Làng hoa miền Tây 'rộn ràng vào Tết'

Chăm sóc hoa tại Tân Quy Đông (Sa Đéc- Đồng Tháp)
Chăm sóc hoa tại Tân Quy Đông (Sa Đéc- Đồng Tháp)
TP - Chỉ còn hơn 20 ngày nữa là đến Tết, vì vậy những ngày này các làng hoa ở miền Tây nhộn nhịp, tấp nập hẳn lên...

Tại làng hoa Tây Quy Đông, làng hoa lớn nhất miền Tây thuộc thành phố Sa Đéc- tỉnh Đồng Tháp, không khí rộn ràng khắp làng khi người nào cũng ra vườn, chăm chút cho từng khóm hoa, chậu kiểng để chờ thương lái tới nhận hàng. Chị Nguyễn Thị Ngọc - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Quy Đông, cho biết năm nay do thời tiết thuận lợi nên hoa phát triển tốt và hy vọng sẽ bán chạy. 

Nếu như năm 2013 toàn xã có tổng diện tích trồng hoa chỉ hơn 20 ha thì năm 2014 đã tăng vọt lên tới 53 ha. “Hiện nay, toàn xã đã có tới trên 1.500 loài hoa với rất nhiều chủng loại, được khách mua rất ưa chuộng”- chị Ngọc nói. Cũng theo chị Ngọc, hoa không chỉ được bán cho thương lái mà bán cho khách hàng ở các địa phương tới đặt mua trực tiếp với số lượng lớn. Cách đây mấy hôm, khách từ Đà Nẵng vô đặt hàng hơn 10.000 chậu hoa cúc, hoa hồng. Nếu so với Tết năm trước thì năm nay, dự báo sản lượng hoa của Tân Quy Đông sẽ tăng 50% đến 70%.

Cả nhà ông Trần Thanh Tao ở khóm Sa Nhiêu đang nhổ cỏ, tưới cây cho các chậu hoa. Theo ông Tao, Tết này nhà làm được khoảng hơn 8 ngàn chậu hoa gồm cúc vạn thọ, mào gà, mâm xôi. Với giá bán bình quân khoảng 15 ngàn đồng/chậu thì năm nay sẽ thu về được khoảng 120 triệu đồng. Ông cho biết: “Tết năm trước làm được cỡ 6.000 chậu, nhưng năm nay tui làm nhiều hơn, vì có khách đặt mua trước, giá bán không tăng nên khách ưng ý lắm”. 

Hoa tăng sản lượng nên giá nhân công cũng tăng. Anh Lê Văn Phú, người ở thành phố Sa Đéc đang làm công, cho biết: “Ngày làm 8 tiếng, được bao ăn sáng ăn trưa, chiều lại còn được nhậu nữa”. Dù trả công lao động cao đến thế nhưng với mức thu hoạch bình quân khoảng 230 triệu đồng/1.000m2, trừ chi phí khoảng 120 triệu đồng thì người dân xã Tân Quy Đông vẫn thu được lợi nhuận 110 triệu đồng. Đây là con số rất cao nếu so với trồng nhiều hoa màu khác. 
  
Làng hoa miền Tây 'rộn ràng vào Tết' ảnh 1 Hoa giấy cổ kiểng
Một thuận lợi nữa cho làng hoa Tây Quy Đông là năm nay, dự án quy hoạch đường hoa du lịch đã bắt đầu được triển khai. Theo dự án, con đường hoa sẽ kéo dài từ khóm Sa Nhiêu cho đến khóm Cái Dao thuộc xã Tân Quy Đông, với chiều dài 2,3km và diện tích đất nằm trong dự án là gần 20.000m2. Ngoài phần đất tình nguyện do dân 2 bên đường tự nguyện hiến tặng để làm đường thì chính quyền địa phương cũng đầu tư hơn 15 tỷ đồng cho các hạng mục như: Cổng hoa, cầu và nâng cấp đường hoa. 
Những hộ 2 bên đường hoa còn tham gia làm công tác du lịch như trưng bày hoa theo các chủ đề, bán hoa và giới thiệu du khách về làng hoa có tuổi đời hơn 100 năm tuổi này. Sau khi dự án hoàn thành, Tân Quy Đông sẽ trở thành điểm nhấn du lịch của Sa Đéc. Chị Hồ Thị Hạnh (ấp Sa Nhiêu) khoe, đã bán được hơn 50 giỏ hoa cho khách mua lẻ trong vòng 5 tiếng mở cửa, thu về hơn 3 triệu đồng.

Không khí rộn ràng chuẩn bị hoa Tết lan sang làng hoa kiểng thuộc xã Hưng Khánh Trung B (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Tại cơ sở cây kiểng Năm Công, hơn chục người thợ đang loay hoay uốn cây, tạo thế dáng cho những cây kiểng sắp được xuất đi. Năm nay, cơ sở này đã làm trên 50 con dê bằng cây xanh cho khách. Với giá bán khoảng 6 triệu đồng cho một cặp dê bằng cây kiểng thì cơ sở đã thu trên 100 triệu đồng. Còn với những cây cảnh tạo dáng lớn hình voi, nhà lều thì giá bán có thể lên tới vài chục triệu đồng/cây. Hiện cơ sở đang có hơn 20 người làm công để kịp giao hàng cho khách.

 Theo chị Trương Ngọc Thiểm - con gái của ông chủ cơ sở Năm Công thì năm nay khách đặt nhiều hơn hẳn so với Tết năm trước. Các khu du lịch ở Vũng Tàu, Đà Nẵng hay TPHCM đều tìm đến Năm Công để đặt cây kiểng với nhiều hình lạ như thú, cờ Tổ quốc, đu quay... để trưng bày. “Họ còn đặt thêm hoa các kiểu biểu tượng cho tình yêu như hình chiếc nhẫn, hình trái tim hay căn lều thơ mộng. Chỉ riêng khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu tại Đà Lạt đã đặt hàng lên tới gần 1,2 tỷ đồng cho những cây hoa kiểng được tạo dáng độc đáo này rồi”- chị 00 Thiểm cho biết.

Làng hoa miền Tây 'rộn ràng vào Tết' ảnh 2 Vận chuyển hoa tại Hưng Khánh Trung B (Chợ Lách- Bến Tre)
Tại làng mai Vĩnh Phú (huyện Chợ Lách- Bến Tre), nhiều hộ trồng mai cũng bắt đầu lặt lá, phun thuốc để cho mai nở đúng ngày Tết. So với mọi năm, năm nay Tết đến muộn nên việc chăm mai đòi hỏi phải kỹ lưỡng hơn thì mới có thể đạt yêu cầu. Ông Nguyễn Văn Trụ - một người trồng mai kiểng trong xã cho biết, năm nay thời tiết lạnh hơn nên phải dùng kỹ thuật thúc mai, nếu không rất dễ gặp tình trạng mai nở muộn. 
Với hơn 2 ngàn chậu mai, ông Trụ dự tính sẽ bán được với giá từ 80 đến 120 ngàn đồng/chậu. Ông Nguyễn Sa Ri (xã Long Thới- huyện Chợ Lách) đang đầu tư hơn 80 gốc hoa giấy ghép cổ thụ. Theo ông Sa Ri, loại hoa này nở nhiều màu sắc rất đẹp và lâu tàn nên để trong nhà rất phù hợp. Với giá bán chừng 6 triệu đồng/cặp, nếu bán hết, ông sẽ thu được 240 triệu đồng. 

Đi dọc các tuyến đường miền Tây, đã thấy xe hàng rục rịch chở hoa đi bán. Rồi bên những bến sông ghe thuyền đã ghé để chuẩn bị chở hoa. Một mùa Tết nữa lại đến, người trồng hoa miền Tây đang tiếp tục làm đẹp từng gia đình, từng công viên hay đường phố khắp nơi bằng những nụ hoa rực rỡ trong ngày Tết.

Làng hoa Tây Quy Đông tăng sản lượng đã dẫn tới tình trạng nhu cầu về nhân công tăng vọt. Nếu như ngày thường một ngày công chăm sóc hoa chỉ vào khoảng 150 ngàn đồng thì đến dịp giáp Tết giá một ngày công đã tăng lên tới 220 ngàn đồng.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG