Làng chẻ đá

Làng chẻ đá
TP - Quanh năm 'bửa đá kiếm cơm', cái nghề dù chính quyền chưa cho phép, và thường phải đối mặt với những cái chết được báo trước, nhưng hầu hết người dân thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam (Đông Hòa – Phú Yên) không có sự lựa chọn nào khác.
Làng chẻ đá ảnh 1


Sống bám đá

Cách trung tâm xã chừng 10 cây số, chạy dọc theo Quốc lộ 1A, từng dãy núi đá uốn khúc đập vào tầm nhìn của người đi đường. Bên chân núi nhấp nhô bóng phu đá bên những tấm bạt che nắng, tiếng đục đá lách cách vọng vào vách núi.

Mỏ đá của bà Võ Thị Nga có hơn 30 thợ chẻ đá làm việc mỗi ngày. “Liễu yếu đào tơ như em thì leo lên đây làm gì, nguy hiểm lắm, ở đây không có bảo hiểm che chắn đâu, hãy tránh ra xa một chút”, một thợ bửa đá thâm niên nói vọng khi thấy mặt tôi xanh như tàu lá chuối leo lên nơi họ làm.

Sẵn lúc có phụ nữ ghé thăm, các thợ đá dùng tay quệt ngang mồ hôi ròng ròng chảy rồi hú nhau dừng tay hàn huyên chốc lát. Anh Nguyễn Quang 40 tuổi, trú tại thôn Hảo Sơn cho biết: “Dãy núi đá này hình thành các mỏ đá rải rác từ những năm 1975. Ban đầu các mỏ đá đều nằm sát chân Quốc lộ 1A, sau người dân khai thác lần lần đến nay đã gần 40 năm rồi, qua các đời người từ ông, cha và chúng tôi là lứa con cháu, trừ những ngày ốm đau ra thì quanh năm đến đây chẻ đá kiếm ăn”.

Anh Trịnh Đức Lộc, 35 tuổi nhưng đã có đến 20 năm làm nghề chẻ đá, anh pha trò bằng thơ: “Nắng mưa là bệnh của trời, chẻ đá nuôi người là nghiệp, bà con ơi!”. Anh Lộc cũng như bao người khác, đều có thân hình ốm xọm, nước da đen cháy, đôi mắt trắng bạc… cứ như bao nguồn dinh dưỡng trong thân thể họ dồn hết về để nuôi đôi tay cứng chắc. “Tay cứng mới chọi nổi đá, mới bửa nứt những tảng lớn kia, rồi lại bốc đá lên xe rồi thế mới thành gạo được”, anh Quang xen vào. Cố lấy hết sức mình để men theo các hòn đá nhỏ, leo lên những rặng đá khổng lồ mới nhìn thấy bóng dáng các phu đá đang dương vai hạ búa để bửa những tảng đá lớn đã đục thành đường rãnh trước đó.

Anh Nguyễn Nhật Ân 25 tuổi, cái tuổi được coi là nhỏ nhất đoàn thợ chẻ đá tại mỏ đá bà Nga chia sẻ: “Dù biết tuổi thanh niên không nên đốt sức vào những mỏ đá như thế này, nhưng thanh niên ở làng này nếu không đi xa thì cũng chẳng có nghề gì mà làm cả. Ruộng nương thì quá ít, ở nhà chỉ mấy người phụ nữ cũng không đủ cho họ làm, sinh ra là đàn ông không đi xa cũng lên mỏ đá này thôi”.

Rèn dụng cụ chẻ đá
Rèn dụng cụ chẻ đá.


Lơ cho dân kiếm sống

Cuối giờ hành chính buổi sáng, tất cả các thành viên trong UBNN xã Hòa Xuân Nam đang họp, bàn chuyện phát gạo cứu đói giáp hạt của Chính phủ cho dân. Nghe tin có phóng viên đến, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Duy Phùng bước ra “ưu tiên làm việc với báo chí trước, không mấy khi họ về đến vùng quê nghèo này”.

Anh Phùng kể lại: “Thực ra ở dọc cái dãy núi đá Bà Ứng này trước đây thuộc rừng cấm quốc gia, giờ đổi tên thành rừng đặc dụng, đều nằm trong quy định cấm khai thác của tỉnh Phú Yên. Nhưng rồi, ruộng ít, dân đói, thất nghiệp triền miên, Xã sống bằng 100% ngân sách từ huyện nên việc cấm người dân Hòa Xuân Nam không được khai thác đá chẻ là không thể. Vậy nên chúng tôi cũng lơ cho dân họ kiếm cái ăn”.

Chị Lê Thị Lan, phụ trách thống kê xã, tiếp lời: “Xã này chỉ có 2 thôn với 896 hộ dân mà đất ruộng chỉ có 317m2/khẩu, ruộng lúa lại không năng suất. Trong khi đó, với nghề khai thác đá chẻ thì cho thu nhập 1-3 triệu/hộ/tháng nên người dân ở đây đổ xô vào núi đá kiếm sống chứ cấm nghề đá của họ thì họ lại lên rừng chặt gỗ đốt than, hậu quả càng nặng nề hơn”.

Anh Nguyễn Văn Hiệu 42 tuổi, trú thôn Hảo Sơn chia sẻ: “Ở đây cứ nhà nào có con đi học, có nuôi người già, bệnh tật đều phải vào núi đá kiếm sống. Nhà tui có 3 đứa con đang đi học mà lúa thì một mùa chỉ đủ vài tháng ăn, một thân tui đi chẻ đá nhưng ở nhà đang có 6 miệng ăn cũng từ đây mà ra thì dù biết cái chết đã được báo trước nhưng không làm lấy gì mà nuôi vợ, nuôi con”.

Phận người nhỏ nhoi dưới những tảng đá lớn
Phận người nhỏ nhoi dưới những tảng đá lớn.


Cái chết được báo trước

Dọc đoạn đường ở ga Hảo Sơn, gần nơi “đón ánh mặt trời đầu tiên cả nước” mặc dù mới 8 giờ sáng nhưng cái nắng đã gắt gỏng, rát hết da thịt. Anh Nguyễn Hòa, 42 tuổi, người ở xã Hòa Xuân Đông đang chẻ đá tại mỏ đá thôn Phú Khê kể lại: “Tui làm nghề bửa đá này từ khi mới 14 tuổi và cũng từ đó đến nay không làm nghề nào khác nên bầy tui cũng có kinh nghiệm tránh nguy hiểm đá đè cho mình. Từ việc canh thời tiết, đến đoán tảng đá rơi, rồi bửa đá cho dễ vỡ… chúng đều có quy trình hết, nếu không dễ chết lắm”.

Theo anh Hòa, chuyện tai nạn chết người dưới hầm đá chẻ xảy ra không ít trong mấy năm qua, còn chuyện đục đẽo, chẻ, bửa đá gây toạc da máu chảy, đá lăn gãy chân thì thường xuyên như cơm bữa.

Khi nhắc đến những tai nạn chết người do đá đè, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Duy Phùng tâm sự: “Xã đang có gần 60 hộ nghèo đều rơi vào thôn Hảo Sơn, trước đây chủ yếu họ đổ xô lên rừng đốt than, giờ kiểm lâm làm gắt nên họ chuyển sang nghề chẻ đá. Một cái nghề hết sức thủ công, tự phát, không bảo hiểm, chỉ dùng bằng tay bửa đá, rồi chẻ ra chứ nếu dùng mìn nổ để khai thác như các địa phương khác thì sự nguy hiểm chắc còn tăng nhiều”.

Đứng dưới Quốc lộ 1A, đoạn ga Hảo Sơn nhìn vào các mỏ đá do người dân tự tạo, dày chi chít và chia ranh giới khai thác bằng những tảng đá to “để giành”. Phía trên cao chót vót đang có một nhóm khoảng 5 người từ dưới nhìn lên thấy bé tí xíu đang cố hết sức để bẩy tảng đá lớn lăn xuống vựa đường. Lòng đường dòng xe Bắc - Nam vẫn bon bon lăn bánh. Hiểm họa vô chừng, càng hú vía khi thấy tảng đá bắt đầu lăn…

Thợ chẻ Nguyễn Hòa lý giải: “Chúng tôi đã lăn mấy hòn đá vừa ra che chắn trước rồi. Sở dĩ chẻ đá ngay mặt đường này là để tiện cho việc vận chuyển đi bán. Mỗi lần lăn đá phải có người ra đường canh chừng nhỡ không nó lọt hàng rào phía trong mà lăn xuống lòng đường thì nguy lắm”.

Đẻ ra nhiều cai đá

Theo lời chị Lan, thống kê xã Hòa Xuân Nam: “Một vài năm lại đây dọc dãy núi đá thuộc địa phận của xã lại hình thành các chủ mỏ đá. Họ là những người có tiền, tự nhận những mỏ đá gần vệ đường lại có nhiều đá đẹp làm mỏ đá của mình rồi thu hút những phu đá nhà nghèo về khai thác tại mỏ của họ. Nhóm người nghèo đó sẽ được ứng lương đầu tháng với điều kiện là khai thác tại mỏ đó và bán với giá rẻ hơn 500 – 1.000 đồng/viên cho đến khi trừ đủ số tiền đã ứng trước đó”.

"Xã mới chỉ thống kê được 103 người dân Hảo Sơn chuyên làm nghề chẻ đá có tay nghề lâu năm, còn người các xã khác về đây chẻ đá thì không tính hết. Lao động thì nhiều mà địa phương không quản được. Nếu không có biện pháp quản lý thì nhà nước mất ngân sách, ẩn họa luôn rình rập" - Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Duy Phùng nói

Từ một chủ mỏ đá lại đẻ ra rất nhiều ông cai đá sau đó, tự móc nối với nhau để thu hút người nghèo đến chẻ đá. Để có tiền lo cho con ăn học, có nhiều người dân cũng đành chấp nhận ứng tiền về nộp học cho con và nai lưng ra bửa đá để trừ nợ.

Anh Nguyễn Quang cho hay: “Ở cái làng này không có mỏ đá nào đăng ký hoạt động hết, không có bảo hiểm, bảo hộ lao động khác nhưng lại xảy ra tình trạng các chủ cai đá tranh giành lao động bằng cách đưa tiền ra để nhử người nghèo chúng tôi. Nếu không may một ai đó bị đá đè chết thì chủ mỏ đá cũng chỉ gửi thêm chút đỉnh gọi là lo ma chay cho người bị nạn tại mỏ đá của họ mà thôi”.

Mỗi thành viên chẻ đá cật lực mỗi ngày cũng thu được trên dưới 100.000 đồng, cũng có những người dân vì không đủ sức chẻ đá họ đã đến tận các mỏ đá xin nhặt lượm những viên đá bể rồi dùng sức mình gồng gánh đến khi chất thành đống thì thuê xe ba gác chở đi tiêu thụ.

MỚI - NÓNG