bão Xangsane sẽ đổ bộ vào miền Trung, cuộc họp khẩn Ban chỉ huy tiền phương chống bão đặt ngay tại khách sạn Bạch Bằng (Đà Nẵng) do Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng trực tiếp chỉ huy diễn ra căng thẳng. Còn gần 1.300 ngư dân trên biển chưa liên lạc được.

Ngay trong đêm phải sơ tán trên 46.000 hộ dân với trên 183.000 người ra khỏi nơi nguy hiểm, một cuộc di dân lớn chưa từng thấy. Quân đội được huy động với cả trực thăng, xe bọc thép, xe lội nước cùng hàng ngàn quân dàn khắp điểm xung yếu sơ tán, ứng cứu dân. Những chiếc xe cẩu quân đội bên đường biển Sơn Trà hối hả nhấc bổng từng chiếc tàu thuyền của ngư dân đưa vào nơi an toàn…

Thế rồi chỉ sau mấy tiếng bão vào, riêng bệnh viện đa khoa Đà Nẵng có gần 500 người bị thương được đưa đến. Vậy mới biết sức tàn phá ghê rợn không dừng ở cấp độ nào của thiên tai, dù cho công cuộc phòng chống đã diễn ra kịp thời, với mức độ cảnh giác cao nhất.

Là những sĩ quan chỉ huy thông tin ứng cứu trong bão Xangsane năm ấy, nên hai vị Thượng tá Huỳnh Đắc Hải và Văn Phú Hòa cứ thắc thỏm, rằng Viettel làm sao nghiên cứu cải tiến, gọn nhẹ hóa, đơn giản hóa sử dụng hơn nữa, cũng như thêm một số tính năng để những phương tiện thông tin liên lạc này “chỉ to bằng mấy đầu ngón tay” giúp các tổ chức và người dân chủ động hơn trong cuộc chiến chống thiên tai, đồng thời trang bị cho những đội tàu ngư dân bám ngư trường.

Chắc cũng không mấy khó, khi Viettel đã chế tạo và thử nghiệm thành công loại điện thoại GSM SeaPhone 6810 chuyên dùng trên biển. Để sắp tới xây dựng hệ thống phần mềm nhằm hỗ trợ công tác giám sát, cứu hộ cứu nạn trên biển thông qua thiết bị này. Hoặc như Viettel đã đầu tư xây dựng tới 1.400 trạm thu phát sóng di động (BTS) phục vụ biển đảo.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG