Làng hoa Tây Tựu thấp thỏm chờ Tết

Anh Thắng vừa chia sẻ với PV vừa làm “luôn tay luôn chân”.
Anh Thắng vừa chia sẻ với PV vừa làm “luôn tay luôn chân”.
TPO - Người dân làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) những ngày này đều khẩn trương trồng hoa để kịp vụ mùa lớn nhất trong năm: Tết Nguyên Đán.
Làng hoa Tây Tựu thấp thỏm chờ Tết ảnh 1

Gia đình anh Thắng phải thuê thêm nhân công để gieo 3 vạn mầm cúc kịp tiến độ.

Tất bật cho vụ hoa cuối năm

Đến làng hoa Tây Tựu khi trời đã chuyển lạnh. Trên các ruộng hoa, vẫn tấp nập, tiếng máy phay đất, máy nổ, máy phun thuốc. Ai ai cũng mang dáng vẻ vội vã và khẩn trương. Ông Mạnh Toàn (51 tuổi, tổ dân phố Hạ, Tây Tựu) chia sẻ: “Bây giờ trời khô thế này, ai cũng tranh thủ phay đất (cải tạo đất), phay không nhanh thì không kịp trồng lứa hoa Tết hoặc trời lại mưa”. Những công việc này đáng lý phải làm từ 2-3 tuần trước nhưng năm nay trời mưa nhiều, đất ướt không phay được, mọi công việc đều bị trì hoãn lại.

Ông Toàn cho rằng việc tính toán từng ngày từng tháng để hoa nở trúng Tết Nguyên Đán rất quan trọng. Đây là ngày lễ lớn nhất trong năm, nhu cầu tiêu thụ hoa khi này cao hơn cả. Nếu thuận lợi, mỗi sào trồng hoa cúc sẽ giúp ông thu được 60 -  80 triệu đồng, còn “nếu trượt Tết là chết, là lỗ, mà lỗ thì lấy tiền đâu mà làm tiếp!”

Làng hoa Tây Tựu thấp thỏm chờ Tết ảnh 2 Anh Thắng vừa chia sẻ với PV vừa làm “luôn tay luôn chân”

Chỉ còn 3 tháng rưỡi nữa là đến Tết Nguyên Đán, trong khi thời gian cần thiết để thu hoạch một vụ hoa cúc phải 3,5 - 4 tháng. Bởi vậy, gia đình anh Thắng (tổ dân phố Trung 7, Tây Tựu) cũng đang khẩn trương gieo trồng sào cúc vàng đông. Anh Thắng chia sẻ: “Mình vừa ăn vội bát cơm rồi lại ra ruộng đấy chứ. Những tháng cuối năm nhiều việc, mọi người trong nhà đều phải hợp tác, giúp đỡ nhau. Người phay đất, người tưới cho đất ẩm, người thì phun thuốc…”.

Ở thửa đất bên cạnh, tiếng máy phay đất của gia đình anh Bằng (tổ dân số Trung 5, Tây Tựu)  ầm ầm chạy. Được biết sau khi phay đất, anh Bằng sẽ trồng hoa hồng phấn đỏ và hoa hồng trắng. Anh cho biết sẽ phải cố gắng chăm bón nhiều hơn trong những tháng tới thì “may ra” lứa hoa này mới kịp Tết và Rằm tháng Giêng.

Anh cũng cho biết thêm: “Mấy anh phay đất những ngày này đắt hàng lắm, làm ngày làm đêm vì người dân cả làng ai cũng muốn nhanh nhanh để trồng được hoa mới.”

Thấp thỏm với nắng mưa

Làng hoa Tây Tựu thấp thỏm chờ Tết ảnh 3

Những cây hoa hồng chết, cháy lá, cháy hoa do mưa và sương muối.

Tuy đang chuẩn bị cho một vụ hoa mới với nhiều hi vọng và chờ đợi nhưng người dân làng hoa vẫn không khỏi canh cánh nỗi lo của vụ mùa trước đó. Một năm ông trời không chiều những người trồng hoa.

Chia sẻ với PV, ông Mạnh Toàn cho biết: “Mưa kéo dài, sào hoa hồng nhà tôi cháy lá, cháy hoa hết. Tôi còn phải bỏ tiền ra để chăm sóc, đánh thuốc, bón phân để mong cứu vãn.” Mọi năm, hoa hồng sẽ được thu hoạch và đem bán từ rằm tháng 7 đến ngày 20/10 nhưng năm nay gia đình ông Toàn chẳng có hoa để thu hoạch. Số tiền thiệt hại lên đến 20 - 30 triệu đồng.

Thiệt hại hơn cả ông Toàn, anh Bằng thậm chí phải nhổ hết hoa cũ để trồng lại một lứa hoa hồng mới. Một cây hoa hồng trung bình sau 5-6 năm mới thay gốc nhưng thời tiết khắc nghiệt của năm nay khiến những sào hoa nhà anh tự chết, số ít “thoát chết” thì cũng không thể cho năng suất cao được nữa. Chẳng được thu hoạch, giờ lại phải đầu tư từ đầu, việc này tiêu tốn của anh hàng chục triệu đồng.

“Năm nay dân trồng hoa chán lắm. Dân Tây Tựu nhiều nhà chết đói, trồng xong lại phá, phá rồi lại trồng. Một vòng luẩn quẩn!”, chị Bích (46 tuổi, tổ dân phố Hạ, Tây Tựu) vừa luôn tay gieo mầm cúc vừa tâm sự với PV.

Làng hoa Tây Tựu thấp thỏm chờ Tết ảnh 4 Luống hoa cúc vàng thối gốc chuẩn bị phải nhổ bỏ.

Bốn chữ “một vòng luẩn quẩn” thật đúng với trường hợp của chị Bích khi đây là lần thứ 3 chị trồng lại sào cúc vàng. Bốn tháng “ăn sương nằm đồng” vừa qua là những tháng ngày buồn nhất đối với chị. Hoa mới nhú được 5 phân thì trời lại mưa và sương muối khiến hoa bị thối gốc, buộc phải nhổ bỏ.

Mỗi lần trồng lại hoa, chị Bích ví như việc “đổ của ra ngoài đồng”. Một sào hoa trồng khoảng hơn 2 vạn mầm, mỗi mầm cúc giá mua 150 – 200 đồng, như vậy mỗi lần trồng lại chị Bích phải đầu tư khoảng 5 triệu đồng/sào, chưa kể công thuê người phay đất, người trồng, tỉa cây và chăm bón.

“Chỉ mong ông trời thương người trồng hoa để chúng tôi có vụ Tết khấm khá hơn”, giọng chị Bích trĩu lại, ánh mắt nhìn xa xăm.

Làng hoa Tây Tựu thấp thỏm chờ Tết ảnh 5  Mẻ hoa này chị Bích ươm cả những ước mong và hi vọng.
MỚI - NÓNG