Làng cơm nắm

Làng cơm nắm
Ở Hưng Yên có một làng sống bằng nghề nấu cơm nắm. Giờ đây những nắm cơm muối vừng đã có mặt khắp nơi ở Hà Nội, khách mua chủ yếu là công nhân viên chức, học sinh, sinh viên...
Làng cơm nắm ảnh 1
Vợ chồng anh Biên mỗi đêm cho ra đời 1.000 nắm cơm - Ảnh: Q.T.

Mới 0 giờ của ngày cuối đông nhưng làng Ngọc, làng Cầu của xã Lạc Đạo (Hưng Yên) đã bắt đầu nổi lửa sáng đèn. Vợ chồng anh Biên - chị Lịch cũng đón bình minh vào lúc này.

Biên khơi lại bếp than ủ hồi chiều, đặt lên chiếc nồi gang đong đủ 9 ca nước. Lên nhà, anh pha một chậu nước vừa đủ ấm, kê bên chiếc bàn mặt tôn có đôi ghế thấp và 2 chiếc khăn vải xô trắng.

Anh bày thêm chồng rổ sảo cùng 3 chiếc khuôn gỗ vuông để kê chúng. Dụng cụ của nghề nắm cơm chỉ có vậy. Lịch vo gạo xào xạo trong chậu nước lạnh buốt. Đặt xong rá gạo thứ năm lên kệ thì Lịch đổ rá thứ nhất vào nồi nước đang sôi trào trên bếp lửa hồng.

Và đến rá thứ chín chị nhấc nồi cơm vừa cạn xuống vùng than trấu bên cạnh và rút rơm rạ chất lên vung, châm lửa đốt chừng 5 phút thì nồi cơm đủ cho một đội bóng ăn đã được vùi trong đống tro âm ỉ lửa.

15 phút sau, nồi thứ nhất vừa chín thì nồi thứ hai cạn nước và nồi thứ ba lên bếp. Bưng lên nhà, mở nồi cơm, Lịch xới đều, thoăn thoắt như cỗ máy. Họ liên tục xúc từng muôi cơm thơm dẻo hôi hổi nóng đổ vào mảnh khăn trắng.

Rất nhanh, họ gói gọn, vừa ấn vừa day tròn nắm cơm xuống bàn. Cứ khoảng 1 phút lại mở khăn, xếp ra sảo tre một nắm cơm tròn dẹt, trắng, thơm và ngút khói... Họ cứ lặng lẽ, đều đặn và chuẩn xác như thế cho đến khi tiếng xe của khách hàng vọng vào cửa.

Lịch ra phản, gói từng nắm cơm vào những tờ giấy cắt nhỏ, bỏ vào túi nilông kèm theo những gói muối vừng. Nắm to 700 đồng, nhỏ thì 500 đồng.

Đến 6 giờ sáng khi sương khuya dần tan dưới ánh mặt trời, người khách cuối cùng rời khỏi nhà thì vợ chồng Lịch cũng hoàn thành nắm cơm thứ 1.000, nấu hết 50 kg gạo thành 12 nồi cơm.

Từ bếp lửa đến thị trường

Cụ Đảo - một trong những người nấu cơm nắm nhiều và lâu nhất vùng - nói: “Quê tôi có ga xe lửa Lạc Đạo ngày ba bốn lần dừng đón trả khách.

Tôi nghĩ đi tàu xe như thế thì chỉ muốn có nắm cơm chấm muối vừng là chắc dạ, ngon miệng, rẻ tiền lại đỡ nhớ nhà.

Về nhà tôi nắm mấy nắm cơm như những buổi làm đồng rồi xách ra ga bán. Bán được, từ đấy bảo nhau làm, lâu rồi thành nghề. Mấy chục năm qua đi, cơm nắm muối vừng nên nghề kiếm cơm cho Lạc Đạo.

Xã thống kê nghề này hiện thu hút 3.000-5.000 lao động thường xuyên, chủ yếu là hộ nghèo, vừa nắm cơm vừa đi bán

Lịch nói nấu cơm nắm cần quan tâm mấy vấn đề. Chọn loại gạo cho cơm dẻo, thơm nhưng không quá dẻo đến mức dính quánh. Để nắm cơm trắng, đẹp và ngon hơn thì gạo phải xát hai lần.

Cơm nấu phải ướt gần như cháo đặc nhưng vẫn nhìn rõ hạt thì dễ nắm mà vẫn chắc, cắt thành lát nhìn đẹp. Tỷ lệ nước và gạo phải tuyệt đối tuân thủ theo một chiếc ca tôn. Cứ 3 ca nước 1 ca gạo đầy có ngọn, tức 1,5 kg.

Kỹ thuật đơn giản như chính người theo đuổi nó: nồi cơm từ sôi đến cạn thì 3 lần ghế (đảo) để cơm chín đều nhưng không tiết nhiều nhựa. Bấm cữ thời gian, điều chỉnh lửa để cơm chín nhừ. Nắm tròn đều là được.

Ông Đỗ Tiến Nhượng - Chủ tịch UBND xã Lạc Đạo, nguyên là tay nắm cơm lâu năm - tâm sự nắm cơm được coi là nghề phụ của xã từ năm 1995. Thời thịnh có ngày cả xã làm được 20 vạn nắm, tương đương 10 tấn gạo được nấu thành cơm.

Vợ chồng Biên - Lịch hạch toán: Gạo, than củi, điện, nước, rơm rạ, lạc vừng, muối, giấy báo, ni lông hết 550 - 600 đ/nắm cơm. Bán được 700 đồng, hai vợ chồng cũng được hơn 2,5 triệu đồng/tháng.

Cái hay nhất của nghề, như ông Nhượng nói, là tận dụng lao động, xóa đói giảm nghèo. Trước chỉ có làng Ngọc nắm cơm với khoảng 40 ông chủ thuê người làm, nay nghề này đã sưởi ấm bếp lửa của hàng ngàn hộ nghèo túng, neo đơn.

Có gia đình như chị Loan, mẹ già, chồng mất, con nhỏ nhưng từ nắm cơm mà dựng được cuộc sống tươm tất. Sau giờ đi học, làm đồng, lên lớp hay ngày nghỉ của công chức thì ai cũng có thể nắm cơm kiếm đồng công.

Những nẻo đường... cơm

Bốn giờ sáng, con đường từ Lạc Đạo ra thị trấn Như Quỳnh đã đông già trẻ, gái trai xe đạp, xe máy, ôtô... Những người bịt khẩu trang, xách làn, mẹt là dân bán cơm nắm ra Hà Nội.

Năm giờ sáng, tôi theo chân Thu, một “thương nhân” cơm nắm. Sau khi lấy giò chả, ruốc, bánh giầy, 30 nắm cơm, muối vừng cùng mẹt, làn... chúng tôi đạp xe 4 km để ra bến xe buýt Như Quỳnh.

Chị kể ngày xưa cơm nắm chỉ bán cho lữ hành qua ga Lạc Đạo. Người làng theo nghề đông dần. Họ mở thị trường đến ga Long Biên, Hàng Cỏ rồi Giáp Bát của Hà Nội. Ai đi được xe máy thì phóng đến Hà Nội. Ai không đi được thì nhờ chồng chở đi. Đưa vợ đến điểm “tập kết” rồi chồng lại làm dân xe ôm, tối đưa nhau về. Nhà không mua được xe thì đi nắm thuê.

Rất may là gần đây Nhà nước mở tuyến xe buýt Như Quỳnh (Hưng Yên) - Hà Nội. Đến Hà Nội, dân cơm nắm phân tán khắp nơi. Mỗi người, mỗi nhóm có những điểm, địa bàn riêng. Khách hàng chủ yếu là công nhân viên chức, học sinh, sinh viên.

Ngoài ra tháng nào Thu cũng bán vài ngàn nắm cơm cho những cơ quan, tổ chức du lịch dã ngoại. Ngày qua ngày Thu rảo bước trên khắp phố phường phồn hoa có những cửa hiệu, nhà hàng muôn nghìn sơn hào hải vị và rao: “Cơm nắm muối vừng đây! Ai cơm nắm muối vừng nào!”.

Theo Quang Thiện
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG